Thứ Bảy, 17/07/2021, 15:16 [GMT+7]

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại nhà ở kết hợp kinh doanh

Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản tại khu dân cư, hộ gia đình, nhất là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhiều tỉnh thành, trong đó có Nghệ An, đã thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo trong công tác PCCC.

Nhiều vụ cháy kinh hoàng

Nhiều người dân trên đường Đinh Công Tráng, TP. Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ cháy tại phòng trà Fill. Bởi chỉ trong phút chốc ngọn lửa đã cướp đi sinh mạng của 6 thành viên trong hai gia đình ở đây.

Đó là vào khoảng 0h ngày 15/6, người dân phát hiện khói lửa bốc ra từ phòng trà Fill, địa chỉ số 146, đường Đinh Công Tráng và gọi báo lực lượng PCCC. Nhận được tin báo, nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục CBCS đã được điều đến.

Dù đám cháy đã được khống chế, dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra hiện trường sau khi chữa cháy, lực lượng chức năng phát hiện thi thể 6 nạn nhân đã tử vong (gồm 4 người trong một gia đình, gồm chồng, vợ và 2 con được phát hiện trong phòng ngủ tầng 1; hai mẹ con thuê trọ được phát hiện trong phòng tầng 3).

Mới đây, ngày 1/7, một cửa hàng hoa tươi trên đường Nguyễn Văn Cừ cũng bốc cháy. Rất may mắn, chủ nhà đã thoát ra ngoài bằng cửa thoát hiểm ở tầng 2.

Hiện trường vụ cháy phòng trà Fill, địa chỉ số 146, đường Đinh Công Tráng, TP. Vinh. Ảnh tư liệu
Hiện trường vụ cháy phòng trà Fill, địa chỉ số 146, đường Đinh Công Tráng, TP. Vinh. Ảnh tư liệu

Không riêng địa bàn Nghệ An, trước đó tại nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đã liên tục xảy ra các vụ cháy tương tự, khiến nhiều người tử vong. Điển hình như vụ cháy xảy ra vào hhoảng 0h50 sáng 5/6 tại căn nhà 3 tầng là cơ sở kinh doanh tư vấn, thiết kế và mua bán đồ điện (phường Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi) khiến 4 người trong gia đình, gồm vợ chồng và 2 người con tử vong.

Vụ cháy cửa hàng hoa tươi vào khoảng 2h48’ ngày 1/7/2021, tại số nhà 73, đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh, may mắn không gây thiệt hại về người. Ảnh tư liệu.
Vụ cháy cửa hàng hoa tươi vào khoảng 2h48’ ngày 1/7/2021, tại số nhà 73, đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh, may mắn không gây thiệt hại về người. Ảnh tư liệu.

Thương tâm hơn, một vụ hỏa hoạn khác xảy ra chiều ngày 7/5, tại căn nhà 3 tầng trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân, Quận 11, TP. HCM cũng đã khiến 8 người tử vong. Được biết, chủ căn nhà này sử dụng căn nhà làm nơi sản xuất nến, có chứa nhiều chất liệu, nguyên liệu dễ cháy, khiến đám cháy bùng phát nhanh, lan rộng toàn bộ tòa nhà. Theo lực lượng chức năng, các nạn nhân phần lớn bị chết do ngạt và lửa thiêu, nằm ở nhiều chỗ trong căn nhà.

Trước đó, khoảng 0h30 phút sáng 4/4, tại căn nhà số 311 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, cũng đã xảy ra vụ cháy khiến cả 4 người trong một gia đình tử vong.  Ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn được gia đình sử dụng để kinh doanh đồ sơ sinh (bỉm, sữa...) cho trẻ em và chỉ có một lối ra vào là cửa chính.

Theo thống kê, trong 2 tháng gần đây, cả nước xảy ra 344 vụ cháy, làm 27 người chết, 37 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 39,4 tỷ đồng. Trong đó có 44/344 vụ cháy nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh (chiếm 12,8%), làm chết 21 người, bị thương 3 người, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 5,6 tỷ đồng.

Riêng Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2021, xảy ra 36 vụ cháy, nổ; riêng loại hình khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra 26 vụ (chiếm 72,2%), làm 6 người tử vong.

Cần nâng cao ý thức, kỹ năng xử lý tình huống

Trở lại vụ cháy ở phòng trà Fill tại địa chỉ 146 Đinh Công Tráng, TP Vinh. Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Giám đốc, phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách lĩnh vực đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo. Bộ Công an cũng đã tiếp cận hiện trường, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân gây cháy.

