Năm 2014, phấn đấu GDP khoảng 5,8%
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu lạm phát khoảng 7%; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra; tiếp tục điều chỉnh nguồn tín dụng hướng vào những lĩnh vực ưu tiên; tập trung xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ và giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ và thị trường vàng.
Ảnh minh họa |
Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Chính phủ quyết nghị: Trên cơ sở tình hình thực hiện tháng 8 và 8 tháng đầu năm, ước thực hiện 9 tháng đầu năm và cả năm 2013; dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của năm 2014 cần phấn đấu đạt mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10 % so với năm 2013.
Về sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ quyết nghị: Tiếp tục đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia đã ghi trong kế hoạch từ nay đến năm 2015. Sau năm 2015, thực hiện cải cách cơ chế, chính sách đối với các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng chỉ bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho một số lĩnh vực trọng tâm như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Kiểm tra toàn diện chính sách lao động, tiền lương tại DNNN
Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về chính sách lao động và tiền lương trong các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về chính sách lao động và tiền lương trong các DNNN thuộc thẩm quyền quản lý trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2012. Trường hợp phát hiện sai phạm thì phải chấn chỉnh và xử lý theo đúng quy định của Nhà nước.
Đồng thời thực hiện rà soát lại các chính sách hiện hành của Nhà nước về việc thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ công ích, định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức lao động trong việc lập dự toán đối với các công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích theo đơn đặt hàng của Nhà nước hoặc được Nhà nước giao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo có kèm theo đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về lao động, tiền lương; các chính sách của Nhà nước về việc thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ công ích, định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức lao động trong việc lập dự toán các công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30/11/2013.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2013.
Báo cáo việc giá sữa tăng cao
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo gấp Thủ tướng Chính phủ về thông tin việc đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung làm cho giá sữa tăng cao như phản ánh trên Chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1).
Bộ Y tế, Bộ Tài chính phải báo cáo về vấn đề này trước ngày 15/9 tới để xem xét, xử lý.
Trước đó, Chương trình thời sự tối ngày 8/9/2013 của VTV1 có phóng sự phản ánh việc Bộ Y tế đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung, từ đó các sản phẩm sữa được loại khỏi danh mục hàng hóa cần phải quản lý giá và làm cho giá sữa tăng cao.
Như phản ánh của VTV, theo một bảng thống kê giá của một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp, mức giá nhập khẩu, từ 4-5 USD/hộp (khoảng 80.000 - 100.000 đồng), còn giá bán lẻ trên thị trường từ 400.000 - 900.000 đồng, gấp 5-9 lần giá nhập khẩu.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống mại dâm
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Đồng thời thường xuyên tham mưu, đề xuất các giải pháp có hiệu quả đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế khẩn trương trình Thủ tướng xem xét, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống mại dâm trong tình hình mới; xây dựng, đề xuất đề án sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Hà Nội khẩn trương quy hoạch hệ thống bến xe khách liên tỉnh
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND TP Hà Nội khẩn trương rà soát, thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn Thành phố nói chung, Bến xe Mỹ Đình nói riêng và hệ thống giao thông công cộng kết nối giữa các bến xe với các khu vực trong nội đô, bảo đảm việc đi lại của người dân được thuận lợi, đảm bảo trật tự an toàn và giảm ùn tắc giao thông.
Phó Thủ tướng cũng giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các cơ quan chức năng của Thành phố căn cứ các quy định của pháp luật, nghiên cứu ý kiến đề xuất của các cơ quan, đơn vị liên quan để có phương án quản lý các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đến Bến xe Mỹ Đình, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách; nghiên cứu, hướng dẫn việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác các bến xe trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về cấp phép kinh doanh vận chuyển hành khách.
Từng bước thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuẩn bị các điều kiện, xây dựng các quy định cần thiết để từng bước thực hiện thí điểm và hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 344/TB-VPCP về kiểm điểm tình hình thực hiện Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam.
