Thể thao
Văn hóa bóng đá và quyền lực mềm quốc gia
08:30, 26/06/2014 (GMT+7)
Rạng sáng 24/6, không ai bất ngờ khi Cameroon - đội bóng có biệt hiệu "sư tử bất khuất" một thời đại bại 1-4 trước Brazil.
Chẳng phải vì Brazil là chủ nhà, Brazil quá mạnh, Brazil có Neymar, cũng chẳng phải vì Cameroon quá yếu, quá đuối, quá non kinh nghiệm so với đối thủ. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: Suốt một quá trình chuẩn bị tham dự World Cup tới khi tham dự World Cup, chưa bao giờ Cameroon cho người ta cái cảm giác họ là một đội bóng cho ra hồn đội bóng.
Này nhé, trước khi đến Brazil, các cầu thủ Cameroon đình công với LĐBĐ nước nhà vì bất mãn chuyện tiền thưởng không như ý. Này nhé, đến Brazil rồi thì Eto'o - ngôi sao số 1 của đội lại bị tố cáo là có quan hệ không mấy hay ho với phu nhân của trợ lý HLV, rồi cũng chính Eto'o bị la ó là đã ăn ở, chơi bời quá đỗi xa hoa, tương phản với sự nghèo khó của phần còn lại. Và này nhé, trong trận gặp Croatia, cầu thủ Cameroon người thì bị thẻ đỏ phản cảm, người thì lao vào hục hặc với chính đồng đội của mình. Mà nghe đâu, sự hục hặc không chỉ diễn ra trên sân cỏ, trước thanh thiên bạch nhật, mà còn bùng phát trong đường hầm SVĐ, thậm chí có nguy cơ bùng phát thành "chiến tranh cá nhân" nếu không được can thiệp kịp thời.
Thế nên vấn đề ở đây không phải là Cameroon đã thua, đã rời cuộc chơi, mà là cái cách họ thua, cái cách họ đối xử với sân cỏ, với đối thủ và với chính mình là điều không thể nào chấp nhận. Cái cách thua như thế triệt tiêu mọi tình cảm (dù là ít ỏi) mà những người xem trung lập thường dành cho những đội bóng bại binh.
Cầu thủ Nhật cúi đầu xin lỗi khán giả |
Vẫn là tâm thế người thua cuộc, nhưng cái thua của người Nhật Bản trong trận ra quân trước Bờ Biển Ngà (thua 1-2, dù dẫn trước từ khá sớm) lại có một sức nặng và một tiếng vang hoàn toàn khác. Khi trọng tài thổi còi khép lại trận đấu này, các cầu thủ Nhật lập tức xếp hàng, cúi đầu xin lỗi những khán giả đã lặn lội từ Nhật Bản sang Brazil cổ vũ cho mình. Họ xin lỗi một cách thành thực, chứ không hình thức, không tạo cảm giác là mình đang "diễn xuất". Và ở trên khán đài, những khán giả Nhật Bản - những người vừa được xin lỗi đã làm gì? Cả thế giới đều đã biết, họ không buồn chán với thất bại của đội nhà, không lập tức rời sân như tâm lý và hành động thường thấy của những "thượng đế" của những đội bóng thua cuộc, mà họ ở lại, dọn sạch rác rưởi dưới chân mình. Nghe đâu đến trận đấu thứ 2 của Nhật Bản, khi cái việc nhặt rác rưởi tiếp tục được CĐV Nhật Bản thực hiện thì chính các CĐV Brazil cũng lập tức nhặt rác theo.
Từ trên sân cỏ lên đến khán đài, từ cái cúi đầu xin lỗi của các cầu thủ đến cái cúi đầu nhặt rác của các CĐV, rõ ràng người Nhật đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ, thậm chí đã ghi một bàn thắng, một sức mạnh ngoài tưởng tượng. Nếu xét ở cuộc chơi bóng đá thông thường, họ là người thua cuộc. Nhưng nếu xét ở những giá trị cộng thêm từ hoạt động bóng đá thông thường thì chính từ cái thân phận của người thua cuộc, họ lại thể hiện rất rõ SỨC MẠNH MỀM của một nền bóng đá, một nền thể thao, thậm chí lớn hơn: một nền văn hoá. World Cup, nhìn ở một góc độ nào đó không chỉ là cuộc chơi thể thao để đi tìm một nhà vô địch rồi chấm hết, mà còn là một cuộc chơi văn hoá. Và ở cuộc chơi văn hoá ấy, có những đội bóng tuy giành chiến thắng nhưng lại tạo cảm giác về sự xấu xí (nếu họ thắng bằng mọi giá, thắng bất chấp các thủ đoạn), và có những đội bóng tuy thua cuộc nhưng lại tạo nên một sức mạnh mềm - một giá trị mềm khiến phần còn lại phải nghiêng mình ngưỡng mộ!
Ấn tượng đến phút cuối cùng...
Ở lượt trận thứ hai của World Cup năm nay, một trong những đại diện đầy hy vọng của châu Á là Hàn Quốc đã thua đậm Algeria 2-4, và có xem trận đấu này mới thấy Hàn Quốc thua luôn đối thủ cả về "nghệ thuật chơi bóng". Nhưng có một điểm sáng từ kẻ thua cuộc này: đó là ngay cả khi bị dẫn đến 3-0, đến 4-1 thì các cầu thủ vẫn không vì thế mà buông xuôi. Những cái áo đỏ (màu áo Hàn Quốc hôm ấy) vẫn quyết tâm tranh chấp trong từng pha bóng, vẫn ngùn ngụt lao lên phía trước cho đến khi ông trọng tài thổi hồi còi mãn cuộc.
|
Nguồn: cand.com.vn