Thứ Hai, 04/05/2020, 10:04 [GMT+7]

Bản quyền AFF Cup 2020 và thói quen miễn phí của khán giả Việt Nam

Bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 được mua với giá hàng trăm tỉ đồng thế nhưng lại được phát sóng miễn phí cho khán giả Việt Nam.
 
Cú hích của U23 Việt Nam tại Thường Châu năm 2018 đã tạo ra cơn sốt về bản quyền truyền hình các giải đấu lớn tại Việt Nam.
 
Đầu tiên là bản quyền truyền hình World Cup 2018. Có thời điểm mà VTV đã gần như bỏ cuộc vì giá quá cao và khán giả Việt Nam có nguy cơ không được xem. Giá bản quyền truyền hình được bán là 14 triệu USD. Đó là con số mà VTV không thể bỏ tiền ra để phát trên các kênh quảng bá, trong khi doanh thu từ quảng cáo theo tính toán cũng khó có thể bù lỗ. Mặc dù việc đàm phán đã kéo dài đến sát ngày World Cup 2018 tranh tài nhưng đơn vị sở hữu bản quyền nhất định không giảm giá. Phút chót, VTV đã phải nhờ sự giúp đỡ của 2 doanh nghiệp lớn để mua thành công gói bản quyền này để phục vụ miễn phí người hâm mộ.
 
Đến ASIAD 18 có sự góp mặt của U23 Việt Nam, giá bản quyền truyền hình cũng đã được đẩy lên. Lần này, VTV cũng bỏ cuộc khi không thể cân đối được tài chính. Khán giả Việt Nam đã phải theo dõi 3 trận đấu vòng bảng qua trang "Xôi Lạc". Trước nhu cầu lớn của người hâm mộ, các doanh nghiệp lại chung tay để giúp VOV sở hữu gói bản quyền truyền hình các trận đấu của U23 Việt Nam từ vòng tứ kết.
Khán giả Việt Nam tiếp tục được xem miễn phí AFF Cup. Ảnh: ST
Khán giả Việt Nam tiếp tục được xem miễn phí AFF Cup. Ảnh: ST
Năm 2019, bản quyền truyền hình các giải đấu lớn có sự góp mặt của đội tuyển  Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của các đài lớn. Kể cả một giải đấu như vòng loại World Cup trước đây vốn dĩ "ế" khán giả cũng tạo ra cơn sốt khi thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo liên tiếp có các giải đấu thành công, chơi tốt và thuyết phục khán giả.
 
Cũng vì thế mà Next Media đã vượt qua VTV để sở hữu gần như toàn bộ các trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Bình luận viên Quang Huy nêu quan điểm: "Việc bản quyền AFF Cup cũng như nhiều giải đấu lớn có sự góp mặt của đội tuyển Việt Nam tăng lên do chính nhu cầu lớn từ khán giả Việt Nam. Có nhiều quốc gia trên thế giới, họ sẵn sàng từ chối phát sóng một giải đấu với lý do không thể cân đối thu chi. Họ coi đó là chuyện bình thường vì là truyền hình trả tiền. Ở Việt Nam, nhiều đài cũng đã chuyển sang kinh tế thị trường nhưng vẫn chịu áp lực và đôi khi ở tâm thế lỗ cũng phải làm. Họ sẽ cân đối lấy cái khác để bù lại. Đây cũng là điều khá may mắn cho khán giả Việt Nam khi được theo dõi nhiều giải đấu lớn nhỏ".
 
Có một thực tế là khán giả Việt Nam vẫn có thói quen xem miễn phí, hoặc trả phí rất thấp. Ngay cả việc đơn vị nắm bản quyền truyền hình cũng đã  có nhiều lần cảnh báo việc các dịch vụ kinh doanh thu phí như nhà hàng, quán cafe… sẽ phải trả phí bản quyền truyền hình. Nhưng việc thu phí lại rất khó thực hiện. Thế nên các nhà đài chỉ có thu tiền từ quảng cáo, hợp tác truyền thông chứ không thu được tiền từ hầu bao của khán giả.
 
Ngay cả gói bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 mới đây mà Next Media sở hữu cũng sẽ được phát miễn phí cho khán giả  Việt Nam. Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Next Media chia sẻ, đơn vị này sẽ tiến hành khai thác thương mại từ quảng cáo và nhiều nguồn khác. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì tất cả các ngành đều gặp khó khăn, hy vọng trước mắt sẽ bù lại kinh phí bỏ ra trước khi nghĩ đến có lãi. Hiện nay, mới chỉ có K+ đang khiến khán giả phải trả tiền khi theo dõi các giải đấu như Ngoại hạng Anh, Champions League... Đây là hình thức mà các đài truyền hình nước ngoài thu lợi lớn từ khán giả. Thực tế, đã đến lúc khán giả Việt Nam cũng nên hình thành văn hoá trả tiền xem bóng đá qua truyền hình. Điều này mới khiến các đài truyền hình có chiến lược kinh doanh một cách căn cơ thay vì sống dựa vào nguồn lực xã hội hoá. Đó cũng là cách để hướng đến vấn đề thương mại hoá cho các nhà đài và cả thương hiệu đội tuyển quốc gia.
 
Một vấn đề mà bóng đá Việt Nam vẫn trăn trở nhiều năm qua là trong khi bản quyền truyền hình Thái League "hái ra tiền" thì V.League vẫn loay hoay đổi quảng cáo. Bản quyền truyền hình V.League chưa bao giờ là một miếng bánh có giá. Đây cũng là hệ quả đến từ việc người dân đã quá quen với việc xem truyền hình miễn phí.
Bóng đá Thái Lan hái ra tiền nhờ bản quyền truyền hình
 
DAZN - công ty có trụ sở tại London (Anh) đưa ra lời đề nghị lên đến 2 tỉ baht/mùa (khoảng 1.450 tỷ đồng) dành cho gói bản quyền truyền hình Thai League kéo dài từ năm 2021 - 2028.
 
Quy mô của gói bản quyền này còn mở rộng bao trùm cả giải hạng Ba, hạng Tư, các trận đấu thuộc giải futsal với số tiền lên đến 16 tỉ baht (khoảng 11.500 tỷ đồng). DAZN đang hướng đến quyết định độc quyền phát sóng các giải đấu quan trọng nhất của bóng đá của Thái Lan.
 
Thực tế, bản quyền ở Thai League được ví như miếng bánh ngọt với các đơn vị truyền hình. Trong 10 năm qua, True Vision là đơn vị luôn chiếm ưu thế trong việc sở hữu bản quyền truyền hình Thai League 1 (vô địch quốc gia) và Thai League 2 (hạng Nhất).
 
Trong khi đó, Siam Sport dù thất thế nhưng cũng đã sở hữu bản quyền Cúp Liên đoàn và Cúp Quốc gia (Thái FA Cup), Thái League 4 (hạng Ba). Còn Mycujco, nền tảng phát sóng trực tuyến trên internet sở hữu Thai League 3 (hạng Nhì) giai đoạn 3 năm gần đây. (H.H.)
.

Nguồn: CAND

.