Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//the-thao/201201/17985-khi-dai-gia-nong-mat-399223/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//the-thao/201201/17985-khi-dai-gia-nong-mat-399223/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khi đại gia… nóng mặt - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 24/01/2012, 09:14 [GMT+7]
17985

Khi đại gia… nóng mặt

..Vì mặt đại gia bỗng nhiên bị đốt nóng
Super League đã khai mạc nhưng chẳng ai nói đến cái nóng của ngày khai mạc, mà chỉ nói tới cái nóng trong cuộc đại chiến bản quyền truyền hình liên quan tới giải đấu này. Cuộc chiến mà ở đấy, VFF và AVG đứng chung một "liên minh" còn một mình bầu Kiên - PCT VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp, thay VFF điều hành giải VĐQG) lại chỉ tay lên trời thách thức tất cả.

Trong cuộc chiến cam go, căng thẳng này liệu các bên có phải lôi nhau ra tòa hay không, và rốt cuộc ai thắng - ai thua còn phải hậu xét, nhưng có một điều chắc chắn rằng: độ nóng của "chiến trường" không chỉ bắt nguồn từ việc bản thân câu chuyện bản quyền quá nóng, mà còn vì cái mặt của các đại gia bỗng nhiên bị… đốt nóng ngoài tưởng tượng.

Từ việc anh găng tôi thì tôi cũng găng anh

Không phải đợi tới bây giờ, mà từ gần nửa năm trước, trong Hội nghị tổng kết mùa giải 2011, ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã nổ phát súng đầu tiên về cái bản quyền 20 năm mà VFF ký với AVG. Khi đó, ông Kiên nói với tư cách ông chủ của một CLB, chứ không phải với tư cách của một PCT VPF giàu quyền lực trong thế giới bóng đá như bây giờ.

Ấy thế nhưng, dẫu chỉ đứng trong tư cách ông chủ của một CLB mà ông Kiên cũng đã nói xối xả, nói những điều như dao chém đá, khiến các quan chức VFF ngồi dưới vuốt mặt không kịp. Ông nói rằng: "Một nhiệm kỳ của các anh chỉ kéo dài 5 năm mà các anh lại dám ký một hợp đồng tới 20 năm thì phi lý quá". Và ngay từ lúc ấy, ông Kiên đã đòi phải thay đổi những điều mà ông cho là phi lý.

3 tháng sau, khi VPF ra đời và khi vừa được bầu làm PCT VPF, bầu Kiên đã lập tức trở lại… vấn đề phi lý. Giữa một biển phóng viên đang chăm chú hướng về phía mình, bầu Kiên nói dõng dạc: "Có lẽ, trong khoảng 10 ngày là tôi sẽ giải quyết xong vấn đề này". Ông cũng nói huỵch toẹt luôn là sẽ giải quyết theo hướng kéo thời hạn 20 năm xuống còn khoảng 3 năm, và tăng giá trị hợp đồng từ 6 tỷ đồng/năm (như VFF đã ký với AVG) lên khoảng 10 tỷ đồng/năm. Nhưng có một chi tiết đáng lưu ý: dù nói với một khẩu ngữ rất mạnh và với một thái độ rất cương quyết, nhưng bầu Kiên cũng chỉ dùng khái niệm "thương thảo hợp đồng", chứ không dùng khái niệm "phá hủy hợp đồng" hay "quyết chiến hợp đồng". Điều này chứng tỏ với kinh nghiệm lão làng của mình, ông Kiên biết phải rắn ở đâu, phải mềm ở đâu sao cho mọi thứ có lợi với mình nhiều nhất.

Cuộc chiến bản quyền truyền hình nóng...

Có một sự thực là ngay sau đó, bầu Kiên đã nhắn tin cho người đứng đầu AVG đề nghị được ngồi lại nói chuyện, tuy nhiên đề nghị này đã bị… từ chối khéo. Mà không chỉ dừng lại ở mức độ "từ chối khéo", ngay sau đó phía AVG đã gửi công văn cho VFF khẳng định họ chỉ làm việc với VFF - đơn vị đã đứng ra ký hợp đồng với mình, chứ không làm việc với VPF của ông Kiên. Ở đây, có thể thấy rằng AVG hoàn toàn có lý để gửi đi một tín hiệu chẳng khác gì loại VPF khỏi cuộc chơi như vậy, bởi khi họ bắt tay bàn thảo vấn đề bản quyền truyền hình với VFF thì VPF thậm chí còn chưa ra đời. Thế nhưng cái lý ấy lại khiến cho ông Kiên không thể không… nóng mặt.

