Sở Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025. Dự thảo Nghị quyết này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ, đường sắt, quản lý, khai thác, sử dụng hành lang an toàn giao thông; tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra nguyên tắc thực hiện như sau: Việc thực hiện giải tỏa, tháo dỡ, di dời các công trình, vật kiến trúc, vật liệu, vật tư, thiết bị… ra khỏi phạm vi hành lang an toàn giao thông khi xác định được vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm. Không giải tỏa, tháo dỡ, di dời các công trình, vật kiến trúc… tồn tại trên đất hành lang an toàn giao thông khi chưa xác định được hành vi vi phạm. Không áp dụng các chế độ, chính sách của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong quá trình thực hiện giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Dự thảo đã đưa ra một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025. Cụ thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt của chính quyền địa phương cơ sở với nòng cốt là cấp ủy và chính quyền cấp huyện, cấp xã để chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, các tầng lớp nhân dân, đảm bảo duy trì kết quả đã đạt được và chống tái lấn chiếm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mới. Đối với việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thực hiện theo quy định của pháp luật và theo trình tự sau: Trích đo, trích lục bản đồ địa chính các thửa đất tiếp giáp với đường bộ (ưu tiên tuyến đường đô thị, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện), đường sắt đi qua khu đông dân cư để xác định ranh giới giữa đất được giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng với đất hành lang an toàn giao thông (trừ các thửa đất đã xác định được chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng). Tổ chức rà soát, thống kê các công trình, vật kiến trúc, vật liệu, hàng hóa, vật tư, thiết bị… tồn tại, hiện hữu trên đất hành lang an toàn giao thông để xác định vi phạm. Cùng với đó, gửi thông báo đến các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn giao thông, yêu cầu phải tự tháo dỡ, di dời các vi phạm ra khỏi phạm vi hành lang an toàn giao thông trong thời gian 15 ngày trước khi các cơ quan, lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa. Lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm đã được thông báo nhưng không thực hiện; tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Đối với công tác giải tỏa vi phạm, Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành và chỉ đạo toàn diện việc tổ chức thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm trên địa bàn quản lý; Trưởng Công an cấp huyện là người trực tiếp chỉ đạo việc giải tỏa vi phạm; Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp xã là người bố trí, điều động nhân lực, thiết bị, phương tiện tham gia giải tỏa vi phạm; Giám đốc các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt là người điều động nhân lực, thiết bị, phương tiện của đơn vị tham gia giải tỏa vi phạm trên tuyến được giao quản lý. Đối với công tác chống tái lấn chiếm, Chủ tịch UBND cấp xã và Trưởng Công an cấp xã là người chịu trách nhiệm trong việc duy trì hành lang an toàn giao thông đã được giải tỏa. Để xảy ra tái lấn chiếm trên địa bàn phụ trách, Chủ tịch UBND cấp xã và Trưởng Công an cấp xã phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Dự thảo cũng đã đưa ra các giải pháp để tăng cường quản lý hành lang an toàn giao thông. Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên giám sát, nhắc nhở, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh vi phạm ngay từ khi các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm, tái vi phạm hành lang an toàn giao thông. Chính quyền địa phương cấp xã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý các điểm phát sinh mới và duy trì các vị trí đã giải tỏa. Những vị trí đã được cưỡng chế giải tỏa thì tổ chức cắm mốc, kẻ vạch sơn và bàn giao cho từng địa phương cấp xã chịu trách nhiệm quản lý, nếu địa phương nào để tái lấn chiếm sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm và hạ bậc thi đua. Chủ tịch UBND cấp huyện, phối hợp Trưởng Công an cấp huyện phân công cụ thể, gắn trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân đối với từng tuyến đường hoặc đoạn tuyến được giao (không để hộ kinh doanh lấn chiếm, sử dụng hè phố không phép, đặt để biển hiệu phục vụ kinh doanh trái quy định...). Các lực lượng chức năng: Công an cấp xã; Đội quản lý trật tự đô thị; đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm ngay từ khi phát sinh hành vi vi phạm. Chủ tịch UBND và Trưởng Công an cấp huyện, cấp xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Về xử lý trách nhiệm, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định về khen thưởng, xử lý trách nhiệm, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Kết quả giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông là một trong những tiêu chí bắt buộc để xếp loại thi đua hàng năm đối với các địa phương, đơn vị liên quan. Không xem xét danh hiệu thi đua khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có vi phạm hành lang an toàn giao thông. Về kinh phí thực hiện, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cân đối ngân sách để triển khai thực hiện việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm và quản lý hành lang an toàn giao thông theo phân cấp quản lý. Hàng năm, UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm và quản lý hành lang an toàn giao thông. |