An toàn giao thông, PCCC
Cảnh báo tình trạng sạt lở đất trong mùa mưa bão
(Congan.nghean.gov.vn)-Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 4), trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tục có mưa to. Tại nhiều địa phương miền núi xảy ra các vụ sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản, đây là hồi chuông cảnh báo bà con cần nâng cao ý thức phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố đáng tiếc xảy ra.
Tỉnh lộ 543D, đoạn qua xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, đất đá sạt lở chắn ngang đường |
Trong 02 ngày 22/9 - 23/9/2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt và sạt lở nhiều nơi. Tại huyện biên giới Quế Phong, sạt lở ta-luy dương, ta-luy âm đã khiến một nhà dân tại xã Thông Thụ bị sập hoàn toàn, 41 hộ dân với 186 nhân khẩu buộc phải di dời đến nơi an toàn. Mưa lớn làm nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ 48D, 16, 48 bị sạt lở, gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, tại km 139A+650 Quốc lộ 48 xuất hiện điểm sạt lở có chiều dài khoảng 50m gây nguy cơ tắc đường.
Công an huyện Tương Dương đặt biển cảnh báo, lập rào chắn không cho người dân qua lại tại các khu vực nguy hiểm |
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Quế Phong, những ngày qua trên địa bàn huyện do mưa lũ đã làm 38 điểm bị ảnh hưởng, có nguy cơ sạt lở núi. Các điểm bị ảnh hưởng đã được cơ quan chức năng, địa phương đặt biển cảnh báo để người dân chủ động phương án phòng tránh.
Do ảnh hưởng của bão số 4, huyện Con Cuông đã xảy ra mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng. Để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân, lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán 55 hộ, 220 khẩu trong vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất, đá đến nơi an toàn. Tại tuyến Quốc lộ 7 đi qua địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng ở đoạn Dốc Chó, gây ách tắc giao thông.
Đoàn công tác Công an tỉnh do đồng chí Đại tá Nguyễn Duy Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, kiểm tra tại khu vực trọng yếu, đập tràn, khu vực bị sạt lở tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn |
Cũng do ảnh hưởng của mưa lớn, những ngày qua, trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An xuất hiện 05 điểm sạt lở núi tại các xã: Giai Xuân, Tân Hợp, thị trấn Tân Kỳ... UNBD huyện đã yêu cầu các xã phải di dời 25 hộ dân đến nơi an toàn.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 446 vị trí, khu vực xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất (núi, bờ sông) ảnh hưởng đến 10.185 hộ dân và cơ sở hạ tầng. Trong đó: 121 điểm, khu vực bị sạt lở núi; 127 điểm, khu vực bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông, suối; 198 điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở núi; bờ sông, suối gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và cơ sở hạ tầng (nhà ở, trường học, đường giao thông nông thôn, đất sản xuất…).
Mưa lũ gây thiệt hại lớn về vật nuôi, cây trồng và các công trình giao thông (điểm sạt lở tại xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) |
Để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống mưa bão với phương châm “Chủ động trong phòng chống, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả và nhanh nhất”. UBND huyện, chính quyền địa phương luôn sẵn sàng phương án, kiên quyết triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng khi xuất hiện tình huống bất lợi. Đồng thời, theo dõi diễn biến sụt lún, sạt lở, cắm biển cảnh báo, hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm. Đối với những vị trí sụt lún, sạt lở đất xảy ra trong phạm vi hẹp, quy mô nhỏ, không ảnh hưởng đến các hộ dân thì người dân cùng chính quyền địa phương bố trí, cân đối các nguồn lực để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn về người cũng như cơ sở hạ tầng. Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở và thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất để người dân chủ động sơ tán, di dời trước khi sạt lở xảy ra. Rà soát, cập nhật, bổ sung hiện trạng và tổng hợp tình hình sạt lở trên địa bàn. Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án sơ tán người dân, tài sản ra khỏi vùng bị ảnh hưởng khi diễn ra thời tiết bất lợi. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp với các đơn vị cùng người dân ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.
Cao Loan