“Thay vì đi thuê, nay có thể vay để mua nhà”
Đón nhận thông tin về chủ trương cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước, chị Vũ Hoài Thương (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cho rằng mức hỗ trợ lãi suất 6%/năm với thời hạn vay ban đầu 3 năm là hợp lý”.
Chị Thương nhẩm nhanh một phép tính: “Hiện nay gia đình tôi phải trả 4,5 triệu/tháng tiền thuê nhà. Mức lương của 2 vợ chồng cộng thu nhập thêm (sau khi trừ các khoản cho sinh hoạt) được khoảng 14 triệu đồng.
Một căn hộ thuộc diện nhà xã hội khoảng 60 - 70m2, với giá trung bình dao động từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/m2 một căn nhà sẽ có giá khoảng từ 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/căn. Với vợ chồng tôi thì hoàn toàn có khả năng mua và trả lãi được nếu được vay theo quy định như Dự thảo Thông tư đã nêu.
Hiện Dự thảo mở theo hướng là sau 3 năm, có thể cho vay với lãi suất công bố của Ngân hàng Nhà nước thì tính toán tổng thể lại, một cán bộ công nhân viên chức hoàn toàn mua được”.
Hiện đang thuê một phòng trọ tại khu Mỹ Đình (Hà Nội) với giá 3 triệu đồng/tháng, chị Trần Thị Phương Dung (26 tuổi) cho biết: Tôi đang chuẩn bị lập gia đình nên có nhu cầu tìm một căn hộ vừa phải để ổn định cuộc sống. Tôi cũng đã tìm nhiều nơi và giá thuê căn hộ cho gia đình ở tầm khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng, như vậy sẽ mất khoảng 60 triệu đồng/năm.
Còn để mua một căn nhà với giá khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng, đi vay với lãi suất thông thường khoảng 10%/năm thì riêng tiền lãi đã mất khoảng 100 triệu đồng/năm. Nếu được vay với lãi suất 6%/năm, thì tiền lãi chỉ tương đương hoặc thấp hơn số tiền thuê nhà.
Như vậy, thay vì đi thuê chúng tôi có thể vay để mua nhà. Có thể lúc đầu sẽ khó khăn và cần huy động một số tiền nhất định từ gia đình hai bên, nhưng về lâu dài thì chắc chắn sẽ có lợi hơn rất nhiều.
Người dân mong muốn chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở sẽ mang đến cơ hội "an cư" cho nhiều người
Cần cơ chế cụ thể để vốn đến đúng đối tượng
Đồng tình với chủ trương này, chị Trần Mai Hoa (Bộ Công Thương) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là gói hỗ trợ này phải thực sự đến được tay những đối tượng có nhu cầu thực sự và có đủ điều kiện.
“Tôi quan tâm đến việc có thể tiếp cận được mức lãi suất 6%/năm nói trên hay không? Để làm được điều này, theo tôi cần có cơ chế giám sát, có quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện để người được vay không bị làm khó”, bà Hoa bày tỏ quan điểm.
Quan tâm đến vấn đề lãi suất đối với chính sách cho vay mua nhà theo Dự thảo thông tư, anh Lê Duy Hưng, cán bộ một đơn vị thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho rằng lãi suất nên giữ cao nhất ở mức 6% và giữ ổn định trong khoảng 10 năm.
Trường hợp lãi suất cho vay của nền kinh tế có thời điểm nào xuống dưới 6%/năm thì cũng phải điều chỉnh hạ mức lãi vay này xuống tương ứng.
Cũng băn khoăn về lãi suất và thời gian trả lãi ngân hàng, ông Trần Quang Hải, cán bộ bưu điện TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề: “Nhà bán thu nhập thấp 15 triệu/m2. Căn hộ 50 m2 giá 750 triệu đồng. Nhà nước cho vay 80% tức là 600 triệu đồng với lãi suất 6%/năm tương đương 36 triệu đồng/năm.
Hiện 2 vợ chồng tôi mỗi tháng cố gắng thì có thể dư 5 triệu đồng, 1 năm dư 60 triệu đồng. Trong 3 năm đầu thì đủ trả lãi cho Ngân hàng, nhưng những năm tiếp theo nếu lãi suất tăng lên nên chưa chắc đủ trả lãi”.
Do đó, ông Hải đề nghị, cần quy định cụ thể mức lãi suất những năm tiếp theo. Bởi, trong trường hợp ngân hàng áp lãi suất thay đổi theo thị trường thì người mua nhà sẽ khó xoay sở.
Bà Đỗ Thị Hường, Chủ tịch Công đoàn Bitexco Group thì mong muốn cơ cấu cân đối tỷ lệ cho người dân (người có thu nhập thấp, đối tượng được ưu tiên) và cho doanh nghiệp vay ở một mức phù hợp nhất, tránh thiên về một bên nào.
Bà Hường cho biết thêm, hầu hết các chính sách của chúng ta hiện nay đều có độ trễ nhất định trong thực hiện.
Đối với chính sách có tính an sinh cao như thế này bà Hường mong muốn sau khi Thông tư có hiệu lực, cơ quan chức năng cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể để người dân được sớm thụ hưởng chính sách.
Phải có bộ công cụ thực hiện chính sách
Đây là quan điểm của TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. Theo đó, việc đưa ra chính sách thì phải có bộ công cụ thực hiện chính sách (pháp quy, hành chính, tài chính, truyền thông…) và Chương trình hành động.
Ông Liêm cho rằng một số quy định trong Dự thảo này chưa rõ ràng lắm, thủ tục hành chính tuy đã cố gắng đơn giản nhưng lại dễ bị phức tạp hóa trong thực tiễn vì các khâu kiểm chứng và giám sát, công cụ tài chính tuy gồm nhiều thứ như thuế, lãi suất tín dụng, tiền thuê đất… Nhưng trong chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở này thì công cụ then chốt là nguồn vốn và cách thức huy động vốn kịp thời, cùng với việc sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.
Do vậy, để triển khai áp dụng Thông tư này ông Liêm đề nghị các ban ngành còn cần làm rõ và bổ sung thêm quy định.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh thì có ý kiến, việc Ngân hàng Nhà nước không nói rõ lãi suất mới sau 15/4/2016 như thế nào sẽ khiến người tiêu dùng không yên tâm và không dám vay.
Còn đối với vấn đề tài sản đảm bảo, theo Dự thảo Thông tư, tài sản đảm bảo do Ngân hàng quy định. Ông Châu cho rằng cần làm rõ hơn, như: “Có thể quy định với cá nhân mua nhà, tài sản đảm bảo chính là căn hộ cá nhân mua hoặc thuê mua. Với doanh nghiệp thì tài sản đảm bảo chính là dự án nhà ở doanh nghiệp đang vay”.
Nguồn: Chinhphu
.