Thể thao

Di Maria phá kỷ lục chuyển nhượng: Cuốn theo chiều giá

08:19, 28/08/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Chưa đầy 10 ngày sau khi Man City phá két để mang về hậu vệ đắt giá nhất nước Anh, đội bóng cùng thành phố MU đã xô đổ kỷ lục chuyển nhượng của xứ sương mù. Theo thống kê của hãng kiểm toán nổi tiếng Deloitte, Premier League đang bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc mà chỉ có 2 thế lực khổng lồ Real và Barca mới có thể đứng vững.
 
Bất chấp bị hạn chế bởi luật Công bằng tài chính, Man City vẫn thản nhiên chi 32 triệu bảng cho Mangala. Đó là khoản tiền cao nhất trong lịch sử mà một CLB bóng đá Anh bỏ ra để mua hậu vệ. Tuy nhiên con số này chẳng thấm vào đâu so với những gì Man City nói riêng và Premier League nói chung “đốt” trong 5 năm trở lại đây.
Hãng kiểm toán Deloitte cho biết số tiền mà các CLB tại NHA chi để mua sắm tăng đột biến trong nửa thập kỷ qua. Cùng kỳ này năm ngoái, Premier League ném hơn 300 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng (TTCN). 1 năm sau, số tiền ấy đã vượt ngưỡng 420 triệu bảng, chưa kể thị trường vẫn còn hoạt động gần một tuần nữa và hứa hẹn nhiều "bom tấn" sẽ nổ.
 
Kỷ lục chuyển nhượng tại xứ sương mù đã liên tục bị phá đặc biệt kể từ năm 2011 trở lại đây - quãng thời gian gắn liền với sự xuất hiện của các tỷ phú người Nga của Chelsea, Mỹ của MU và Liverpool, rồi giới Ả-rập tại Man City. Nhưng đang có một nghịch lý, phí chuyển nhượng tăng chóng mặt ấy đang tỷ lệ nghịch với chất lượng cầu thủ.
Năm 1995, MU xô đổ kỷ lục của xứ sương mù khi mua Andy Cole với 7 triệu bảng và không phải hối hận. 1 năm sau, Newcastle đánh bạc với 15 triệu bảng cho Alan Shearer và thành công lớn với canh bạc ấy. Năm 2002, Sir Alex bị coi là điên rồ khi chi 29,1 triệu bảng cho chàng trai Rio Ferdiand. MU của ông cũng được đền đáp xứng đáng.
 
Nhưng kể từ khi Premier Leauge trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, hay giải đấu có phí bản quyền cao nhất thế giới, các thương vụ mang tính chất "lịch sử" đều vô cùng thất vọng. Andry Carroll trở thành cầu thủ bản địa đắt giá mà vô dụng nhất, ngốn của Liverpool 36 triệu bảng năm 2011. Cũng trong năm đấy, Chelsea mất 50 triệu bảng cho một Fernando Torres chỉ còn là cái bóng của chính mình.
 
Mới nhất, MU vừa biến Di Maria thành cầu thủ đắt giá nhất NHA với mức phí gần 60 triệu bảng, chơi trội gấp đôi những tân binh trên dưới 30 triệu bảng của Arsenal (Sanchez), Chelsea (Costa và Fabregas), Man City (Mangala) và Liverpool (Lallana). 
 
Tuy nhiên cách Premier League tiêu tiền không là gì so với 2 gã khổng lồ của TBN, Real và Barca. Với túi tiền cùng thế lực không đáy, dễ hiểu tại sao bộ đôi của La Liga là nơi các tài năng lớn nhất của thế giới tìm đến. Và khi họ “thải” ra một hoặc hai ngôi sao không cần thiết, các ông lớn khác sẽ lại sốt sắng chen nhau xếp hàng.
 
Với xu hướng lao vào TTCN như thiêu thân, điều mà MU vừa làm với Di Maria là không thể tránh khỏi. Càng ngày phí chuyển nhượng sẽ càng tăng, đi liền với tiền bản quyền từ nhà đài, lương của các cầu thủ cũng vậy, rồi giá vé vào sân... Nhưng những giá trị trên dường như là vô nghĩa khi xét về khía cạnh chất lượng chuyên môn.

TH

Các tin khác