Phân tích hiện trường, Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục C07, Bộ Công an cho biết: Tại vị trí phòng ngủ tầng 1 khi lực lượng cứu nạn tiếp cận thì tư thế của các nạn nhân vẫn như đang ngủ, chứng tỏ cả gia đình không hề biết có cháy và lịm dần đi do hít phải khói độc. Còn tại vị trí phòng vệ sinh tầng 3 nơi phát hiện 2 mẹ con thuê trọ thì hai nạn nhân đã cố gắng tìm lối thoát, nhưng lửa cháy quá to chắn cả lối thoát hiểm duy nhất trên tầng 3 nên hai mẹ con chạy vào phòng vệ sinh để cố thủ và lịm dần.

Qua công tác điều tra tại hiện trường, cơ quan chức năng cũng cho biết, do trong nhà không có thiết bị báo cháy tự động nên những người có mặt trong ngôi nhà không phát hiện được sự việc. Đến khi người dân phát hiện vụ cháy thì đã quá muộn. Mặt khác, đồ đạc dễ cháy lại được để chắn cả lối đi thoát hiểm. Bên cạnh đó, khi xảy ra cháy, hệ thống điện không hoạt động nên toàn bộ cửa cuốn của ngôi nhà bị khóa, gây khó khăn cho việc thoát hiểm của nạn nhân cũng như công tác cứu hộ của lực lượng chữa cháy.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An có mặt chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy phòng trà Fill. Ảnh tư liệu
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An có mặt chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy phòng trà Fill. Ảnh tư liệu

 Từ thực tế vụ cháy phòng trà Fill tại địa chỉ 146 Đinh Công Tráng, TP Vinh, cũng như các vụ cháy gần đây trên địa bàn cả nước cho thấy, tình trạng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn trong công tác PCCC.

Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 21.485 nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Với số lượng lớn cơ sở như trên, để đảm bảo thực hiện hiệu quả đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thành lập các đoàn liên ngành để tổ chức kiểm tra, kết hợp tuyên truyền và hướng dẫn về an toàn PCCC đối với các đối tượng.

Qua đó kịp thời phát hiện 2.154 thiếu sót, vi phạm; xử phạt đối với 28 hành vi vi phạm với số tiền hơn 25.000.000 đồng. 

Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH cho người dân. Ảnh: PCCC
Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH cho người dân. Ảnh: PCCC

 Tuy nhiên, cũng qua thực tế kiểm tra, cũng phát hiện nhiều bất cập thấy rõ như: tại các khu dân cư, nhà ở thường được thiết kế xây dựng theo dạng hình ống liền kề, san sát nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan.

Đặc biệt, do nhu cầu kinh doanh nên việc cải tạo, chuyển đổi nhà ở dân cư sang kinh doanh đang diễn ra khá phổ biến và công khai nhưng yêu cầu quản lý về PCCC đối với công tác này còn bất cập và chưa có giải pháp tương xứng. Nguy hiểm hơn đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đồ đạc, hàng hóa nhiều, để sát nguồn điện, nguồn nhiệt, chưa kể chất chồng phía trước, nếu xảy ra cháy, không những chặn đường thoát hiểm mà nguy cơ ngọn lửa sẽ còn lan nhanh hơn, đồng thời gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng tiếp cận kịp thời để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...

Cùng với thực hiện chỉ đạo của Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 2 tháng thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về phòng PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, diễn ra ngày 18/6, Công an tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư. Trong đó, hướng dẫn cụ thể việc trang bị phương tiện PCCC; điều kiện thoát nạn; cách bố trí mặt bằng, sắp xếp vật dụng, hàng hóa bảo đảm an toàn PCCC; lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị điện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn cách thoát nạn khi có cháy...

Mới đây nhất, ngày 22/6, UBND tỉnh  đã ban hành Kế hoạch số 342/KH-UBND về Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngoài phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ngành, còn nêu rõ “Khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm điều hành, chỉ huy công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu; được quyền huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.

Như vậy, bên cạnh chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, lực lượng chức năng cần tích cực tuyên truyền nhắc nhở, đồng thời tiến hành kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Về phía người dân, cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCCC, trang bị các phương tiện chữa cháy, báo cháy cần thiết, cũng như các kỹ năng xử lý tình huống phòng khi sự cố cháy nổ xảy ra…

.

Đặng Nguyễn

Nguồn: https://baonghean.vn