Thể thao
Dấu ấn của Thể thao Việt Nam 2015
[links()
Trong 365 ngày đã qua của năm 2015, Thể thao Việt Nam có nhiều dấu ấn dù đó là thành công hay thất bại, niềm vui hoặc nỗi buồn...
Dấu ấn trẻ
Với một nền thể thao còn đang phát triển mà cụ thể là đang nâng mình khỏi tầm khu vực để tiệm cận với trình độ châu lục, thế giới, thì đương nhiên, những gương mặt trẻ tài năng chính là sự kỳ vọng lớn. Thể thao Việt Nam không là ngoại lệ và mùa thi đấu 2015, chính những người trẻ cùng những kỳ tích mới đã tạo nên các điểm sáng trên bức tranh toàn cảnh của cả nền thể thao quốc gia.
Ánh Viên giành HCB 400 m hỗn hợp ở Cúp thế giới tại Nga - tấm huy chương lịch sử của bơi lội Việt Nam trên đấu trường quốc tế. |
Đó là Nguyễn Thị Ánh Viên tiếp tục tỏa sáng trên đường đua xanh với 8 HCV cùng 8 kỷ lục Đại hội tại SEA Games 28 để trở thành VĐV Việt Nam giàu thành tích nhất tại đấu trường này.
Cũng với 8 HCV này, cô gái trẻ người Cần Thơ còn là VĐV Đông Nam Á giành nhiều HCV cá nhân nhất ở một kỳ SEA Games kể từ năm 1977. Ngoài ra, Ánh Viên còn giành một số thành tích như HCB, HCĐ tại Cúp Bơi lội thế giới tổ chức tại Nga. Đây cũng là những tấm huy chương thế giới đầu tiên của bơi Việt Nam.
Ngoài Ánh Viên, còn có thể kể đến chức vô địch lịch sử tại giải quần vợt danh giá hàng đầu thế giới của Lý Hoàng Nam; là cô bé 8 tuổi Nguyễn Lê Cẩm Hiền đoạt HCV và Cúp vô địch thế giới ở hạng tuổi U8 nữ cờ vua; là 2 HCB và một HCĐ ở hạng cân 48 kg nữ tại giải cử tạ thế giới 2015 của Vương Thị Huyền, những tấm huy chương thế giới đầu tiên của cử tạ nữ Việt Nam.
Cuối cùng không thể không nhắc tới một năm ấn tượng của lứa cầu thủ trẻ tài năng CLB Hoàng Anh Gia Lai: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, những cầu thủ đầu tiên được "xuất khẩu" sang các thị trường bóng đá danh tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cử tạ Việt Nam chính thức giành 3 suất dự Thế vận hội mùa Hè 2016. Trong ảnh VĐV Thạch Kim Tuấn |
2. Dấu ấn Olympic
Để có thể tiệm cận trình độ châu Á, thế giới thì bên cạnh những gương mặt trẻ tài năng, Thể thao Việt Nam phải quay lại với những giá trị cơ bản. Cụ thể, thay vì việc chạy theo số lượng huy chương, cần phải tập trung cho những môn cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic - thước đo chuẩn cho sự phát triển của bất kỳ nền thể thao quốc gia nào.
Dù năm 2015 không có những cuộc đấu lớn, nhưng ngay tại SEA Games 28 diễn ra ở Singapore, Thể thao Việt Nam đã cho thấy sự thay đổi này trong cả tư duy lẫn cách làm.
Sau rất nhiều kỳ Đại hội khu vực tham gia với số đông, tập trung quá nhiều cho việc giành huy chương, tới SEA Games 28, Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ với 570 thành viên, trong đó có 392 VĐV, 133 HLV và chuyên gia tham dự 28/36 môn thi.
Chung cuộc, Đoàn Việt Nam giành được 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong 3 quốc gia dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng thành công lớn nhất của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 tại Singapore không ở số lượng mà là chất lượng của các tấm huy chương. Bởi hơn 85% trong số 73 HCV của đoàn Thể thao Việt Nam thuộc về các môn Olympic.
Thành công này là minh chứng cho một cuộc chuyển mình lớn thông qua chiến lược mới - lấy SEA Games làm bàn đạp, hướng đến Olympic.
Cũng liên quan đến đấu trường Thế vận hội 2016, tính đến hết năm 2015, Thể thao Việt Nam đã giành được 6 suất tham dự chính thức, đó là: Ánh Viên (bơi), Xuân Vinh, Quốc Cường (bắn súng) và 3 suất của cử tạ.
3. Những "nốt trầm"
Bên cạnh những gam màu sáng là chủ yếu, năm 2015, Thể thao Việt Nam vẫn còn có những" nốt trầm", buồn mà day dứt nhất vẫn là ở "môn thể thao vua".
Dù giành được vé tham dự VCK giải U23 châu Á 2016, nhưng ĐT U23 Việt Nam với thất bại trước U23 Myanmar ở bán kết SEA Games 28 đã khiến "giấc mơ Vàng" tại sân chơi này thêm một lần nữa không thành.
Cầu thủ Quế Ngọc Hải (SLNA) nhận án phạt nặng sau khi phạm lỗi với Trần Anh Khoa. |
Bên cạnh đó, ngoài luồng gió mát từ lứa cầu thủ trẻ tài năng của Hoàng Anh Gia Lai, sân cỏ nội vẫn “nóng” vì đây đó nạn bạo lực vẫn tiếp diễn mà đỉnh điểm là pha phạm lỗi của Quế Ngọc Hải (SLNA) với Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng).
Thêm nữa, bóng đá chuyên nghiệp vẫn chưa... chuyên nghiệp, khi mà các CLB vẫn loay hoay với lời giải bài toán "nuôi sống được chính mình".
Cuối cùng là bài toán nội lực vẫn là thách thức lớn cho một nền thể thao còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước…
Đó cũng là những vấn đề cần giải quyết càng nhanh càng tốt của bóng đá Việt Nam nói riêng trong năm 2016.
TH