An toàn giao thông, PCCC
Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng
Ngày 19/4/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã có công điện hỏa tốc số 13/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nội dung công điện nêu rõ:
- Thời gần đây, tình hình cháy trên địa bàn cả nước diễn biến rất phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy với tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điển hình như: Vụ cháy nhà dân xảy ra ngày 25/03/2021 tại quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh làm 03 người tử vong; Vụ cháy xảy ra ngày 30/3/2021 tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh làm 06 người trong một gia đình tử vong. Gần đây, ngày 4/4/2021 xảy ra vụ cháy nhà dân (kinh doanh hàng hóa của trẻ sơ sinh) tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội làm 04 người trong gia đình tử vong.
Tại Nghệ An, thời gian qua không xảy ra các vụ cháy, nổ lớn, tuy nhiên số vụ cháy còn xảy ra nhiều, trong quý I/2021, toàn tỉnh xảy ra 46 vụ cháy vừa và nhỏ, gây thiệt hại ước tính trên 800 triệu đồng, trong đó có 17 vụ cháy nhà dân; các vụ cháy nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy, đặc biệt các vụ cháy nhà dân gây thiệt hại nghiêm trọng nêu trên trong toàn quốc đều do bất cẩn trong việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt dẫn đến cháy, do thiết kế nhà ở không có lối thoát hiểm... Bên cạnh đó, công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng còn một số tồn tại, hạn chế.
Cháy rừng ở xã Diễn An, Diễn Châu năm 2020. (Tư liệu) |
Trước tình hình trên, để chủ động triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, đặc biệt trước và trong thời gian cao điểm về năng nóng năm 2021, đồng thời, thực hiện Công văn số 736/BCA-C07 ngày 15/3/2021 của Bộ Công an về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà cao tầng và Điện số 106/ĐK:HT ngày 06/4/2021 của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Nhiệm vụ chung
- Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trọng tâm là Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 736/BCA-C07 của Bộ Công an, Công văn số 8666/UBND-CN ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng; Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2021; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 18/3/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 13/11/2020 của HĐND tỉnh về quy định về mức hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An...
- Chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị quản lý; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc duy trì các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ xảy ra; đặc biệt trong việc quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện và các chất, hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ. Thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động của đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
- Đơn vị, địa phương nào thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng tại cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Công an tỉnh
- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu UBND các cấp mở đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, chung cư, hộ gia đình; trong đó, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phụ trách địa bàn phối hợp với ngành điện lực, chính quyền cấp xã, các tổ chức đoàn thể tại khu dân cư, lực lượng dân phòng triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các hộ gia đình trên địa bàn theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, ưu tiên các địa bàn, cơ sở trọng điểm nguy hiểm về cháy, nổ như chợ, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, rừng... Đồng thời, chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các đợt huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đổi với Chủ tịch UBND cấp xã, lực lượng Công an xã và lực lượng dân phòng nhằm nâng cao trình độ, năng lực, nắm vững quy trình kiểm tra việc bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn.
- Tiếp tục rà soát, lập danh sách các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực để tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.
- Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá đối với các khu rừng có nguy cơ cháy trên địa bàn để kịp thời phát hiện, đôn đốc, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, vi phạm; đồng thời, tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tối đa cháy rừng xảy ra. .
- Tham mưu thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; trong đó chú trọng kiểm tra hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, cấp nước chữa cháy tại các khu dân cư, khu đô thị, chung cư, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... trên địa bàn. Quá trình triển khai, kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay trong thời gian sớm nhất, kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở cố tình không thực hiện các kiến nghị về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
- Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ, bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời, hiệu quả các tình huống cháy, nổ xảy ra. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt tại những địa điểm, khu vực nếu xảy ra cháy, nổ có khả năng gây thiệt hại lớn về người, tài sản hoặc ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội; đồng thời, lựa chọn một số phương án phù hợp để tổ chức diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có sự phối hợp của nhiều lực lượng. | 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng là tổ chức, Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc rà soát, xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể để tiến hành tổ chức kiểm tra đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy trên địa bàn bảo đảm chất lượng, có hiệu quả.