Phải nhắc lại  rằng ông Kiên là một trong những ông bầu đầu tiên của BĐVN thời đổi mới, ông cũng đồng thời là một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện tại - một người vốn  không quen với việc bị người ta coi thường. Thế nên một khi đã có cảm giác bị coi thường, một khi bị phía AVG thẳng thừng loại khỏi cuộc chơi thì ông Kiên không thể không nóng mặt. Cũng chính vì sự nóng mặt ngoài tưởng tượng ấy mà vị đại gia này quyết định không bàn tán, thương thảo gì nữa, mà phải "chiến đấu" thật sự để thay đổi tình hình. Chỉ 24 giờ sau công văn của AVG, VPF đã gửi một công văn cho VTV với nội dung cho phép VTV được truyền hình trực tiếp Super League.

Lúc ấy, khi bị báo chí đặt câu hỏi: "Cho đến thời điểm này, VPF đã làm gì có bản quyền truyền hình mà được quyền cho đài này, đài nọ" thì ông Kiên nói thẳng tưng: "VPF là chủ sở hữu của Super League, nên đương nhiên được quyền sở hữu bản quyền Super League". Khi được hỏi tiếp: "Vậy hợp đồng truyền hình 20 năm mà VFF đã ký với AVG thì sao?", ông Kiên lại thẳng tưng mà đáp: "Tôi chả quan tâm đến bản hợp đồng ấy". 

Dễ nhận ra đấy là một cách nói theo kiểu trả đũa, chứ thực tế nếu đúng là không quan tâm tới AVG thì ông Kiên đã không dùng đến khái niệm "thương thảo với AVG" và đã không nhắn tin mời người đứng đầu AVG tới làm việc. Và đấy là một sự trả đũa của một đại gia với một đại gia khi mà hình ảnh và lòng tự trọng của mình đã bị tổn thương nghiêm trọng. Một khi đã quyết định phải trả đũa, và thực hiện "chiến tranh", bầu Kiên lập tức đã đi hàng loạt nước cờ mạnh tay sau đó. Mạnh đến nỗi không ngại ngần tuyên bố: "VPF sẵn sàng ra tòa, mà cũng chỉ đợi được ra tòa để cùng AVG và VFF giải quyết vấn đề".

Nhìn lại sự việc một cách có hệ thống sẽ thấy cuộc cạnh tranh bản quyền truyền hình tự thân nó đã nóng. Nhưng nếu phía AVG không có công văn khẳng định chỉ làm việc với VFF, chứ không làm việc với VPF thì phía VPF của bầu Kiên cũng không phản công lại một cách dữ dội, và trận chiến truyền hình sẽ không bỏng rát như bây giờ. Ở đây, xin khẳng định lại một lần nữa, AVG có lý để chỉ làm việc với VFF mà loại VPF khỏi cuộc chơi, nhưng vấn đề là cái lý ấy khi đụng vào lòng tự ái của một đại gia thì nó lập tức trở thành mồi lửa cho một cuộc hỏa công tàn khốc.

Trong trận chiến này, nếu cả AVG lẫn VPF đều nhún nhường một chút, giảm tự ái một chút và "vì bóng đá Việt Nam" một chút thì mọi thứ vẫn có thể được tháo gỡ ổn thỏa. Nhưng chỉ sợ là một khi mồi lửa đã chạm vào củi khô - lại là loại củi khô đã được tẩm sẵn xăng dầu thì cả hai phía đều khó mà kiềm chế lại.

Đến việc cả anh và tôi cùng… ú ớ

Bỏ qua cuộc chiến về danh dự và hình ảnh của các đại gia để trở lại cuộc chiến truyền hình nguyên nghĩa, có một câu hỏi cần phải đặt ra: Dựa vào đâu mà bầu Kiên từ chỗ mang ý định "thương thảo với AVG" lại đã tự tin nói đến khả năng sẽ cùng AVG và cả VFF ra tòa như bây giờ? Trong cuộc trả lời Báo CAND cách đây ít lâu, ông bầu này giải đáp: "Theo luật thì bản quyền truyền hình V.League trước đây vừa thuộc về VFF, vừa thuộc về các CLB. Thế nên khi quyết định ký hợp đồng độc quyền với AVG, VFF lẽ ra phải tham khảo ý kiến các CLB. Nhưng VFF đã không làm như thế, và vì thế hợp đồng giữa họ với AVG là không có giá trị".

