Tính từ đầu tháng 12 tới nay, tình trạng leo thang bất ổn chính trị tại một số nước ở châu Âu đã liên tục gây ra những làn sóng biểu tình đậm màu bạo lực khiến các lực lượng chức năng đôi khi đã phải sử dụng đến những "biện pháp mạnh" để giải tán đám đông biểu tình. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng như hiện nay, những cuộc biểu tình như vậy đã trực tiếp “góp phần” đẩy châu lục này tới bờ suy thoái.
Tình hình ngày một "nóng"
Sau 200 cuộc biểu tình diễn ra ở 67 tỉnh khiến 6 người thiệt mạng và hơn 1.700 người bị bắt giam hồi tháng 5 năm nay, vào tháng 9 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục nổ ra làn sóng biểu tình chống chính phủ và nhanh chóng lan rộng ra khắp đất nước. Người biểu tình tụ tập tại quảng trường Kadikoy liên tục trong nhiều ngày để bày tỏ phẫn nộ về cái chết của một thanh niên 22 tuổi trong cuộc đụng độ với cảnh sát ở Istanbul hôm 9/9.
Làn sóng biểu tình nổ ra tại châu Âu trong thời gian gần đây đang làm châu lục này ngày một “nóng” lên. |
Cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay và vòi rồng để ngăn cản người biểu tình xông vào trụ sở đảng Công lý và Phát triển (APK) cầm quyền. Tiếp đó, trong những ngày đầu tháng 12, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phải dùng đến hơi cay và vòi rồng giải tán đám đông người biểu tình bên lề lễ tang của hai thành viên đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị bắn chết trong cuộc đụng độ với cảnh sát hôm 6/12.
Người biểu tình đã ném đất đá vào các nhân viên an ninh và đốt cháy lốp xe tạo thành các rào chắn trên một tuyến đường thuộc quận Yuksekova, khu vực có đông người Kurd sinh sống ở Đông Nam nước này. PKK đã bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách tổ chức khủng bố vì đã phát động vũ trang vào năm 1984 đòi thành lập nhà nước độc lập của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một diễn biến khác, ngày 12/12, tại Italia, hàng nghìn người biểu tình đã chặn đứng con đường cao tốc chạy qua miền Tây Bắc Italia sang Pháp để phản đối việc chính phủ không giữ lời hứa giảm thuế và có nguy cơ bùng phát thành bạo lực tại nhiều thành phố lớn trong nước. Trong khi đó, tại thủ đô Rome, hàng trăm sinh viên đã tổ chức biểu tình phản đối việc cắt giảm ngân sách cho các trường đại học, người biểu tình còn tấn công cảnh sát.
Còn ở thành phố Milan, đám đông người biểu tình đã chiếm giữ quảng trường Loreto trong nhiều ngày liên tiếp. Một số lãnh tụ của các đảng đối lập cũng đã xuống đường kêu gọi người biểu tình và cả cảnh sát không ủng hộ chính phủ. Tình hình cũng không khá hơn mấy tại quốc gia nghèo nhất EU Bulgaria vào ngày 14/12 khi hàng trăm người dân thủ đô Sofia đã tham gia cuộc rước đuốc yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Plamen Oresharski phải từ chức.
Làn sóng biểu tình bắt đầu nổ ra từ khi Thủ tướng Bulgaria bổ nhiệm nhân vật gây tranh cãi Delyan Peevski làm người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (DANS) hồi tháng 6 vừa qua. Trong một diễn biến cùng ngày, gần 4.000 người Tây Ban Nha đã tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật tăng mức phạt đối với các tội danh xúc phạm biểu tượng quốc gia trong khi biểu tình từ 1.000 EURO (1.377 USD) lên 30.000 EURO (48.800 USD).
Cùng ngày, tại Hy Lạp, gần 800 thành viên và người ủng hộ đảng cực hữu đối lập "Bình minh Vàng", trong đó có ba nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng này và nhà lập pháp Eleni Zaroulia - vợ thủ lĩnh đảng này Nikos Michaloliakos - đã biểu tình phản đối việc chính phủ chuẩn bị xây dựng nhà thờ Hồi giáo chính thức đầu tiên tại thủ đô Athens. Tiếp đó, trong ngày tiếp theo (15/12), hàng trăm người Romania đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Bucharest để phản đối việc Quốc hội nước này thông qua dự luật trong đó tăng quyền miễn trừ của các nghị sĩ đối với những cáo buộc tham nhũng.
Theo luật mới, các nghị sĩ Quốc hội Romania sẽ không nằm trong diện bị điều tra trong những cáo buộc tham nhũng liên quan tới các cơ quan nhà nước, như lạm dụng chức quyền hay xung đột lợi ích. Trong một diễn biến khác, cùng ngày tại Kaerrtorp, ngoại ô thủ đô Stockholm của Thụy Điển, tổ chức dân sự Line 17 Network đã phát động cuộc biểu tình với sự tham gia của khoảng 800 người, dưới sự cho phép của chính quyền địa phương, để phản đối các hành động cực đoan và tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít đang xảy ra ngày càng nhiều tại nước này. Ít nhất 5 người đã bị thương trong đó có 2 cảnh sát và 28 phần tử quá khích đã bị bắt giữ.
Và một trong những điểm “nóng” nhất tại châu Âu tính đến thời điểm này không thể không nhắc đến là Ukraine với những cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra sau quyết định không ký kết hiệp định thương mại và thành viên với EU của Tổng thống Viktor Yanukovych.
Tương lai mịt mờ
Rõ ràng, các làn sóng biểu tình liên tục xảy ra tại nhiều quốc gia ở châu Âu đang làm cho châu lục này ngày một “nóng” lên. Và nhất là trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu, đà phát triển của EU còn yếu và bế tắc tài chính ở khu vực này chưa hoàn toàn được cải thiện thì việc nổ ra những làn sóng biểu tình trên đối với châu Âu đâu có khác gì vết thương cũ chưa lành, nỗi đau khác đã tranh giành ập đến.
Trong tình hình như vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu nói riêng và chính phủ các nước nơi đang diễn ra những cuộc biểu tình cần nhanh chóng tìm cách “trị quốc”, cần phải tìm những giải pháp hợp lý chung để “giảm bớt nhiệt” cho khu vực, nếu không sẽ không còn tồn tại một EU vững chắc như những ngày đầu mới thành lập và hố sâu suy thoái sẽ là đích đến của họ.