- Chú trọng thực hiện phương án bảo vệ các khu rừng gắn với các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xác định và cảnh báo sớm các khu rừng có nguy cơ cháy cao để chủ động phòng ngừa. Chủ động xây dựng phương án và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả. | 4. UBND các huyện, thành phố, thị xã.
- Mở đợt cao điểm về tuyên truyền và tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các hộ gia đình trong các khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ ngày 20/4/2021 đến 15/10/2021, trong đó chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với ngành điện lực, các tổ chức đoàn thể tại khu dân cư, lực lượng dân phòng tổ chức thực hiện quyết liệt với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các hộ gia đình.
Chỉ đạo rà soát, tiến hành kiểm tra trước đối với hộ gia đình tại các khu chung cư; hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; hộ gia đình ở các khu vực ngõ, hẻm sâu, khi xảy ra cháy, nổ lực lượng chức năng khó tiếp cận và các hộ gia đình khi xảy ra cháy có khả năng gây thiệt hại về người, trong đó đặc biệt lưu ý đối với nội dung bố trí lối thoát nạn để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục ngay trong thời gian sớm nhất.
Quá trình kiểm tra nếu phát hiện có thiếu sót, hạn chế thì tuyên truyền, nhắc nhở, nếu có vi phạm về phòng cháy, chữa cháy phải lập hồ sơ xử lý theo quy định; đồng thời yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết để tổ chức khắc phục các tồn tại, vị phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sau kiểm tra.
- Chỉ đạo Trung tâm văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền thường xuyên công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến toàn thể các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; trong đó, chú trọng tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh tại các xã, phường, thôn, xóm, bản và phát các tờ rơi khuyến cáo việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nội dung tuyên truyền cần chú trọng việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn trong các thời gian cao điểm; việc bố trí các lối thoát hiểm khi có cháy xảy ra; khuyến cáo các hộ gia đình không tích trữ xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng để phục vụ sinh hoạt; tuyên truyền, khuyến cáo người dân tại các địa bàn có rừng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, xử lý thực bì...
- Củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân phòng, ban quản trị nhà chung cư, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy; quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” khi xảy ra các sự cố cháy, nổ.
- Chỉ đạo UBND cấp xã, các lực lượng Công an, Kiểm lâm, chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tiến hành rà soát, kiểm tra đối với toàn bộ các khu rừng trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để, có hiệu quả đối với từng khu rừng.
- UBND các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên; UBND thành phố Vinh triển khai triển khai ngay các biện pháp phòng cháy tại Khu di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đền thờ Vua Quang Trung, Đền Chung Sơn... tuyệt đối không để xảy ra sự cố về cháy, nổ.
5. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm nguồn nước chữa cháy trong công tác quy hoạch, thiết kế, thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh (trừ Khu kinh tế Đông Nam); đồng thời, phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xâm phạm bến, bãi lây nước cho xe chữa cháy.
6. Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Chủ trì phối hợp Công an tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo nguồn nước chữa cháy trong công tác thẩm duyệt quy hoạch, thiết kế, cấp phép xây dựng cho các dự án, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng trong quản lý cấp phép, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghiệp phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
7. Sở Công Thương tăng cường quản lý Nhà nước về điện, phối hợp Công an tỉnh trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng an toàn điện và các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong phạm vi quản lý.
8. Công ty Điện lực Nghệ An, Truyền tải điện Nghệ An: chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy từ hệ thống, thiết bị điện. Chỉ đạo các chi nhánh điện lực các huyện, thành phố, thị xã tích cực phối hợp với lực lượng. Công an trong việc kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với hệ thống điện tại các hộ gia đình và xử lý các vụ việc liên quan khi xảy ra cháy (khi có yêu cầu).