Thoạt nghe sẽ thấy lý luận của bầu Kiên rất thuyết phục, nhưng cũng phải thấy rằng VFF không to đến mức không thảm khảo ý kiến các CLB trong một vấn đề đại sự như thế này. Vậy nên chỉ một ngày sau khi bị ông Kiên bất ngờ tấn công, VFF đã gửi công văn ngược trở lại cho VPF đề cập lại quá trình đàm phán với AVG. Quá trình mà ở đó, VFF được Bộ chủ quản "bật đèn xanh" và được chính các CLB đồng ý.

Cụ thể là tại Hội nghị BCH VFF lần thứ 3 nhiệm kỳ 6 tổ chức ở Nha Trang, VFF đã công khai vấn đề này và đã nhận được sự đồng ý của số đông các ủy viên BCH, cũng đồng thời là đại diện các CLB. Với sự chứng minh rõ ràng, cụ thể như thế này, những tưởng VPF hoàn toàn không còn gì để nói. Vậy nhưng thực tế là bầu Kiên vẫn cứ nói, và nói với một lý lẽ rằng: "Ý kiến các CLB trong Hội nghị BCH VFF là những ý kiến trong tư cách của những ủy viên BCH, chứ không phải ý kiến trong tư cách đại diện các CLB".

Rốt cuộc để biết VFF đúng hay VPF đúng, chúng tôi đã khảo sát ý kiến của các CLB về vấn đề này. Nhưng lạ là chính các CLB bây giờ cũng mập mờ, ú ớ không biết là rốt cuộc mình đã được VFF hỏi tới hay chưa. Nói như ông cựu GĐĐH Phạm Phú Hòa của ĐT.LA thì "hình như VFF có hỏi", còn nói như đại diện của CLB Bình Dương thì "hình như VFF không hỏi". Riêng ông GĐĐH Phạm Văn Lệ của CLB Vissai Ninh Bình thậm chí còn nói: "Hội nghị đó, chúng tôi không có đại diện tham dự, nên cũng không biết gì".

Vấn đề nằm chính ở chỗ ấy đấy, bản thân các CLB bây giờ cũng ú ớ, không rõ ràng, thế nên thời gian tới họ đồng loạt chứng minh là "đã được VFF hỏi" cũng xong, mà đồng loạt chứng minh là "chưa được VFF hỏi" cũng xong. Nhiều người tin rằng các CLB sẽ chứng minh điều thứ hai, bởi tất cả các CLB bây giờ đều đang là cổ đông của VPF, và bởi ông Kiên đã cam kết rằng sẽ ký được một hợp đồng có giá cao hơn cái giá 6 tỷ một năm mà VFF đã ký với AVG, đồng nghĩa với việc nếu đứng về phía bầu Kiên, các CLB rồi sẽ nhận trở lại nhiều tiền hơn.

Tuy nhiên lại có một sự thật không mấy người để ý, đó là không phải đến năm nay, mà ngay từ năm ngoái AVG đã có bản quyền truyền hình giải VĐQG. Và ngay từ năm ngoái tất cả các CLB tham dự giải VĐQG cũng đã được VFF chia tiền bản quyền truyền hình mà họ được tiếp nhận từ phía AVG. Một khi đã nhận tiền đầy đủ, rõ ràng và không có bất cứ một mảy may phản ứng nào mà bây giờ lại quay ra chứng minh hợp đồng giữa AVG với VFF là vô giá trị thì các CLB liệu có "trở mặt" quá hay không? Và ngay cả khi muốn "trở mặt" thì họ liệu có đủ cơ sở để thực hiện hành vi của mình hay không?

Với những lý lẽ qua lại của các bên, cuộc chiến truyền hình rồi sẽ hạ hồi ra sao vẫn phải chờ đợi thêm, nhưng có điều chắc chắn là một vấn đề lẽ ra có thể được giải quyết một cách nhẹ nhàng, ổn thỏa rốt cuộc đã bị đốt nóng bởi bàn tay của các đại gia. Mà một khi có thể đốt nóng vấn đề truyền hình thì các đại gia cũng có thể đốt nóng nhiều vấn đề khác của BĐVN. Và như thế, giải VĐQG Việt Nam với tên gọi mới "Super League" dự kiến sẽ còn nhiều trò, nhiều cuộc chiến, thậm chí là đại chiến được các đại gia dựng nên để thể hiện uy thế và cả uy lực của mình!


Phan Đăng (CAND)
.