Thể thao

Thầy ngoại 'nhẹ gánh' nhất trong lịch sử

15:40, 11/05/2014 (GMT+7)
Trong buổi lễ ra mắt tân HLV trưởng ĐTVN và ĐT Olympic Việt Nam Toshiya Miura tại TP HCM vào ngày hôm qua, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói một câu rất đáng chú ý: "Mục tiêu của VFF ở nhiệm kỳ này là không chạy theo thành tích, mà phải xây dựng những bước phát triển lâu dài. VFF chấp nhận bị chỉ trích nếu ĐT không có thứ hạng cao để có thể cố gắng tạo nên một thế hệ chất lượng trong vài ba năm tới".
 
Có lẽ đây là lần đầu tiên ông Lê Hùng Dũng phát biểu những câu nhẹ nhàng, có ý nghĩa cởi bỏ áp lực thành tích cho thuyền trưởng ĐTQG như vậy. Còn nhớ, trước thềm SEA Games 26 năm 2011, ông Dũng từng bảo: "Kỳ SEA Games này mà không có HCV thì U.23 Việt Nam coi như thất bại", khiến HLV trưởng U.23 Việt Nam lúc đó - ông Henrqui Calisto sôi máu. Ông "Tô" từng công khai vặn lại: "Người ta liệu có hiểu mình, hiểu người hay không mà lại đưa ra chỉ tiêu như thế?", và cũng chính vì thế mà ông "Tô" sau đó đã tìm cách rút chân khỏi bóng đá Việt Nam.
 
Người kế nhiệm Calisto - thầy Đức Falko Goetz cũng phải đối diện với cái áp lực phải có thành tích ở SEA Games 26. Ông Goetz khi ấy còn phải đối diện với một áp lực mang tính cá nhân khi được chính cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ quảng cáo là "thầy ngoại tốt nhất mà bóng đá Việt Nam có được từ trước đến nay". Những áp lực ấy đã khiến ông Goetz bị căng thẳng, thậm chí là bấn loạn tinh thần ra sao, và U.23 Việt Nam dưới tay ông Goetz đã thất bại như thế nào là điều tất cả đều đã rõ.
 
Tân HLV trưởng ĐTVN (trái) trong lễ ra mắt ngày hôm qua
Tân HLV trưởng ĐTVN (trái) trong lễ ra mắt ngày hôm qua
Sau này, dưới thời các ông thầy nội Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, áp lực thành tích không được đặt ra một cách trực diện nặng nề như vậy nữa, nhưng trong thâm tâm mình cả hai ông thầy đều tự hiểu nếu không thể giúp ĐTVN (trường hợp Phan Thanh Hùng) và ĐT U.23 Việt Nam (trường hợp Hoàng Văn Phúc) lọt vào bán kết các giải đấu trong khu vực thì họ cũng khó lòng giữ ghế. Thực tế thì cả hai HLV này đều đã thất bại chóng vánh, và sau đó đã phải ra đi đúng như những gì nhiều người dự đoán. Bây giờ thì HLV trưởng ĐTVN là thầy Nhật Toshiya Miura. So sánh với các HLV tiền nhiệm như Calisto, Falko Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, có lẽ ông Toshiya Miura là người nhẹ gánh hơn cả. Vấn đề là vì sao ông Miura lại được hưởng sự ưu ái đặc biệt như thế này?
 
Vì, bóng đá Việt Nam nói chung và các ĐTQG Việt Nam nói riêng (ngoại trừ ĐT U.19 với nòng cốt là các thành viên của lò đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai JMG) đang ở trong thời loạn, và trong cái thời loạn này, đòi hỏi thành tích là điều không tưởng? Vì, bản thân chủ tịch Liên đoàn cũng đã có một cái nhìn khác so với cái nhìn đặt nặng tính thành tích trước đây - khi ông mới chỉ là PCT VFF? Hay vì đơn giản HLV Toshiya Miura đến từ nước Nhật, mà bóng đá Việt Nam đã xác định sẽ hợp tác toàn diện, lâu dài với bóng đá Nhật?
 
Có lẽ tất cả những giả thuyết này đều có một phần đúng đắn nhất định của nó. Và nhờ nó mà thầy Nhật Toshiya Miura đã trở thành ông thầy nhẹ gánh nhất, đỡ bị áp lực nhất trong số các đời thầy của ĐTVN tính từ năm 1995 đến giờ.
 
Hy vọng là sự nhẹ gánh này sẽ giúp ông Toshiya Miura thanh thoát trong mỗi đường binh. Và với sự nhẹ gánh rất đặc biệt của mình, ông sẽ giúp ĐTVN dần dần lấy lại niềm tin của người hâm mộ.
 
Hy vọng thế!

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác