Thể thao

Từ hiện tượng 10 đội bóng xóa sổ trong vòng 10 năm qua: Làm và nói

08:08, 04/11/2014 (GMT+7)

Sau khi Đồng Tháp chính thức rút lui khỏi V.League, người ta mới giật mình nhận ra từ năm 2012 đến nay đã có cả thảy 10 đội bóng (tính cả ở V.League lẫn giải hạng Nhất) tự xóa tên mình khỏi bản đồ bóng đá nước nhà.

Lý do đầu tiên, dễ thấy nhất dẫn đến việc xóa sổ nằm ở chuyện thiếu tiền. Vì thiếu tiền nên các đội bóng không thể trả lương, thưởng cầu thủ đúng hạn, và cũng không thể đáp ứng những đòi hỏi tối thiểu của các nhà làm giải. Nhưng cũng có những trường hợp chẳng hạn như Lâm Đồng thì vấn đề lại không nằm ở chuyện thiếu tiền, mà ở cách tiêu tiền.

Đã có những thông tin hậu trường cho hay ở giải hạng Nhất cách đây 2 năm, chi phí vận hành của Lâm Đông lên tới suýt soát 50 tỷ đồng - con số mà ngay cả các đội V.League thời điểm ấy cũng phải thèm thuồng mơ ước. Thế mà đội bóng vẫn loạn, và cuối cùng vẫn phải rút chân khỏi làng bóng vì những lý do khó hiểu. Phải đến mãi gần đây, khi nguyên Giám đốc điều hành và Kế toán trưởng của đội bị khởi tố thì mọi thứ mới vỡ ra nhiều mảng tối. Và cái tối đó chắc chắn không chỉ diễn ra ở duy nhất đội bóng này.

Thực tế thì có nhiều ông bầu nhảy chân vào làng bóng không vì mục đích làm bóng đá, dù ngoài mồm ai cũng nói như vậy. Họ nhảy vào bóng đá vì mục đích kinh doanh, hiểu theo cả nghĩa kinh doanh trong lẫn ngoài bóng đá, và khi cái mục đích kinh doanh được thực hiện xong xuôi thì các ông bầu đã tìm đủ mọi lý do... chạy làng. Khi Sài Gòn Xuân Thành vin vào cớ bị Ban Kỷ luật VFF trừ 4 điểm sau một trận đấu bị nghi ngờ với Kiên Giang để rút chân khỏi giải, đồng thời xóa sổ luôn đội bóng thì nhiều người bảo họ đã chờ đợi một cái cớ như vậy từ rất lâu rồi. Lại có cả những cái cớ ngoạn mục hơn, không dễ gì nói trên mặt báo, nhưng từ chính những cái cớ như vậy mà nhiều cầu thủ đã bị đưa vào bẫy.

 

234
V.League đang rối, chưa thấy Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng (phải) xuất hiện, phát ngôn. Ảnh: H.M.

Nói chung có cả 1.001 lý do khiến các đội bóng giải thể và cũng có 1.001 cái cớ để người ta vin vào đó mà giải thể. Ở đây trách các đội bóng một phần thì phải trách những nhà quản lý nền bóng đá hai, ba phần. Tại sao họ lường hết được viễn cảnh này mà vẫn cho các đội bóng khai sinh một cách dễ dàng? Tại sao họ sẵn sàng "xét luật" để chiều theo ý các đội bóng, để rồi phải trả giá vì sự chiều chuộng của mình? Chúng tôi nhớ là hồi VPF mới thành hình thì cựu PCT VPF Nguyễn Đức Kiên - người có tư tưởng cải cách mạnh mẽ nhất đã ủng hộ việc CLB Sài Gòn Xuân Thành được đổi tên giữa mùa, cho dù đấy là một hành động vi phạm quy chế. Rồi đến năm sau, lại là VPF và VFF đồng ý cho đội bóng này cùng tồn tại với 2 cái tên khác nhau khi thi đấu ở hai giải đấu khác nhau là V.League và AFC Cup.

Rõ ràng là chỉ có bóng đá Việt Nam mới có kiểu "xé luật" tuỳ tiện, kỳ khôi như thế. Và chính từ kiểu sự tuỳ tiện ấy mà các ông bầu đã khinh lờn gia pháp, từ đó sẵn sàng "xỏ mũi" gia pháp bằng những chiêu mánh riêng của mình.  

Bây giờ trước một mùa giải mới thấy ai cũng hô hào là sẽ siết mạnh tay trong việc quản lý, kiểm tra tài chính các đội bóng. Rồi ai cũng bảo là "không sợ các đội bỏ giải, vì có bao nhiêu ta đá bấy nhiêu". Nhưng chỉ sợ là bóng lăn qua một, hai vòng, khi đối diện với một vài biến cố thì những cái rất cứng rồi lại được phù phép làm cho rất mềm.

Bóng đá Việt Nam chết chính vì có quá ít người làm được như mình nói!

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác