(Congan.nghean.gov.vn)-Do không nắm rõ quy trình xử lý của lực lượng chức năng nên thời gian qua đã có không ít người dân bị các đối tượng giả danh Cảnh sát giao thông (CSGT) thông báo kết quả phạt nguội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên tỉnh táo khi nhận các cuộc gọi và tin nhắn từ những đối tượng không rõ danh tính.
1 ngày cuối tháng 8/2024, anh L.H.P. (SN 1995) trú tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội bất ngờ nhận được tin nhắn từ một người tự xưng là cán bộ Đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội. Nội dung tin nhắn thông báo anh P. điều khiển xe gắn máy có hành vi lạng lách, đánh võng và nêu rõ số tiền xử phạt là từ 06 - 08 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng. Để tăng lòng tin, đối tượng còn trích dẫn các điều khoản trong Nghị định 100/2019 để làm căn cứ, đồng thời "đề nghị chủ xe cầm theo giấy tờ xe, đăng ký xe, căn cước công dân lên Đội CSGT để xử phạt theo quy định của pháp luật". Nghi ngờ, anh P. đã đến trực tiếp cơ quan Công an để xác minh và được biết tin nhắn trên là hoàn toàn giả mạo.
Chị N.N.T. trú tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam khi nhận được điện thoại của người tự xưng là CSGT thông báo yêu cầu nộp phạt “nguội” thì vô cùng hoang mang, lo lắng. Quá trình trao đổi, khi thấy chị T. cho biết chưa nhận được biên bản xử phạt từ CSGT, đối tượng giả danh liền nhanh chóng yêu cầu chị cung cấp các thông tin như: Tên, tuổi, địa chỉ, CCCD, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt. Sau đó, đối tượng bắt đầu thao túng tâm lý, dồn ép chị T. phải chuyển tiền vào tài khoản định sẵn; đồng thời yêu cầu chị giữ bí mật với gia đình, nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền. Khi đã chuyển xong tiền, chị T. gọi lại số điện thoại của đối tượng thì không liên lạc được.
Người dân cần nắm rõ quy trình phạt “nguội” để tránh bị dính “bẫy” lừa đảo (Ảnh minh họa) |
Từ hai trường hợp nói trên có thể nhận thấy, thủ đoạn chung của các đối tượng là tự xưng CSGT thông báo hành vi vi phạm giao thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi biết người vi phạm chưa nhận được biên bản, các đối tượng giả danh này yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt. Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của mình. Những người có tâm lý nhẹ dạ, không cảnh giác sẽ nhanh chóng sập “bẫy”.
Theo cơ quan chức năng, đối với việc phạt “nguội” do vi phạm giao thông, Thông tư số 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định, các trường hợp vi phạm phạt “nguội" đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an. Nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thì đến trụ sở Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc. Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin); đồng thời đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT - Bộ Công an để người dân chủ động tra cứu, chấp hành việc xử phạt. Do đó, người dân cần nắm rõ quy trình phạt “nguội” để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để chủ động phòng ngừa đối với loại tội phạm này, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn thông báo liên quan đến biên lai phạt “nguội”. Đặc biệt, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào và không truy cập vào các đường link lạ.