Năm con gà là một năm kỳ lạ với bóng đá Việt Nam. Năm mà nếu bảo bóng đá Việt Nam thành công cũng đúng, và nếu bảo chưa thành công thì cũng... chẳng sai.
Đúng là ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử có tới cả thảy 6 Đội tuyển Quốc gia, từ U.16, U.19,U.29, Đội tuyển Quốc gia nam đến Đội tuyển Quốc gia nữ và Đội tuyển futsal giành quyền tham dự sân chơi châu lục.
Năm 2007, Đội tuyển Quốc gia nam từng tham dự vòng chung kết Asian Cup (giải vô địch bóng đá châu Á) và bất ngờ lọt vào tận tứ kết, nhưng lần ấy chúng ta được vào thẳng vòng chung kết (VCK) vì là một trong 4 đồng chủ nhà.
Cầu thủ U.20 Việt Nam (trái) đấu U.20 Pháp tại VCK World Cup U.20 thế giới - một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong năm cũ. |
Nhưng lần này thì khác, chúng ta đã thi đấu vòng loại đàng hoàng, sòng phẳng, và lần đầu tiên đoạt vé dự VCK bằng đúng sức của mình. Đấy là còn chưa nói, lần đầu tiên trong lịch sử Đội tuyển U.20 Quốc gia tham dự VCK World Cup U.20 thế giới tại Hàn Quốc, và hơn thể nữa, trở thành đội bóng Đông Nam Á đầu tiên có điểm ở sân chơi này.
Trước đó, các đại diện Đông Nam Á dự VCK U.20 thế giới như Indonesia, Myanmar đều ra về tay trắng. Tất cả những điều đấy nói rằng đời sống bóng đá vẫn vận động và vẫn đem lại những sự phát triển nhất định của nó.
Tuy nhiên năm con gà, nếu phải đánh đổi vé tham dự 6 VCK châu lục của 6 đội tuyển nói trên cho một chiếc huy chương vàng SEA Games thì có lẽ nhiều người sẽ nghiêng hẳn về huy chương vàng SEA Games. Bởi lẽ hơn 50 năm rồi, sau bao kỳ vọng rồi thất vọng, bóng đá Việt Nam chưa thể chạm chiếc huy chương mơ ước ấy.
Và cũng bởi lẽ, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có đầy đủ thiên thời - địa lợi - nhân hoà đến như thế. Một lứa cầu thủ được "ươm mầm" bởi ông bầu tâm huyết Đoàn Nguyên Đức, lại có kinh nghiệm đá V.League tới 3 mùa được chọn làm chủ lực quân dự SEA Games.
Một lứa cầu thủ với những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn... mà khi còn ở cấp độ U.19 đã từng làm cả Đông Nam Á phải xôn xao. Trong khi chúng ta có được một lứa cầu thủ - một chủ lực binh tốt đến như thế, được chuẩn bị kỹ càng đến như thế thì ngược lại "đối trọng số 1" - Thái Lan đã không còn quá khát khao huy chương vàng SEA Games sau quá nhiều lần no nê vị trí số 1 Đông Nam Á.
Người Thái chuẩn bị cho SEA Games vội vàng, cẩu thả chưa từng thấy. Người Thái cũng cử một dàn quân tham chiến SEA Games thiếu sức sáng tạo chưa từng thấy. Thế nên ông bầu, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức mới bảo: "Bây giờ mà không vượt qua Thái để giành huy chương vàng thì đến bao giờ nữa?".
Áp lực vàng của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 sẽ đượt đặt lên vai HLV trưởng Đội tuyển Park Hang Seo. |
Vậy mà rốt cuộc, U.22 Việt Nam lại thua U.22 Thái Lan ở trận đấu cuối cùng của vòng bảng, bị loại khỏi cuộc chơi ngay sau vòng bảng. "Chúng em không đáng phải chịu một kết cục như thế này" - câu nói của tiền vệ Lương Xuân Trường nghe thật ám ảnh.
Nhưng nhắc lại những ám ảnh này không phải là để khoét sâu vào một tổn thương nào đó, của bất kỳ ai đó, mà để rút ra những kinh nghiệm (một lần nữa lại phải rút kinh nghiệm) để tới đây chúng ta không còn vỡ cả chiến lược lẫn chiến thuật như thế nữa.
