Thể thao

Nhìn lại vòng bảng AFF Suzuki Cup của ĐT Việt Nam: Thầy trò cùng vượt vũ môn

09:26, 30/11/2014 (GMT+7)

Vào bán kết với ngôi đầu bảng A, ĐT Việt Nam nhận được sự nể trọng từ tất cả các đối thủ. HLV Thomas Dooley của Philippines thừa nhận: “Việt Nam có thể đánh bại bất cứ đội nào ở Đông Nam Á”. Còn HLV Alfred Riedl thì dự đoán Việt Nam sẽ vào chung kết. Phía sau những lời khen ấy là cả sự khổ luyện của thầy trò HLV Toshiya Miura.

2354
Sự khổ luyện của các cầu thủ, cách dụng nhân và tính toán chiến thuật hợp lý của HLV Miura đã giúp ĐT Việt Nam thăng hoa

SỨC BẬT TỪ THỂ LỰC

Chơi máu lửa, nhiệt huyết và đầy ý tưởng, ĐT Việt Nam đã giành chiến thắng thuyết phục 3-1 để lấy vị trí đầu bảng của chính Philippines. Nhưng để có được thành công tuyệt vời ấy, ĐT Việt Nam phải lao động cực nhọc trong nhiều tháng. Điểm khởi đầu nằm ở lời khuyên của ông Tanaka Koji, Trưởng BTC V-League, cho người đồng hương Toshiya Miura. Lúc đó, ông Koji bảo: “Các cầu thủ Việt Nam chỉ chạy được 4-5 km mỗi trận thôi, hãy chú trọng đến nền tảng thể lực”.

HLV Miura đã phải nghiên cứu rất kỹ những số liệu chuyên môn của các cầu thủ, từ tốc độ với bóng, tốc độ không bóng, sức mạnh, sức bền. Những đợt tập trung, thi đấu hay tập huấn Nhật Bản, vị thuyền trưởng của ĐT Việt Nam cũng hướng tới những bài tập thể lực bên cạnh việc mài sắc lối chơi. Tới thời điểm này, theo thống kê của BTC AFF Suzuki Cup 2014, ĐT Việt Nam chạy nhiều nhất giải: trung bình mỗi trận đấu, các cầu thủ chạy đến 9 km. Chính nhờ tốc độ, thể lực được nâng tầm các chàng trai của chúng ta đã giành ưu thế trước Indonesia trước khi hạ cả Philippines. Ngay cả một cầu thủ nhỏ bé như Thành Lương cũng có thể tranh chấp, đua sức mạnh, tốc độ với những đối thủ to cao gấp rưỡi anh.

Thể lực chính là nền tảng để xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam mà hàng tiền vệ đóng vai trò sức bật. Không chỉ làm chủ khu vực giữa sân, phòng ngự từ xa hiệu quả và tấn công đa dạng, các tiền vệ còn đóng góp 5/8 bàn thắng của ĐT Việt Nam cùng 4 đường chuyền thành bàn khác.

HLV MIURA VÀ NHỮNG ĐỘC CHIÊU TÂM LÝ

Sau 3 trận vòng bảng, HLV Miura đã sử dụng tổng cộng 19 cầu thủ và chưa bao giờ lặp lại đội hình ra quân. Không giống những người tiền nhiệm, HLV Miura gút danh sách chỉ một ngày trước trận khai mạc. Ông thầy người Nhật muốn tất cả các vị trí phải nỗ lực đến giây cuối cùng và chỉ có sự tiến bộ liên tục, cố gắng không nghỉ mới được ghi nhận. Vài giờ trước trận đấu với Indonesia, HLV Miura lần lượt gọi Tấn Tài và Công Vinh vào phòng riêng để giải thích về quyết định để đội trưởng, đội phó của đội ngồi băng ghế dự bị. Một thông điệp được phát đi: Ở ĐT Việt Nam, ai cũng có thể  phải ngồi dự bị.

Chỉ bằng một quyết định như vậy, HLV Miura khiến toàn đội chơi cực kỳ nhiệt huyết với tinh thần quyết tâm đạt mức tối đa. Những người được đá chính luôn nỗ lực hết mình để trận sau… không phải ngồi ghế dự bị, các cựu binh phải cố gắng cực đại để giành lại vị trí của mình. Công Vinh gặp áp lực sau bản hợp đồng đình đám với B.BD và tịt ngòi hơn 2 tháng, HLV Miura đẩy thêm một bước nữa khi cho cầu thủ này ngồi ghế dự bị, dù vẫn đánh giá cao khả năng. Tức thì, Công Vinh vào sân với khát vọng cực lớn để chứng tỏ và ghi siêu phẩm vào lưới Indonesia rồi kết thúc vòng bảng với 2 bàn thắng, 1 đường chuyền thành bàn và tạo rất nhiều cơ hội cho đồng đội. Thành công của Công Vinh là chiến thắng của HLV Miura, là niềm hạnh phúc của ĐT Việt Nam và NHM.

ĐT Việt Nam đã lột xác để chơi một thứ bóng đá đầy tốc độ, đầy sức mạnh và giàu ý tưởng. Vị trí đầu bảng A cũng phản ánh cho sức mạnh của thầy trò HLV Miura và giúp ĐT Việt Nam có lợi thế trong trận bán kết khi được thi đấu trận bán kết lượt về trên sân nhà. Các chàng trai áo đỏ mới trải qua được một nửa con đường chinh phục đỉnh cao, khó khăn còn ở phía trước nhưng thành công của ngày hôm nay là cơ sở để tin tưởng rằng cuộc chuyển mình mạnh mẽ của ĐT Việt Nam không chỉ dừng ở đó.
 

Nguồn: Bóng Đá+

Các tin khác