Điều ấy được thể hiện trong những cái gọi là cửa trên, ông lớn, ứng cử viên…để rồi khi sự bất ngờ rất công bằng trong thể thao lên tiếng là lúc chúng ta cần nhìn lại những định kiến đáng xấu hổ đó.
Xét ở trên bàn cân, Chelsea chẳng thể đủ tiêu chuẩn góp mặt ở trận chung kết. Không lọt vào top 4 ở Premier League: HLV không tên tuổi, đội quân già yếu với các cựu sao mới chỉ toả sáng ở giải ngoại hạng. Xét ở cả trận đấu, The Blues không hề bùng nổ, thậm chí còn nhẫn nhịn, thất thế.
Trong khi những tên tuổi của phía Bayern cũng như lối chơi áp đảo, trịch thượng của “Hùm xám”đủ khiến nhiều người mê mẩn như thể muốn thần chiến thắng dâng cúp cho họ. Ngay đến cả những người đáng lẽ phải cất lên tiếng nói khách quan nhất là các BLV cũng nhiều phen gào toáng khi đội chủ sân Allianz Arena sút bóng. Ngược lại khi ấy không có lời an ủi nào cho đội bóng kém may mắn phải làm khách. Đội bóng đã quả cảm, xuất thần chiến thắng ở bán kết bằng một tinh thần rất cầu tiến.
Chelsea vô địch Champions League mùa giải 2011/12 - Ảnh Getty
Bởi vậy, trong phần lớn thời gian trận đấu, sau những cú bắn phá của đội bóng áo đỏ là những tiếng hô đầy cay cú của nhiều người như thể tiếc nuối cho nhát kiếm của đấu sĩ vừa đâm hụt chú bò tót đang cúi đầu chịu trận. Thế trận một chiều trên sân đồng điệu với thái độ định kiến một phía của nhiều người nhìn đội bóng xứ sương mù từ chối bàn thua như một tội lỗi: Tội không sớm cho đội bóng của họ ghi điểm. Cả đến bàn gỡ thể hiện độ chính xác, bản lĩnh thi đấu của Drogba cũng chưa đưa được ‘thế trận” bình luận trở về thế cân bằng.
Lời lẽ vẫn phảng phất sự trách móc sự “vô tâm” của thần chiến thắng, sự đỏng đảnh của trái bóng. Trong khi chính Petr Cech đã sửa sai cho Drogba chứ không phải Robben nhún nhường. Trong màn đọ súng cân não, tự các chân sút Olic, Schweinsteiger của Bayern không đưa được bóng vào lưới chứ không phải Petr Cech chỉ “há miệng chờ sung”.
Lí thuyết của những người “yêu lệch” trong thể thao là vậy còn trên sân cỏ các nhà tân vương khi đó đã mềm nhưng không yếu, nhún nhưng không nhường. Lặng lẽ đến Đức trong cái nhìn đầy thương xót của nhiều người về một đội bóng chiếu dưới như chú chú cừu non sắp bị làm thịt. Ra sân với cả cầu thủ chưa từng nếm mùi Champions League, đội bóng phía tây Luân Đôn mềm mại mà uy lực như thái cực, nhu đạo chắt chiu từng cú phá bóng chuyển thành mũi tên đầy uy lực.
Chiến thắng của họ chỉ có 1% may mắn bởi phần còn lại là sức mạnh tiềm tàng của những người bản lĩnh không biết run sợ đối phương và dư luận. Quyền bình đẳng, quyền được thắng đã được họ cụ thể hoá bằng điểm số. Có lẽ đã lâu lắm rồi một đội bóng khiêm tốn của một vị tướng tạm quyền bình dị mới có mặt ở trận chung kết và trở thành nhà vô địch. Như những người nhà quê chân đất đến với bữa tiệc danh giá, đài các nhất thế giới, Roberto Di Matteo và các học trò đã đem đến một gia vị thật mới. Đó là sự bình dị, khiêm nhường đầy bản lĩnh náu trong sự kiên gan và nhẫn nại.
Đôi khi sự thành kiến trong thể thao cũng có thể gọi là bá đạo trong việc nhìn nhận các đội bóng. Nếu chót sinh ra là cửa dưới vậy thì phải dâng cúp cho cửa trên mới đúng quy luật, mới hợp lí, phải đạo ư? Như thế thì cần gì đến sự tiến bộ và nỗ lực vươn lên trong thi đấu.
Thật đáng tiếc khi trải qua hơn trăm năm, người ta đã có thể làm tất cả để hiện đại hoá môn thể thao vua. Máy tính, tâm linh, kinh tế học đã được vận dụng vào sân cỏ. Chỉ có điều, một điều mà không ai có thể tự tạo ra là trái bóng tròn sẽ luôn nghe lời đôi chân, nó không bị lệ thuộc vào thế lực, quan niệm nào để đem lại sự công bằng nhất. Trái bóng chẳng của riêng ai sẽ còn mãi lăn, bất chấp tất cả sự định kiến để bóng đá luôn tiến bộ và mới mẻ, đem ánh sáng đến vởi cả những miền đất xa xôi, quê mùa nhất.
Lâm Việt
.