Sông Lam Nghệ An

Tản mạn đầu năm về Sông Lam Nghệ An

14:33, 02/02/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau khi Đội tuyển Việt Nam dừng bước ở bán kết giải Suzuki Cup AFF 2016 cũng là lúc các nòng cốt của Sông Lam Nghệ An (SLNA) ở đội tuyển quốc gia trở về câu lạc bộ (CLB) chuẩn bị cho mùa giải mới 2017. Gạt đi nỗi buồn sau trận hòa 2-2 trên sân Mỹ Đình khiến Việt Nam bị loại, tôi được Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm và HLV trưởng Nguyễn Đức Thắng trải lòng về đội bóng mà các ông đang nắm giữ cùng niềm kiêu hãnh, tự hào về một thuở vàng son xen lẫn những ưu tư, trăn trở cho tương lai…

1. Đội bóng chưa từng xuống hạng, chưa từng đổi tên, có lượng cổ động viên đông đảo khắp cả nước

Kể từ khi thành lập và tham gia giải đấu cao nhất (1984), SLNA là đội bóng duy nhất chưa từng bị rớt hạng. Trải qua mấy chục năm, với nhiều nhà tài trợ như Halida, Bắc Á…, đội bóng của xứ Nghệ vẫn mang một cái tên duy nhất như hiện nay. SLNA luôn có một lượng cổ động viên đông đảo khắp cả nước. Đặc biệt, các sân khách trong Nam và ngoài Bắc luôn phủ vàng một màu áo truyền thống của SLNA.

Cổ động viên SLNA luôn luôn có mặt trên khán đài sân vận động khắp cả nước
Cổ động viên SLNA luôn luôn có mặt trên khán đài sân vận động khắp cả nước

2. Có hệ thống đào tạo bài bản, đầy đủ nhất

Thời gian gần đây, nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ mới nổi lên và thường được nhắc đến như PVF, VIETTEL, HÀ NỘI T&T, HAGL... Tuy nhiên, nói về truyền thống đào tạo bóng đá trẻ, chưa có trung tâm nào “qua mặt” được SLNA. Hiện nay, SLNA là CLB duy nhất có đầy đủ 6 tuyến đào tạo gồm: U11, U13, U15, U17, U19, U21, với những thành tích khiến cho các trung tâm khác phải nể phục: U17 vô địch 7 lần, U21 vô địch 4 lần…

3. Có nhiều “quả bóng vàng” nhất và có nhiều HLV, cầu thủ là nòng cốt của đội tuyển quốc gia

Không kể Hữu Thắng đạt danh hiệu Quả bóng Bạc, nhiều cầu thủ đạt danh hiệu Quả bóng Đồng và cầu thủ trẻ xuất sắc, cầu thủ của SLNA đã ẵm trọn 6/18 danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam với Công Vinh (3 lần), Văn Quyến, Hồng Sơn, Văn Hạnh mỗi người 1 lần. SLNA cũng là đội bóng đóng góp nhiều HLV cho đội tuyển quốc gia với Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Hữu Thắng đều là những HLV “cứng cựa”. Nguyễn Hồng Thanh đã là Trưởng đoàn, Nguyễn Văn Thịnh là HLV U16 năm 2000 đứng thứ 4 châu Á với một lứa cầu thủ tài năng như Văn Quyến, Như Thuật, Minh Đức…, trong đó 9/11 cầu thủ của đội hình chính thức đều là cầu thủ của lò đào tạo SLNA.

Nói về Đội tuyển Quốc gia Việt Nam vào bán kết giải Suzuki AFF cúp vừa rồi, không ai phủ nhận có đến 13/23 cầu thủ đều trải qua lò đào tạo của SLNA, trong đó đội hình ra sân chính luôn có 6 - 7/11 cầu thủ có nguồn gốc từ SLNA. Những cái tên đã trở nên quen thuộc, mang lại niềm tự hào cho người dân xứ Nghệ như: Công Vinh, Hoàng Thịnh, Trọng Hoàng, Ngọc Hải, Nguyên Mạnh...