Để thị trường phát triển điện cạnh tranh tiếp tục hoạt động ổn định, đạt hiệu quả cao nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thươngchỉ đạo các đơn vị liên quan có kế hoạch cụ thể để đưa các nhà máy điện có đủ điều kiện tham gia trực tiếp giao dịch vào thị trường để nâng cao tính cạnh tranh của thị trường điện.
Đồng thời rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp, quy trình thanh toán, bảo đảm thời gian thực hiện thanh toán chính thức và quyết toán tiền điện trên thị trường được rút ngắn, hợp lý nhất.
Bên cạnh đó Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các đơn vị tham gia thị trường điện. Yêu cầu các nhà máy điện tham gia thị trường điện phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia để đảm bảo an ninh hệ thống.
Bộ Công Thương xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn về xử lý cho các đơn vị tham gia thị trường, trong đó có tổ chức diễn tập về các tình huống sự cố và các giải pháp khắc phục.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh công tác phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện, phục vụ tốt cho các đơn vị tham gia thị trường.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo yêu cầu kế thừa hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đang sử dụng, đáp ứng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống công nghệ thông tin tại các thị trường điện thành công trên thế giới.
Kiểm tra, xử lý vụ chôn thuốc sâu của Công ty Nicotex
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền vụ việc Công ty Nicotex chôn thuốc sâu độc hại, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2013.
Như đã đưa tin, cuối tháng 8/2013, người dân phát hiện trong khuôn viên Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái hoạt động trong lĩnh vực sang chai đóng gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy và xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có chôn lấp một khối lượng lớn chất thải được cho là bao bì và thuốc trừ sâu quá hạn sử dụng.
Nhận được thông tin, Tổng cục Môi trường đã thành lập Đoàn công tác vào làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa và khảo sát thực tế tại Công ty trên.
Kết quả kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sơ bộ bước đầu cho thấy, trong các năm qua Công ty Nicotex Thanh Thái đã có các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như: Thực hiện không đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; tần suất giám sát 2 lần/năm trong khi qui định 4 lần/năm; quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định.
Kết quả khảo sát thực tế tại khu vực khuôn viên Công ty hiện nay đã phát hiện một số điểm chôn lấp các bao bì, thùng phuy được đựng hóa chất, thuốc BVTV quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, chưa xác định được cụ thể chủng loại hóa chất, thuốc BVTV chôn là loại gì, số lượng cũng như thời gian chôn.
Hiện cơ quan Công an cũng đã phối hợp với các ngành liên quan lấy mẫu đất, mẫu nước, vỏ bao bì, mẫu hóa chất gửi Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV phía Bắc, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) để phân tích, xét nghiệm các chất và thành phần nhằm đánh giá chính xác những tác động của các chất hóa học này đến môi trường xung quanh.
Ngay sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, Công ty Nicotex Thanh Thái sẽ phải xây dựng phương án xử lý môi trường, đảm bảo an toàn môi trường theo quy định. Trên cơ sở kết luận điều tra, nếu Nicotex Thanh Thái không đủ điều kiện sẽ bị buộc ngừng sản xuất, hoặc chuyển đổi mục đích, ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Tổng cục Môi trường cũng sẽ phối hợp với các cơ quan điều tra, xác định mức độ thiệt hại về kinh tế, môi trường do việc ô nhiễm môi trường gây ra làm căn cứ đền bù cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng.
Làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động làm 6 người chết tại Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn lao động chết người tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thủy sản quốc gia (IDI); đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp trong việc xác định nguyên nhân, trách nhiệm; nghiên cứu hướng dẫn an toàn lao động để tránh xảy ra tai nạn tương tự.
Trước đó, vào khoảng 9h ngày 4/9, tại Nhà máy tinh luyện dầu cá thuộc Công ty IDI thuộc địa phận ấp An Thạnh, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 6 người chết.
Chinhphu
.