Mùa bóng 2013 trở đi SLNA sẽ có 50 tỷ đồng để chi tiêu. Điều này đã được thống nhất sau buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và lãnh đạo Ngân hàng Bắc Á sáng 28/10 vừa qua. Qua đó, UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ cho đội bóng 20 tỷ đồng mỗi mùa, Ngân hàng Bắc Á lo thêm 30 tỷ đồng đúng như phương án họ đã đệ trình 40 - 60.
Theo lịch dự kiến, buổi làm việc giữa nhà tài trợ và UBND tỉnh phải đến ngày 30/10 mới diễn ra để bàn về tương lai CLB SLNA, nhưng bất ngờ đến sáng 28/10 thì cuộc họp đã diễn ra nhanh chóng. Nguyên nhân có thể là do phía SLNA muốn chắc chắn về tương lai khi mà thời hạn đăng ký với VFF sắp hết.
Kết quả buổi làm việc tuy còn nhiều điều khoản chưa thống nhất nhưng nội dung cần thiết nhất đã được thông qua, đó là UBND tỉnh đã đồng ý tài trợ cho đội bóng 20 tỷ đồng/mỗi mùa bóng. Trong khi Ngân hàng Bắc Á sẽ lo thêm khoản 30 tỷ.
Với số tiền tài trợ không nhiều, SLNA sẽ phải lo thắt lưng buộc bụng trong mùa giải tới
Vì trước cuộc họp này diễn ra thì phía Ngân hàng Bắc Á đã triệu tập lãnh đạo đội bóng để thống nhất về khoản chi tiêu ở mùa bóng 2013 ở mức “min” nhất (buổi họp này đã diễn ra tại văn phòng TGĐ Thái Hương ở Hà Nội ngày 16/10 với sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Thanh (TGĐ Công ty CP SLNA), ông Hồ Văn Chiêm (Giám đốc điều hành) và HLV Nguyễn Hữu Thắng).
Sau buổi làm việc trên thì con số mà SLNA cần mùa giải năm tới ít nhất khoảng 50 tỷ. Điều đó càng được khẳng định thêm khi bà Thái Hương đã chính thức ký công văn gửi UBND tỉnh về thông báo khả năng của nhà tài trợ chỉ có thể lo được chừng 30 tỷ/mùa cho đội bóng SLNA. Trong công văn này, phía Bắc Á cũng khẳng định rằng nếu trên 30 tỷ/mùa ở thời điểm hiện nay thì doanh nghiệp không đảm đương nổi.
Bản công văn đó cũng giống như tối hậu thư nếu không chấp thuận thì cũng sẽ phải “buông” SLNA trả lại cho tỉnh nhà. Rất may, kết quả buổi họp ngày 28/10 đã đi theo chiều hướng mà nhà tài trợ mong muốn khi lãnh đạo UBND tỉnh đồng ý cùng chung tay nuôi đội bóng theo tỷ lệ 60 - 40%.
Nhớ lại, cuối mùa giải 2009, các CLB ở V.League bắt buộc phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Lúc đó SLNA đứng trước tình thế “nước đến chân” rồi mà vẫn chưa tìm được “Mạnh thường quân” nào tài trợ, có doanh nghiệp đã lợi dụng tình thế đó đặt ra những yêu sách đối với tỉnh khi nhận đội bóng nhưng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã không đồng ý.
Trong lúc khó khăn đó, nhận lời mời từ lãnh đạo tỉnh, Ngân hàng Bắc Á đã vào cuộc để giúp đỡ, tài trợ cho CLB SLNA. Tháng 10/2009, Công ty cổ phần Sông Lam Nghệ An được thành lập theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Bắc Á.
Với nguyện vọng xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp, mang màu cờ sắc áo quê hương, bà Thái Hương - Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á đã được chọn mặt gửi vàng để cứu cho UBND tỉnh “bàn thua trông thấy”. Có thể nói từ khi Bắc Á tiếp quản đội bóng thì cuộc sống của gần 70 cán bộ công nhân viên và cầu thủ có một tương lai tươi sáng hơn. Đổi lại Ngân hàng Bắc Á cũng được thông thoáng trong việc phê duyệt các dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Lãnh đạo SLNA cho hay, “việc tài trợ mỗi mùa bóng khoảng 50 tỷ là khá thấp vì chỉ cần một phép tính đơn giản cho thấy rõ. Để duy trì hệ thống đào tạo trẻ cũng khoảng ước chừng 10 tỷ đồng mỗi năm, thêm vào đó hệ thống lương bổng, hoạt động của văn phòng cũng tốn khá nhiều tiền.
Nói thẳng ra chỉ có khoảng 20 tỷ cho đội 1 hoạt động kể cả việc tuyển chọn ngoại binh, gia hạn hợp đồng với các trụ cột như Trọng Hoàng, Đình Đồng, Văn Hoàn… Như thế, nếu chỉ gói gọn 50 tỷ đồng/mùa thì phải khéo mới đủ cho một đội thi đấu ở V-League mùa giải 2013. Điều này UBND tỉnh và nhà tài trợ đã tính đến, vậy nên phương án trước mắt để tồn tại lâu dài là kêu gọi các doanh nghiệp hảo tâm chung tay tài trợ nuôi đội bóng mà thôi”.
Đó là giải pháp lâu dài, còn biện pháp trước mắt mà SLNA đang thực hiện là cắt giảm chi tiêu và sàng lọc lại lực lượng trước khi bước vào mùa giải mới. Ngoài những trường hợp sắp hết hạn hợp đồng thì họ tiếp tục công việc đàm phán theo tiêu chí mà lãnh đạo Bắc Á đề ra, còn đối với những trụ cột lâu nay SLNA đã có bước đề nghị cắt giảm lương để tồn tại hoặc thanh lý.
Vì thế, nhiều cầu thủ SLNA trong tuần vừa qua đã được gọi lên làm việc với lãnh đạo để giảm tải gánh nặng chi tiêu trong giai đoạn khó khăn như trường hợp Văn Quyến, Huy Hoàng, Sơn Hà, Viết Nam… Đội 1 đã vậy, hệ thống đào tạo trẻ cũng có sự biến động, với tổng số 175 VĐV từ U11 đến U21, SLNA đã lên kế hoạch sàng lọc lực lượng xuống chỉ còn khoảng 2/3, điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 1/3 số VĐV sẽ bị trả về địa phương.
Cụ thể SLNA sẽ sáp nhập 2 lớp liền kề vào một lớp. Cùng với đó thì tuyến đào tạo nghiệp dư với hàng chục lớp năng khiếu bóng đá được phối hợp với các huyện thị tổ chức nhằm tạo nguồn cho SLNA cũng được rút gọn một cách tối đa.
Dù UBND tỉnh đã “xé rào” để tài trợ vượt khung so với quy định cho một doanh nghiệp đóng trên địa bàn để duy trì đội bóng tỉnh nhà nhưng điều đó cho thấy SLNA vẫn còn nhiều lo âu khi vẫn còn phải phụ thuộc vào yếu tố chịu chơi của nhà tài trợ mà ở đây chính là Ngân hàng Bắc Á.
Đại Nghĩa
.