4. SLNA đang gặp khó khăn

Năm 2016 được xem là một năm “thất bát” của SLNA khi chỉ đứng thứ 11/14 đội ở giải vô địch quốc gia, còn các giải trẻ thì chỉ có U13 đạt Huy chương Đồng. Lý giải điều này, từ Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh đến Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm đều cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đều do nguồn lực tài chính. Trong thời điểm hiện nay, nếu không có tiền để giữ chân cầu thủ nội, không có tiền để mua cầu thủ ngoại giỏi thì trụ hạng đã là thành công chứ đừng nói gì đến thành tích cao. Tuy có nhà tài trợ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, nhưng với mỗi năm, đơn vị này cấp cho CLB bóng đá SLNA 30 tỉ - chỉ bằng 50% kinh phí hoạt động trong một năm của đội bóng. Số tiền từ 20 - 25 tỉ mà UBND tỉnh cho thêm cũng chỉ đủ để duy trì hệ thống đào tạo các đội trẻ.

Cũng vì nguồn kinh phí eo hẹp này mà mỗi năm, SLNA liên tục “chảy máu” cầu thủ. Các cầu thủ SLNA hết hợp đồng là đi tìm bến đỗ mới, từ Công Vinh đến Trọng Hoàng, Quang Tình, Hoàng Thịnh, Văn Bình… Rồi đây, những ngôi sao khác như Quế Ngọc Hải, Trần Nguyên Mạnh, Đình Hoàng, Phi Sơn… hết hợp đồng rồi sẽ thế nào? Đó là chưa kể, không có tiền, SLNA khó mà chiêu mộ được các cầu thủ ngoại có chất lượng. Quả thực, ở thời đại bóng đá kim tiền này, thành công không chỉ có tiền nhưng chắc chắn phải có tiền mới hy vọng thành công. Khi tôi hỏi tại sao không đặt vấn đề với các doanh nghiệp mạnh hơn như Tập đoàn Mường Thanh chẳng hạn, Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh nói rằng: Việc đặt vấn đề tài trợ phải do lãnh đạo tỉnh, hơn nữa có nhiều doanh nghiệp giàu có nhưng ông chủ của họ lại không đam mê bóng đá.

Ông Nguyễn Đức Thắng, HLV trưởng Sông Lam Nghệ An
Ông Nguyễn Đức Thắng, HLV trưởng Sông Lam Nghệ An

5. Không hoài niệm nhưng phải vượt khó vươn lên, đón chờ những thành công mới

Giám đốc điều hành CLB bóng đá SLNA Hồ Văn Chiêm cho biết: “Tình hình bây giờ đã khác xưa, chúng tôi không sống bằng hoài niệm, kiểu “bao giờ cho đến ngày xưa” mà phải chấp nhận hoàn cảnh, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên”. Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh cho biết: “Năm nay, chúng tôi đã gặp gỡ các trụ cột như Nguyên Mạnh, Ngọc Hải… để vận động các em ở lại thi đấu cho SLNA và các em đã đồng ý nên chúng tôi không lo “chảy máu” cầu thủ nữa. Ban huấn luyện cũng đã được kiện toàn. Sau khi HLV Ngô Quang Trường xin trở lại đội trẻ, lãnh đạo đội bóng đã bổ nhiệm HLV phó Đức Thắng làm HLV trưởng của SLNA. Đức Thắng đã có đầy đủ các loại bằng cấp huấn luyện của FIFA, giúp việc cho Thắng sẽ là HLV có kinh nghiệm, có duyên với SLNA như Nguyễn Văn Thịnh và Phạm Anh Tuấn. Mục tiêu của SLNA ở mùa giải 2017 vẫn là top 5 chung cuộc.

HLV Nguyễn Đức Thắng vừa trở về sân Vinh và cho biết: “Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều, tham khảo ý kiến của bác Thanh (Nguyễn Hồng Thanh), anh Thắng (HLV Nguyễn Hữu Thắng) rồi mới nhận nhiệm vụ. Hiện, Ban huấn luyện đang thử việc các cầu thủ ngoại. Nhiệm vụ của tôi và Ban huấn luyện là phải “truyền lửa” cho các cầu thủ để họ thi đấu nhiệt tình, đúng bản sắc của SLNA. Tôi tin với sự ủng hộ của mọi người và sự nỗ lực của bản thân, mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.

Bá Minh

Các tin khác