Thể thao
Công nghệ kiểm tra hơi thở giúp cầu thủ tránh đột tử trên sân
Một bước đột phá mới trong công nghệ khoa học mang tên “máy kiểm tra hơi thở” sẽ sớm được áp dụng trong tương lai nhằm giúp các vận động viên tránh được những ảnh hưởng từ chấn thương vùng đầu.
Các nhà khoa học tại Đại học Birmingham (Anh) đang phát triển một thử nghiệm về kiểm tra hơi thở, có thể giúp phát hiện nhanh dấu hiệu của chấn thương. Đây là một bước tiến quan trọng giúp cải thiện công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các VĐV trong quá trình thi đấu. Nhất là khi ở thời điểm này, để có một đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng sau một chấn động vùng đầu, đòi hỏi người chơi phải thực hiện đầy đủ một loạt các kiểm tra y tế hoặc chụp chiếu não khá mất thời gian.
Cristoph Kramer từng được cho phép tiếp tục thi đấu sau chấn thương đầu ở trận chung kết World Cup 2014, tuy nhiên anh sau đó thừa nhận đã không nhớ gì. Ảnh: Reuters. |
Sau các cuộc thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và một vài thử nghiệm trong thực tế, tiến sĩ Michael Grey và giáo sư Tony Belli đến từ Đại học Birmingham, cho biết: “Đây thực sự là một ứng dụng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe các cầu thủ. Chúng tôi đang nói đến những cầu thủ bị nghi ngờ gặp phải một ảnh hưởng nhẹ tới não sau một tình huống va chạm và cần được xác định khả năng có thể tiếp tục thi đấu hay không”.
Các nhà khoa học đã phát hiện được ba loại chất hóa học được giải phóng vào máu khi não bộ tiếp nhận một chấn động. Các phân tử đó sẽ đi theo các con đường khác nhau và vào tới phổi, nơi mà chúng ta có thể phát hiện được thông qua hơi thở. “Các hóa chất đó sẽ được phát hiện chỉ trong vài phút”, giáo sư Belli cho biết.
Các nhà khoa học cũng đang phát triển một thử nghiệm đi kèm trong đó họ sẽ sử dụng một chiếc máy tình xách tay có khả năng gửi các xung điện từ vào não để đánh giá mức độ tổn thương. Theo dự kiến, chiếc máy sử dụng công nghệ này có thể được sử dụng trong các phòng y tế đặt tại các điểm tổ chức hoạt động thể thao để tiện cho công tác nghiên cứu và khắc phục sự cố nếu có.
Những nhà làm thể thao trên thế giới đang phải đối mặt với một loạt các trường hợp tương đối nghiêm trọng liên quan đến tai nạn trong thi đấu đỉnh cao. Liên đoàn bóng đá Anh cũng từng phải chịu rất nhiều áp lực phải có hành động can thiệp sau khi thủ môn Hugo Lloris nằm sân tới gần một phút sau một tình huống va chạm bằng đầu ở mùa giải trước.
Hugo Lloris nằm bất động trên sân sau một cú va chạm mạnh ở vùng đầu với cầu thủ đối phương nhưng sau đó anh vẫn tiếp tục trở lại sân. Ảnh: Rex. |
Đó là trận đấu mà HLV khi đó Andre Villas-Boas và Lloris đã thống nhất để anh tiếp tục thi đấu, bất chấp những lời khuyên của đội ngũ nhân viên y tế. Sau trận đấu, thủ thành của Tottenham đã lên tiếng thừa nhận: “Khi bạn đang thi đấu, chắc chắn bạn sẽ không muốn phải rời sân. Tôi muốn ở lại cùng đồng đội và giúp họ có được kết quả tốt nhất”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Lloris. Trường hợp của cựu tiền đạo người Anh từng thi đấu cho West Brom, Jeff Astle, là một ví dụ điển hình. Astle đã qua đời ở tuổi 59 với một tổn thương não nghiêm trọng. Cuộc điều tra sau đó đã cho thấy ông mắc một chứng rối loạn thần kinh do những tác động lặp đi lặp lại từ những cú đánh đầu, điều vốn chỉ xảy ra với các võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp.
Con gái của Jeff Astle, cô Dawn (46 tuổi) cũng đã kêu gọi FA tiếp tục tiến hành hỗ trợ sâu hơn trong nghiên cứu các vấn đề về chấn thương vùng đầu trong bóng đá. Cô nói: “Nếu các cầu thủ ngày nay nhìn thấy tình trạng bệnh của cha tôi trong bốn năm qua và sự ra đi của ông ấy, tôi nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ dám chạm đầu vào bóng thêm một lần nào nữa. Đó thực sự là ranh giới giữa sự sống và cái chết”.
Jeff Astle qua đời ở tuổi 59 do hệ quả ảnh hưởng từ những cú đánh đầu lặp đi lặp lại trong quá khứ. |
“Nếu bạn đưa các cầu thủ trở lại sân, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đặt họ vào nguy hiểm. Những kiểm tra sơ bộ hiện giờ là không đủ đảm bảo để đưa ra quyết định an toàn nhất”, tiến sĩ Grey khẳng định.
Tháng trước, một nhóm các bậc cha mẹ ở Mỹ cũng đã đệ đơn lên FIFA yêu cầu điều chỉnh các quy tắc liên quan đến việc cầu thủ trở lại sân đấu sau một chấn động vùng đầu. Họ cũng yêu cầu nêu rõ giới hạn an toàn về số lần đánh đầu với trái bóng ở trẻ em dưới 17 tuổi.
Về vấn đề này, tiến sĩ Grey cho biết: “Bộ não trẻ em không được phát triển hoàn chỉnh cũng như không được bảo vệ như ở người lớn. Chúng ta vẫn chưa thể xác định được chính xác những tổn hại về sau này với các em sau những tác động bằng đầu liên tục trung một thời gian dài. Có thể trong tương lai chúng ta sẽ cần đưa ra một giới hạn độ tuổi nhất định được phép chơi bóng bằng đầu”.
Nguồn: thethaovanhoa.vn