Hình ảnh cho thấy các tháp radar, nhà chứa máy bay do Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Các tuyên bố chủ quyền ngang ngược và phi lý, bóp méo luật pháp quốc tế
Trong diễn biến mới nhất, từ 1-5, Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư nước này. Phạm vi cấm đánh bắt bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Như vậy có thể thấy hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông được tiến hành có hệ thống, bất chấp luật pháp quốc tế. Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa, Trung Quốc tiếp tục áp đặt các yêu sách chủ quyền phi pháp như xây “trạm nghiên cứu” ở Trường Sa, ngang nhiên đặt tên các khu vực quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Tiếp đó, Trung Quốc tự đặt tên khoảng 80 thực thể ở Biển Đông, hải quân Trung Quốc thì hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines, rồi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia.
Mặc dù sau các hành động này, Bắc Kinh luôn tìm cách đổ lỗi, thậm chí đe dọa các nước khác phải trả giá vì gây nên tình hình căng thẳng nhưng dư luận thế giới không ai chấp nhận nghịch lý này.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Đại học Harvard (Mỹ), nhấn mạnh việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với “đường lưỡi bò” chiếm tới gần 80% diện tích Biển Đông là vô lý bởi Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng pháp lý nào đủ thuyết phục, đồng thời vi phạm chủ quyền trên biển của các nước khác được quy định rõ ràng trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Còn theo Tiến sĩ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (Anh), những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực. Ông Bill Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông và Việt Nam”, thì cho rằng thật khôi hài khi chứng kiến Trung Quốc duy trì các tuyên bố chủ quyền nực cười, đồng thời cố gắng viết lại luật pháp quốc tế.
Về tuyên bố của Trung Quốc tự đặt tên cho các thực thể địa lý ở Biển Đông, hãng tin ANNA-News của Nga dẫn ý kiến chuyên gia nước này cho rằng các quốc gia không thể đòi hỏi chủ quyền đối với các chủ thể dưới mặt nước biển nếu như các chủ thể này không nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ điểm xác định gần nhất trên đất liền. Do đó, việc Trung Quốc đặt tên cho các đảo, đá và các thực thể dưới đáy Biển Đông là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế.
Quốc tế phản ứng yêu sách biển mang tính thâu tóm và phi pháp
Chính hành động ngang ngược, công khai đi ngược luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã khiến dư luận thế giới phản ứng mạnh.
Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND, cho rằng dư luận nhìn chung đều nhận định Trung Quốc đã có nhiều hành động “bắt nạt” các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. Theo ông Derek Grossman, các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang.
Không chỉ bày tỏ thái độ phản đối hành động của Trung Quốc như đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa, coi đó là việc làm nguy hiểm và “không thể chấp nhận được”, Tiến sĩ James Rogers , Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (Anh), còn cho rằng các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước có vai trò lớn trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp cần lên án những hành động như vậy.
Đánh giá vai trò quan trọng của Biển Đông khi bảo đảm tới 1/3 lưu lượng vận chuyển hàng hóa của thế giới, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN Igor Driesmans cho rằng việc bảo đảm tự do hàng hải tại khu vực này là điều mà cả thế giới đều cần. Vì thế, ông Igor Driesmans khẳng định cam kết của EU trong việc duy trì trật tự tại các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không.
Với Mỹ, nước có những lợi ích ở Biển Đông, cả Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều nghị sĩ đã lên tiếng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định đó là hành vi bất hợp pháp, gây hại cho các nước trong khu vực. Không chỉ tuyên bố, Mỹ còn có những hành động trên thực tế nhằm bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo thông tin từ Hải quân Mỹ, cuối tháng 4 vừa rồi, tuần dương hạm USS Bunker Hill của Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) quanh khu vực quần đảo Trường Sa. Cùng thời gian đó, tàu khu trục Mỹ USS Barry cũng tiến hành FONOP ở quần đảo Hoàng Sa. Đây là chuỗi hành động của Mỹ nhằm phản ứng “yêu sách biển mang tính thâu tóm và phi pháp ở Biển Đông”.
Không quân Mỹ thì điều động máy bay ném bom B-1 Lancer cất cánh từ căn cứ Ellsworth (bang South Dakota, Mỹ), với sự hỗ trợ của máy bay tiếp nhiên liệu, bay đến Biển Đông.
Đây là sứ mệnh phối hợp trong chương trình hành động của nhiều đơn vị tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh Mỹ điều chỉnh lực lượng rút các máy bay ném bom B-1 Lancer khỏi căn cứ trên đảo Guam đưa về nước, hành động trên nhằm tái khẳng định cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh trong khu vực.