Sau khi mất vàng SEA Games, HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng cũng chính thức rút lui và trọng trách một lần nữa lại được trao cho thầy ngoại. Lần này thì không phải là thầy châu Âu như thói quen của chúng ta trong những năm 90 của thế kỷ XX, cũng không phải là thầy Nhật Bản như những gì mà ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng đặt nhiều kỳ vọng hồi mới lên nhậm chức, lần này là thầy Hàn Quốc, Park Hang Seo.
Từ thầy châu Âu đến thầy Nhật, đến thầy nội, và bây giờ là thầy Hàn- bóng đá Việt Nam thế là đã "quét" qua tất cả những địa chỉ mà với tầm vóc và điều kiện kinh tế hiện tại, mình có thể "quét". Và với thầy Hàn, vẫn chỉ là một mục tiêu rất cũ: Cố gắng đạt được thành tích tốt ở sân chơi Đông Nam Á.
Cũng giống như rất nhiều những đời thầy trước đây, thầy Hàn khởi đầu thật ấn tượng với một chiến thắng trước người Thái ngay trên đất Thái. Dù đấy chỉ là một giải đấu mang tính giao hữu, tập trận không hơn không kém (giải M-150 Cúp, dành cho các Đội tuyển U.23 Quốc gia rèn quân trước khi tham dự VCK U.23 châu Á), nhưng với các ông thầy Việt Nam, với các Đội tuyển Việt Nam, và với người hâm mộ bóng đá Việt Nam một lần "thắng Thái" cũng đủ tạo nên nhiều xúc cảm.
Chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008 trên sân Thái, Đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của thầy Bồ Henrique Calisto đã thắng Thái 2-1, sau đó hoà 1-1 ở trận lượt về để bất ngờ lên ngôi vua Đông Nam Á.
Năm con chó tới đây, đúng 10 năm sau chiến tích lẫy lừng ấy, thầy Park sẽ lại đứng trước con đèo Thái và sẽ phải gồng gánh cái nhiệm vụ giúp bóng đá Việt Nam thêm một lần lên đỉnh vàng khu vực.
2018 là năm mà giải vô địch bóng đá Đông Nam Á có những thay đổi đáng kể về mặt thể thức thi đấu. 2018 cũng là năm mà người Thái tiếp tục nghĩ nhiều tới sân chơi châu lục chứ không còn quanh quẩn với một cái "ao làng". Thế thì ông Park liệu có thể tận dụng thời cơ này để lặp lại thành tích của ông "Tô"?
Trò chuyện với nhiều tuyển thủ Việt Nam, thấy ai cũng bảo là năm 2018, hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ đoạt được chiếc cúp vàng Đông Nam Á, mà nói như chủ nhân của Quả bóng vàng Đinh Thanh Trung thì: "Đời cầu thủ, được một lần chạm vào cúp vàng Đông Nam Á là nguồn hạnh phúc vô bờ".
Có một sự thực của 10 năm về trước, đó là ngay cả khi đã bất ngờ vượt qua Thái Lan để vô địch Đông Nam Á thì ông Calisto vẫn thẳng thắn thừa nhận: "Đẳng cấp của chúng ta chưa bằng Thái". Và sau 10 năm thì cái khoảng cách về đẳng cấp giữa hai nền bóng đá cảm giác không những không được thu ngắn lại, mà còn có chiều hướng nới rộng ra.
Mà có lẽ với chúng ta bây giờ thì chẳng riêng gì người Thái, ngay cả những Malaysia, Indonesia cũng chẳng phải là những đối thủ "dễ xơi". Không biết là sau lần vỡ vàng SEA Games năm ngoái, những bài học có được rút ra triệt để, và kế hoạch chinh phục vàng năm nay có khác biệt nhiều không?
Sau một năm mất vàng SEA Games chúng ta lại mơ lấy vàng Đông Nam Á, cầu mong cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ và từ "giấc mơ vàng" thứ nhất đến "giấc mơ vàng" thứ hai sẽ là những thay đổi "vàng mười" về chất lượng!
Diệp Xưa
.