Phóng sự
Cuộc chiến với giặc lửa để giữ rừng ở Hà Tĩnh
14:52, 03/07/2020 (GMT+7)
Từ lâu, dãy núi Mồng Gà như cánh cung chạy dài ôm lấy huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Người dân nơi đây xem dãy núi này như một trong những biểu tượng thiêng liêng của đất Lam Hồng. Những ngày qua, nắng nóng đã liên tục gây cháy rừng ở dãy núi Mồng Gà. Hàng ngàn cán bộ chiến sỹ Công an, Quân đội và nhân dân trên địa bàn đã thức trắng đêm để chiến đấu với giặc lửa. Nhiệt độ cao cộng với sức nóng khủng khiếp từ các đám cháy đã làm không ít người hốc hác, bơ phờ vì mệt. Có những người về đơn vị, về nhà vừa phải truyền nước xong lại quay ra đám cháy để cùng đồng đội giữ rừng…
Xuyên ngày trắng đêm đối đầu với giặc lửa
Khoảng 16 giờ chiều 29-6, đám cháy bắt đầu bùng phát ở địa phận xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, sau đó lan sang xã Sơn Long, và khu vực giáp ranh xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm và các ngành liên quan trên địa bàn hầu hết huy động 100% quân số cùng với người dân và chính quyền địa phương đến hiện trường đám cháy để dập lửa cứu rừng.
Tuy nhiên, do địa hình núi cao, cộng với gió Tây Nam thổi mạnh, nhiều loại cây trên núi do nắng nóng đã bị chết, khô lâu ngày nên đám cháy bùng phát rất nhanh. Sau hàng chục giờ đồng hồ chiến đấu với ngọn lửa hung bạo, lực lượng chữa cháy đã khống chế dập tắt được đám cháy. Do trời nóng, nhiệt độ cao, lại quá vất vả khi cứu rừng một số người tham gia chống cháy rừng đã bị ngất phải đưa về các cơ quan, đơn vị nghỉ ngơi, truyền nước…
11 giờ trưa 30-6, trời nắng như đổ lửa, ngọn lửa âm ỉ lại bùng cháy ở núi Mồng Gà thuộc khu vực xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cùng Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đang chuẩn bị bữa cơm trưa lại tất tả chạy đến Hương Sơn chỉ đạo chống cháy rừng. Đây là lần thứ 3 đám cháy bùng phát trở lại ở khu vực cánh rừng này trong tuần qua.
Lực lượng của Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với quân đội, kiểm lâm tham gia chữa cháy rừng. |
Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Hương Sơn và các đơn vị liên quan Công an tỉnh Hà Tĩnh cùng hơn 200 cán bộ, chiến sỹ thuộc Trung đoàn 841, Đại đội Trinh sát 20, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hương Sơn; hơn 300 dân quân tại chỗ của 5 xã lân cận phối hợp với các lực lượng Biên phòng, kiểm lâm đã không ngại gian khổ có mặt ở hiện trường đám cháy để dập lửa cứu rừng.
Thượng tá Dương Ngọc Tiệp, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, các lực lượng tham gia chữa cháy rừng đã nỗ lực hết sức mình, xuyên ngày, trắng đêm để dập lửa, cứu rừng, nhờ vậy đến khoảng 1 giờ sáng ngày 1-7, các đám cháy tại thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn đã cơ bản được khống chế.
Những ngày qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tối đa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng. |
Chỉ trong vòng 2 ngày 26 và 27-6, rừng tại khu vực xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần bị cháy. Các cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn nỗ lực dập tắt đám cháy, xong vừa về nhà nghỉ ngơi thì đám cháy lại bùng phát trở lại. Vì vậy, những ngày qua, chính quyền địa phương và người dân nơi đây hầu như không nghỉ để canh gác, túc trực việc bảo vệ rừng trước các đám cháy.
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, cho biết, đám cháy đầu tiên xảy ra vào đêm 26-6, ngay khi vừa xảy ra cháy, cơ quan chức năng trên địa bàn đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn lên núi cứu rừng. Đám cháy sau đó được khống chế, dập tắt, thì đến khoảng 17 giờ 30 phút chiều ngày 27-6 đám cháy tại khu vực rừng Thượng Lộc lại bùng phát trở lại.
