Theo công văn số 3033 vừa được Bộ Tài chính ban hành chiều 7/3, kể từ 16 giờ, giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt tăng. Cụ thể, xăng A92 tăng 2.100 đồng lên 22.900 đồng một lít và là nức tăng cao nhất trong số các mặt hàng. Dầu diezen tăng 1.000 đồng lên 21.400 đồng một lít. Dầu hoả tăng 600 đồng lên 20.800 đồng mỗi lít trong khi giá bán dầu mazut được áp dụng là 18.800 đồng, tăng 2.000 đồng.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, trong hai tháng gần đây, giá xăng dầu nhập khẩu đã tăng mức cao nhất trong nhiều năm qua, từ 2% đến 7% tùy mặt hàng; mạnh nhất là xăng thành phẩm. Điều này khiến giá cơ sở hiện tại chưa tính trích quỹ bình ổn đang cao hơn giá bán khoảng 2.000 đồng một lít. Giá bán trong nước so với các nước trong khu vực đang thấp hơn 6.000-8.000 đồng. Thứ trưởng Mai khẳng định, sau khi đã giảm thuế, trích quỹ bình ổn, nếu giá cơ sở vẫn còn cao hơn giá bán, sẽ điều chỉnh ở mức hợp lý đảm bảo quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Giá xăng đã lên 21.900 đồng một lít. Ảnh: Hoàng Hà
Lần gần đây nhất, cuối tháng 3/2011, Bộ Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ các loại xăng dầu thêm 2.000-2.800 đồng một lít, đưa xăng A92 lên kỷ lục mới 21.300 đồng, áp dụng từ 22h ngày 29/3.
Tại cuộc họp báo chiều 5/3 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, giá cơ sở xăng dầu đang vượt trên giá bán lẻ hiện hành, do đó, cần có biện pháp vận hành theo cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội. Lãnh đạo này nhấn mạnh, xăng dầu tăng nhiều dẫn đến lạm phát nhưng không tăng thì doanh nghiệp bị lỗ, do đó cần lộ trình và các công cụ khác nhau để xử lý. "Cụ thể tăng tháng 3, tháng 4 hay tháng nào trong thời gian tới phải bàn trong gói kịch bản chung", ông Quyền nói.