9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo triển khai các phương án, biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
10. Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Ban Quản lý các khu di tích trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các nội quy, quy định về sử dụng các phương tiện, công cụ dễ gây cháy tại các khu di tích (thiết bị điện, thắp hương, đốt vàng mã...) và phối hợp triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại các khu di tích, nhất là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Khu di tích Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Đền Chung Sơn, Đền thờ Vua Quang Trung, Đền ông Hoàng Mười... . 11. Sở Thông tin và Truyền thông:chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy; cảnh báo các nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, cháy các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, hộ gia đình và kỹ năng thoát hiểm... trên các phương tiện thông tin đại chúng.
12. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An: tăng thời lượng tuyên truyền kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân; trong đó, phối hợp các đơn vị liên quan chú trọng tuyên truyền cảnh báo về nguy cơ cháy, nổ đối với các khu dân cư, hộ gia đình, các nhà cao tầng, khu chung cư và hậu quả do cháy, nổ gây ra; việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả vào các thời gian cao điểm trong ngày nhằm phòng ngừa xảy ra sự cố chập điện, quá tải điện gây cháy; phát tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng các cấp để người dân biết, sớm chủ động các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
13. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ: Thực hiện hiệu quả công tác dự báo khí tượng thủy văn và tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Nghệ An; phối hợp các đơn vị liên quan, thông tin kịp thời về tình hình thời tiết đến các đơn vị, địa phương, đặc biệt là tình hình thời tiết nắng nóng để từ đó kịp thời để ra các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ xảy ra.Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ và Công điện này xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; kết quả triển khai thực hiện báo cáo về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo
Khuyến cáo bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với hộ gia đình tại các khu dân cư, chung cư cao tầng
1. Chủ hộ gia đình cần chủ động học tập, tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời tuyên truyền, phổ biến lại cho các thành viên trong gia đình.
2. Chủ hộ và các thành viên trong gia đình không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu, không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà.
3. Trong gia đình hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường trần, vách ngăn hạn chế cháy lan và khói khí độc.
4. Đối với ô tô, xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt và không để ô tô trong nhà để phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí độc khi nổ máy.
5. Hạn chế sạc điện thoại, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện ban đêm; lắp đặt thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn.
6. Tuyệt đối không được câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm. Trường hợp sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện.
7. Các hộ gia đình cần bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nên phải đặt chắc chắn các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ.
8. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas. Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải thường xuyên lau chùi sạch sẽ.
9. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt thiết bị điện không cần thiết. - 10. Đối với nhà cao tầng thì không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. 11. Người dân sinh sống tại các chung cư, nhà cao tầng tuyệt đối không chèn, chặn cửa thoát hiểm vào buồng thang bộ tại các tầng của tòa nhà. Mỗi hộ gia đình nên trang bị mặt nạ phòng độc, thang, thang dây để thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra.
12. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm.
13. Mỗi gia đình nên đầu tư lắp đặt các thiết bị báo cháy, báo rò rỉ gas..., chuẩn . bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước, chăn, bình chữa cháy xách tay... để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
14. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khoá cửa phòng của những người nêu trên, Cần chuẩn bị sẵn dụng cụ phá vỡ để tạo lối thoát, không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.
15. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3... ngoài cửa chính, phá dỡ mái che, phả khóa, phá cửa... mở lối thoát); trang bị mặt nạ phòng độc, chăn, khăn bông... để che chắn mặt, cơ thể... khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm.
16. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho Cảnh sát PCCC 114 hoặc đội dân phòng chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
17. Trong trường hợp không xử lý được đám cháy phải nhanh chóng thoát nạn theo tình huống đã dự kiến, sử dụng khăn, vải, chăn màn thấm nước bịt kín mắt, mũi, miệng và bò sát mặt đất để thoát ra ngoài. Đóng cửa phòng bị cháy lại để ngăn khói và nguồn nhiệt thoát ra ngoài hạn chế không cho gió thổi vào tạo nguồn oxi gây cháy lan, cháy lớn.
PV
Nguồn: https://truyenhinhnghean.vn