Cán bộ, nhân dân trên địa bàn cùng các xã lân cận và lực lượng chức năng lại tiếp tục trở lại rừng để dập lửa. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu là rừng thông đang trong thời kỳ khai thác…
Căng mình bảo vệ những cánh rừng
Rút kinh nghiệm các vụ cháy rừng ở những năm trước, ngay từ đầu mùa hè, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các Đội Cảnh sát PCCC&CNCH ở các địa bàn như Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Kỳ Anh tăng cường tập luyện, sẵn sàng các phương án tác chiến, kịp thời có mặt trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi xảy ra cháy.
Bữa trưa bằng bánh mì của các chiến sỹ Cảnh sát PCCC. |
Với đặc trưng địa hình chủ yếu là đồi núi, ngay sau Tết Nguyên đán 2020, lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an huyện Hương Sơn đã luyện tập liên tục và vào đầu đợt nắng nóng, lực lượng chữa cháy đã sẵn sàng trực chiến với “giặc lửa”, phối hợp với các đồn Biên phòng đóng trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng. Vì vậy ngay sau khi xảy ra cháy ở núi Mồng Gà, chỉ sau ít phút, Công an huyện Hương Sơn đã triển khai ngay lực lượng có mặt ở hiện trường để dập lửa cứu rừng.
Mặc dù cháy rừng Mồng Gà trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cơ bản được khống chế, nhưng tại khu vực cháy âm ỉ, tàn tro, để hạn chế tình trạng ngọn lửa bùng phát trở lại, Công an tỉnh Hà Tĩnh vẫn phải huy động cán bộ, chiến sĩ triển khai phương án phòng cháy chữa cháy. Trong hai ngày qua, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh liên tục “trực chiến” phòng ngọn lửa bùng phát trở lại để bảo vệ rừng.
Phút giải lao ngắn ngủi của các chiến sĩ Cảnh sát cơ động tham gia chữa cháy rừng. |
Chiều ngày 1-7, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh, Công an huyện Hương Sơn vẫn đang ứng trực tại hiện trường đã phối hợp cùng các lực lượng khác tập trung triển khai nhiều biện pháp để phòng cháy, chữa cháy. Do nhiều giờ đồng hồ chiến đấu với “giặc lửa”, có cán bộ, chiến sỹ có dấu hiệu mệt mỏi, ngất xỉu buộc phải đưa về cơ sở y tế để truyền nước.
Thiếu tá Nguyễn Anh Đức-Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an huyện Hương Sơn cho biết, để chủ động điều động lực lượng, phương tiện tham gia xử lý hiệu quả các sự cố về cháy rừng, đội đã thực hiện nghiêm túc thường trực sẵn sàng 24/24h; duy trì chế độ trực ban, trực chỉ huy chữa cháy, tăng cường báo động kiểm tra quân số thường trực sẵn sàng chiến đấu khi xảy ra cháy rừng.
Ngay sau khi nhận được tin báo cháy rừng có nguy cơ lan rộng, lãnh đạo Công an Hà Tĩnh đã huy động tối đa lực lượng phân chia thành từng tổ, nhóm công tác để vừa dập lửa cứu rừng, vừa di chuyển người dân khỏi vùng nguy hiểm, bảo vệ tài sản cho bà con. Khi ngọn lừa bùng phát, có nguy cơ cháy lan rộng, lãnh đạo Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với lãnh đạo các đơn vị Quân đội, Biên phòng, Kiểm lâm đóng trên địa bàn điều quân, phương tiện phối hợp chống cháy rừng. Sự hiệp đồng tác chiến trong việc chống cháy rừng giữa Công an Hà Tĩnh với các lực lượng khác đã phát huy hiệu quả.
Chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy rừng ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, diễn biến thời tiết năm 2020 sẽ rất khắc nghiệt, nắng nóng, hạn hán diễn ra gay gắt hơn so với mọi năm. Vì vậy, các địa phương phải tiếp tục tập trung cao nhất các giải pháp phòng chống cháy rừng, nên luôn luôn chủ động về nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ phòng chống cháy rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại những khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng…
Nguồn: CAND