Thứ Tư, 06/05/2020, 10:09 [GMT+7]

Kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ còn tiếp tục phức tạp và căng thẳng hơn trong tương lai, nhất là những đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và đi liền với đó là toan tính dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì song hết sức kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình.

Chúng ta luôn kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở Biển Đông
Chúng ta luôn kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở Biển Đông

Bác bỏ tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông bằng sức mạnh vũ lực 

Biển Đông có vị trí địa - chính trị quan trọng toàn cầu, tuyến vận tải biển huyết mạch trên thế giới nhiều năm nay đã trở thành một điểm nóng về an ninh và ổn định cũng như tự do hàng hải, hàng không do tranh chấp chủ quyền của các bên liên quan. Đặc biệt là sau khi Trung Quốc chính thức công khai yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”) vào năm 2009 mà theo đó đơn phương đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông.

Biển Đông có tổng diện tích khoảng 3,5 triệu km2 cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thủy sản dồi dào từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là nơi diễn ra cuộc tranh chấp “5 nước 6 bên” gồm: Brunei, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử. 

Đòi hỏi chủ quyền phi lý theo yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Mọi đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” hay học thuyết “Tứ Sa” đưa ra năm 2013 đã bị  Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), căn cứ theo luật pháp quốc tế, đã bác bỏ trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc.

Bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, song Trung Quốc đã theo đuổi tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông bằng sức mạnh vũ lực. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, cưỡng chiếm một số thực thể, bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.

Trung Quốc sau khi bị PCA bác bỏ đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông lại càng tỏ ra công khai hơn trong việc dùng sức mạnh vũ lực để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp tại vùng biển này.

Không chỉ bồi đắp, cải tạo những hòn đảo, thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự làm bàn đạp cho việc đòi hỏi chủ quyền, Trung Quốc còn dùng sức mạnh của đội tàu hải cảnh, hải giám để hậu thuẫn cho giàn khoan Hải Dương 981 (năm 2014) và Hải Dương 8 (năm 2019) những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cũng như tiến hành các hoạt động gây hấn, bắt nạt ở Biển Đông.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo

Với bờ biển dài hơn 3.200 km, khoảng 4.000 hòn đảo và có tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2 theo UNCLOS 1982, Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2 (chiếm gần 30% diện tích Biển Đông, gấp 3 lần diện tích đất liền), Biển Đông có ý nghĩa sống còn với nước ta. Biển, đảo từ hàng ngàn năm nay là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. 

Kế thừa và phát triển ý thức chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của ông cha trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, cũng như nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về biển, đảo. Quản lý, khai thác đi đôi với bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, làm cho đất nước giàu mạnh là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của nước ta.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông do những tham vọng đòi chủ quyền phi pháp, chúng ta luôn chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. 

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông còn lâu dài, phức tạp và không dễ giải quyết, vì thế công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài đối với nước ta. Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp. 

Dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp, để đấu tranh kiên quyết hơn nữa đối với các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tuyên truyền trong và ngoài nước.

Đặc biệt, mỗi khi phải đối mặt với tình huống phức tạp, căng thẳng, các lực lượng trên biển của chúng ta luôn nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một ly không rời”; thực hiện đúng đối sách, phương châm, tư tưởng chỉ đạo; khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự trên biển; không để xảy ra xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước.

 

.

Nguồn: Hoàng Tuấn/ANTĐ