Thể thao

Khi Đại hội VFF cứ bị hoãn lên hoãn xuống

16:33, 15/02/2014 (GMT+7)
Thế là Đại hội VII VFF đã không diễn ra vào ngày 14/2, cũng chắc chắn không diễn ra vào ngày 20/2 như những phương án ban đầu. Hỏi những quan chức Liên đoàn xem: "Rốt cuộc khi nào Đại hội diễn ra?", người thì bảo: "Đầu tháng 3", người thì bảo: "Cuối tháng 3", người lại bảo: "Khi nào khó nói".
 
Vẫn phải nói đi nói lại rằng, tính đến lúc này thì Đại hội khóa VII VFF đã bị hoãn tới 4 lần với rất nhiều những nguyên nhân khác nhau. Lúc thì phải hoãn để có thêm thời gian chuẩn bị, lúc thì phải hoãn để có thể áp dụng những nguyên tắc, luật lệ mới của FIFA, lúc lại hoãn vì hai ứng cử viên tranh ghế Chủ tịch chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, còn bây giờ khi ai cũng bảo "có tới 99,99% ông quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sẽ chính thức ngồi lên ghế chủ tịch" thì Đại hội tiếp tục bị hoãn với lý do... người ta cần một ứng cử viên chủ tịch nữa để cuộc chạy đua có vẻ diễn ra một cách dân chủ, công bằng (?).
 
Thực tế thì trong quá trình Đại hội bị hoãn đi hoãn lại, đã có những biến động được cho là có lợi cho người này và có hại cho người khác. Chẳng hạn như việc nguyên Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ rút lui, và PCT Tài chính Lê Hùng Dũng đồng thời làm "quyền chủ tịch", và ai cũng hiểu là ở vị trí "quyền chủ tịch" ông Dũng có quá nhiều lợi thế để cạnh tranh với những đối thủ (nếu có) của mình. Cũng trong quãng thời gian hoãn lên hoãn xuống ấy, cặp bài Lê Hùng Dũng - Đoàn Nguyên Đức đã "ghi điểm chói lọi" trước dư luận thông qua việc tổ chức giải U.19 quốc tế Cúp Nutifood. Cái giải đấu mà nhờ nó, người ta ít nhiều đã lãng quên một năm thảm bại của bóng đá Việt Nam.
 
Ghế Chủ tịch VFF khóa VII: Ai qua được ông Lê Hùng Dũng?
Ghế Chủ tịch VFF khóa VII: Ai qua được ông Lê Hùng Dũng?
 
Nếu việc hoãn Đại hội tạo ra những lợi thế cho những người chuẩn bị ngồi vào ghế Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tài chính thì nó lại "vô tình" tạo ra những điểm chết cho một vài nhân vật muốn chạy đua vào ghế Phó Chủ tịch truyền thông. Nhân vật ấy là TTK LĐBĐ Hà Nội Phan Anh Tú, người bị một bộ phận truyền thông "đánh tơi tả" quanh vụ chia thưởng của ĐT bóng đá nữ hậu SEA Games. Ai cũng biết, là ông Tú làm Trưởng đoàn ĐT nữ, và với vị trí ấy, ông chỉ nhận mức thưởng loại 3, thế mà không hiểu sao lại có người "đánh" ông, và sau đó nhiều người cũng "đánh hôi" không thương tiếc. Nghe đâu ông Tú đã từ bỏ ý định ứng cử vào ghế Phó Chủ tịch Truyền thông khóa tới.
 
Vậy thì xem ra chỉ còn ghế Phó Chủ tịch Chuyên môn là còn... nóng hổi. Cái ghế mà trong khi hai PCT chuyên môn đương nhiệm là Phạm Ngọc Viễn và Phạm Văn Tuấn tỏ ra không quá mặn mà thì lại có những nhân vật muốn nhăm nhe ngồi vào đấy. Liệu thời gian tới có xuất hiện những "cuộc đấu" ở hậu trường và cả trên mặt báo liên quan đến cái ghế nhạy cảm này không?
 
Rõ ràng là trong suốt thời gian Đại hội VFF bị hoãn lên hoãn xuống, người ta nhìn thấy nhiều cú "áp phe" cá nhân, qua đó để lại những tác động thắng - thua cá nhân hơn là việc tất cả cùng xắn tay chuẩn bị cho một kỳ đại hội thực sự công bằng, dân chủ. Đem điều này chia sẻ với một nhân vật rất quan tâm đến chính trường VFF, cũng là người từng có "số má" trong ngành Thể thao, thì được nghe nhận định: "Biết đâu thời gian tới sẽ có những cú trở cờ không ai nghĩ đến thì sao?". Nhân vật này giải thích: "Lợi thế của Quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là quá rõ và quá lớn rồi. Nhưng dẫu sao thì ở ta vẫn tồn tại tâm lý người đứng đầu VFF phải là người mà ngành Thể thao “bảo được”...
 
Thôi thì hãy chờ để xem việc Đại hội VFF hoãn lên hoãn xuống xét cho cùng cũng chỉ để cho ra những "đáp số" mà ai cũng thấy, hay là sẽ đưa tới một "đáp số" mới - một cú trở cờ mà ngay chính những người trong cuộc cũng không thể nào tin nổi?
 
Chẳng phải dân gian vẫn bảo những câu đại loại như "30 chưa phải là Tết"  hay "đêm dài lắm mộng" đó sao?
 
Một mình một ngựa
 
Khi làm Quyền Chủ tịch VFF thay nguyên Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, PCT tài chính Lê Hùng Dũng cho biết, ông tuyệt đối không dựa vào đó để "chơi xấu" với những đối thủ cạnh tranh chức Chủ tịch VFF khóa VII với mình. Ông Dũng cũng nhiều lần khẳng định, ông muốn có những đối thủ thực sự trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế đặc biệt này. Tuy nhiên, sau khi Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lê Khánh Hải rút lui, giờ đây ông Dũng thực sự đang ở vào cảnh "một mình một ngựa". Nói như một nhà báo thể thao lão làng thì ở thời điểm này, tìm một người bản lĩnh, dũng cảm "dám" đứng ra "đấu" với ông Lê Hùng Dũng cũng khó như việc "tìm đường lên trời" vậy (?!).

 

CAND

Các tin khác