(Congan.nghean.gov.vn)-Đánh vào tâm lý e ngại, sợ mất danh dự của nạn nhân, các đối tượng phạm tội đã lợi dụng công nghệ cao, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vừa qua, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành cả nước xảy ra vụ việc các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ clip có nội dung nhạy cảm và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Phương thức, thủ đoạn cụ thể như sau:
Bước 1: Tìm kiếm thông tin và hình ảnh của nạn nhân. Các đối tượng thường “nhắm” đến những người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, chủ yếu là nam giới rồi thu thập thông tin, hình ảnh, số điện thoại từ các trang mạng xã hội hoặc tài khoản mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin được chia sẻ ở chế độ công khai. Các thông tin này thường bị lộ lọt trên không gian mạng do người dùng không thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin khi sử dụng Internet, đặt mật khẩu không đủ mạnh hoặc truy cập vào các trang web kinh doanh hoạt động giải trí không lành mạnh (cờ bạc, mại dâm), truy cập vào các đường dẫn có đính kèm mã độc thường được gửi qua tin nhắn SMS hoặc thư điện tử (email).
Bước 2: Cắt ghép hình ảnh. Sau khi có thông tin và hình ảnh của nạn nhân, các đối tượng sử dụng công nghệ để ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào các cảnh quay nhạy cảm, thường là trong các nhà nghỉ, khách sạn.
Bước 3: Giả danh thám tử tư. Các đối tượng giả danh thám tử tư, liên hệ với nạn nhân và thông báo về việc phát hiện nạn nhân có mối quan hệ bất chính.
Bước 4: Tống tiền. Chúng gửi những hình ảnh nhạy cảm đã được chỉnh sửa cho nạn nhân và yêu cầu chuyển khoản để "chuộc lại" các clip và hình ảnh này. Nếu nạn nhân không đồng ý, các đối tượng đe dọa sẽ phát tán những hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng xã hội hoặc gửi đến nơi làm việc.
Thủ đoạn sử dụng công nghệ deepfake để cắt ghép hình ảnh trở nên phổ biến (Nguồn ảnh: Internet) |
Để tránh trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Bảo mật thông tin cá nhân: Không chia sẻ nhiều hình ảnh cá nhân lên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là những hình ảnh nhạy cảm hoặc có thể bị lợi dụng để cắt ghép.
- Không chia sẻ thông tin cá nhân quá dễ dàng: Chỉ chia sẻ thông tin cá nhân với những người thực sự tin tưởng; không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội ở chế độ công khai, không truy cập vào các đường dẫn “lạ” (thường được gửi kèm trong tin nhắn hoặc email) và luôn cẩn trọng khi tiếp nhận các cuộc gọi, tin nhắn từ những nguồn không rõ ràng.
Ảnh chụp từ màn hình máy tính của một trường hợp người dân bị cắt ghép hình ảnh và đe dọa, tống tiền (Nguồn ảnh: Internet) |
- Xác thực thông tin: Luôn kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin trước khi chia sẻ hoặc tương tác. Nếu nhận được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hãy tìm hiểu kỹ về người gửi và mục đích của yêu cầu đó.
- Sử dụng công cụ bảo mật: Cài đặt các phần mềm diệt virus, tường lửa và các công cụ bảo mật khác để bảo vệ thiết bị (máy vi tính, điện thoại…) khỏi các cuộc tấn công mạng.
- Báo cáo hành vi lừa đảo: Nếu phát hiện ra hành vi lừa đảo sử dụng hình ảnh của mình, hãy báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng hoặc nền tảng mạng xã hội nơi hình ảnh đó đang được lan truyền.
- Tăng cường kiến thức: Luôn cập nhật thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới để có thể nhận biết và phòng tránh kịp thời.
- Luôn cảnh giác: Hãy luôn cảnh giác với những thông tin lạ, những lời mời hấp dẫn hoặc những yêu cầu bất thường trên mạng.
Các biện pháp xử lý khi bị lừa đảo:
- Giữ bình tĩnh: Khi phát hiện mình bị lừa đảo, hãy giữ bình tĩnh, không hoảng sợ, không làm theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng và liên hệ ngay với cơ quan Công an để trình báo vụ việc.
- Thu thập bằng chứng: Thu thập tất cả các bằng chứng liên quan như tin nhắn, hình ảnh, giao dịch... để phục vụ công tác điều tra.
- Chặn thông tin: Chặn tất cả các liên hệ từ kẻ lừa đảo và cảnh báo những người xung quanh về vụ việc.