Chứng kiến siêu phẩm của Công Phượng vào lưới U19 Australia, nhiều người nhớ về bàn thắng để đời của Văn Quyến 11 năm trước vào lưới Malaysia. Khi đó trên sân Mỹ Đình, Văn Quyến cũng ở tuổi 19 và mang trên mình chiếc áo số 10.
Đó là trận đấu mà ĐT Việt Nam đã đả bại Malaysia 4-3 tại bán kết nhờ cú đúp của số 10 Phạm Văn Quyến, qua đó giành quyền vào chơi trận chung kết SEA Games 2003 gặp Thái Lan. Sau bàn thắng ở phút 79, Văn Quyến chạy quanh sân Mỹ Đình dang tay chao lượn ăn mừng trong tiếng hò reo của 4 vạn khán giả - hình ảnh in sâu vào tâm trí hàng triệu người dân Việt Nam mỗi khi nhớ về thần đồng một thời.
11 năm sau, cũng trên sân Mỹ Đình đầy ắp khán giả, tại một giải đấu cấp khu vực, người ta nói về một "số 10", một thần đồng khác của bóng đá Việt Nam là Nguyễn Công Phượng - người có pha solo kinh điển qua 5 hậu vệ, trước khi thực hiện cú sút bóng đẹp mắt thành bàn vào lưới U19 Australia.
"Số 10" Văn Quyến, kỳ SEA Games để đời và hình ảnh ăn mừng đã in sâu vào tâm trí nhiều người |
Văn Quyến và Công Phượng, hai cầu thủ ở 2 thế hệ khác nhau nhưng gặp nhau ở nhiều điểm chung như cùng quê Nghệ An, xuất thân từ những gia đình nghèo khó, cùng được ví như thần đồng của bóng đá Việt, cùng mang áo số 10, sớm tỏa sáng và trở thành linh hồn của ĐTQG. Ở tuổi 19, cả 2 đều được người hâm mộ yêu mến bởi tài năng và phẩm chất trong sáng. Nhưng ở chặng đường sau tuổi 19, có lẽ chẳng một ai mong muốn Công Phương nối gót đàn anh.
SEA Games 2005 tại Philippines, ở tuổi 21, Văn Quyến tự hủy hoại sự nghiệp của mình khi tham gia làm độ trận Myanmar (U23 Việt Nam thắng 1-0) với suy nghĩ quá ngây thơ rằng bán độ nhưng đội tuyển vẫn thắng. Và rồi sự ngây thơ đó phải trả giá bằng 2 năm tù treo và chuỗi ngày khốn khổ trở lại sân cỏ nhưng thất bại của "thần đồng sa ngã".
Với Văn Quyến, đỉnh cao sự nghiệp sớm dừng tuổi 19 và cột mốc đáng nhớ nhất trong đời cầu thủ là tại SEA Games 2003.
Cũng giống như Văn Quyến của 11 năm về trước, Công Phượng đang sống trong hào quang và sự ngưỡng mộ của người hâm mộ |
Song nếu như Văn Quyến ở tuổi 21 đã tự kết liễu sự nghiệp của mình bằng suy nghĩ ngây thơ rằng "bán độ nhưng đội tuyển vẫn thắng", thì ở tuổi 19, Công Phượng đã thể hiện sự chững chạc cả trên sân lẫn ngoài đời, điển hình như việc anh thông minh đáp trả những câu hỏi móc máy của phóng viên tại buổi họp kỹ thuật giải U19 Đông Nam Á hôm 5/9 vừa qua khiến người nghe phải trầm trồ thán phục.
Điều làm nên sự khác biệt giữa Công Phượng và Văn Quyến nằm ở chỗ, cầu thủ quê Đô Lương, Nghệ An được trưởng thành từ lò HAGL Arsenal JMG chuyên nghiệp, được học bóng đá lẫn văn hóa tử tế nên sớm trưởng thành hơn trong nhận thức và có những bài học xương máu của đàn anh để lại.
Đó là cơ sở để người ta tin "số 10" hiện tại sẽ không đi vào vết xe đổ của "số 10" quá khứ.
Phạm Văn Quyến
29-4-1984
Xã Hưng Tiến, H.Hưng Nguyên, Nghệ An
1m67
Tiền đạo
10
12 tuổi: Vào lớp bóng đá nghiệp dư của SLNA
14 tuổi: VĐ giải thiếu niên toàn quốc
16 tuổi: Cầu thủ xuất sắc nhất U16 châu Á15 tuổi: HCB giải U16 toàn quốc, cầu thủ xuất sắc nhất 19 tuổi: Ghi bàn thắng để đời vào lưới U23 Hàn Quốc, thi đấu chói sáng ở SEA Games 2003 |
Nguyễn Công Phượng
21-1-1995
Xã Mỹ Sơn, H.Đô Lương, Nghệ An
1m67
Tiền đạo
10
12 tuổi: Vào Học viện HAGL Arsenal
18 tuổi: HCB giải Đông Nam Á 2013 Cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á tuần 3, tháng 7-2013 Được mời sang Arsenal thử việc Ghi 3 bàn vào lưới U19 Australia 19 tuổi: HCB giải U22 Đông Nam Á ,
Cầu thủ xuất sắc nhất giải Ghi siêu phẩm vào lưới U19 Australia
...?... |