Phóng sự
'Tượng đài V.I. Lê-nin là địa chỉ đỏ tại thành phố Vinh'
(Congannghean.vn)-Cách đây gần 3 năm, tỉnh U-li-a-nốp, quê hương của V.I. Lê-nin, đã tiến hành xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn Nghệ An sang Liên bang Nga để chủ trì lễ khánh thành. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang triển khai xây dựng Tượng đài V.I. Lê-nin ở khu vực trung tâm thành phố Vinh. Nhân sự kiện này, Báo Công an Nghệ An có bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Sơn.
PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí chia sẻ về kỉ niệm, cảm xúc của mình khi làm Trưởng đoàn sang Nga để tổ chức lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U-li-a-nốp vào năm 2017?
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn: Thế hệ chúng tôi sinh ra trong chiến tranh, thuở nhỏ được biết đến nước Nga cũng như Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết qua các tác phẩm văn học Nga nổi tiếng, có lí tưởng nhân văn cao cả như: "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Nhi-cô-lai Ô-strốt-xki, "Chiến tranh và Hòa bình" của Đại văn hào Lep Tôn-stôi, hay những áng thơ về tình yêu và tự do của Mặt trời thi ca Nga - Pu-skin… Đó là những hình ảnh gợi về một nước Nga có nền văn hóa và lịch sử sâu dày với những cảnh quan tuyệt mỹ, người dân Nga thuần hậu với tấm lòng bao dung nhưng rất đỗi kiên cường, anh dũng trong các cuộc đấu tranh vệ quốc mà nổi bật là Cuộc cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại. Chính cuộc cách mạng đó đã tạo nên những kỳ tích trong lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại, đánh dấu sự ra đời và phát triển của Chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu là giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ thiên tài Vla-đi-mia I-lích Lê-nin. Nước Nga, người bạn lớn của Việt Nam đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Lễ khánh thành Quảng trường và Tượng đại Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U-li-a-nốp, ngày 06/6/2017 |
Năm 2017, tôi vinh dự được cử làm Trưởng đoàn công tác tỉnh Nghệ An sang thăm, làm việc tại Nga, chuyến đi đó là trải nghiệm tuyệt vời, kỷ niệm khó phai trong tôi khi được cảm nhận từng cảnh quan nổi tiếng, được đón nhận tình cảm thân thiện của những người bạn Nga - trong tôi dấy lên niềm ngưỡng mộ thực sự. Cũng thật vinh dự khi chúng tôi được giao một nhiệm vụ lớn lao đó là tổ chức Lễ khánh thành công trình Quảng trường và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất tại thành phố U-li-a-nốp, tỉnh U-li-a-nốp, Liên bang Nga theo Đề án "Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài".
Ngay khi Đoàn Nghệ An đặt chân đến thành phố U-li-a-nốp, chúng tôi đã rất ấn tượng với việc Lãnh đạo tỉnh đón Đoàn tại sân bay vào lúc 2 giờ sáng trong giá rét với nghi lễ truyền thống chân tình, ấm áp cùng hoa tươi, bánh mỳ và muối. Chỉ một thời gian ngắn nhưng chúng tôi đã cảm nhận rất rõ tình cảm yêu mến, kính trọng của Lãnh đạo và nhân dân tỉnh U-li-a-nốp dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tỉnh U-li-a-nốp đã hiện thực hóa tấm lòng đó bằng việc quyết định chọn vị trí đẹp nhất tại ngã tư Đại lộ Hồ Chí Minh - Phố Ka-mi-sin-xka, quận Da-snia-xít-ki, thành phố U-li-a-nốp để xây dựng Quảng trường và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc thiết kế mẫu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được giao cho nghệ nhân điêu khắc Nga An-na Tô-lê-vích. Với niềm ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và bằng tài hoa của mình, nghệ nhân An-na Tô-lê-vích đã tạc bức tượng Hồ Chí Minh bằng đồng, không những đảm bảo tính mỹ thuật, mà còn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật toát lên được vẻ đẹp cương nghị mà hiền hòa, dung dị, của Người.
Quá trình xây dựng, Lãnh đạo Chính quyền tỉnh U-li-a-nốp hết sức quan tâm, thường xuyên kiểm tra tiến độ và chất lượng công trình. Trước ngày tổ chức lễ khánh thành, Ông Xe-rờ-gây Mô-dô-rốp, Thống đốc tỉnh U-li-a-nốp vẫn trực tiếp đến kiểm tra công tác chuẩn bị.
Chính quyền và nhân dân tỉnh U-li-a-nốp còn dành cho Bác Hồ những tình cảm đặc biệt như đổi tên Trường Trung học Phổ thông số 76, thành phố U-li-a-nốp thành “Trường THPT số 76 thành phố U-li-a-nốp mang tên Hồ Chí Minh”; khai trương phòng trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường với nhiều hình ảnh và tư liệu về Người.
Lễ kỉ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố U-li-a-nốp |
Tình cảm của chính quyền và nhân dân tỉnh U-li-a-nốp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương của Người còn thể hiện thông qua việc trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam nói chung cũng như người Nghệ An nói riêng đối với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh U-li-a-nốp. Chính quyền tỉnh U-li-a-nốp có mối quan hệ chặt chẽ với “Hội người Việt Nam đoàn kết” tại U-li-a-nốp để tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, công tác và học tập tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của tỉnh U-li-a-nốp.
Ngày khánh thành công trình là một ngày hội lớn không chỉ của cộng đồng bà con kiều bào ta đang sinh sống, công tác và học tập tại đây mà còn của cả người dân U-li-a-nốp. Bạn cùng chúng ta hồ hởi tham gia các hoạt động trong chương trình của buổi lễ, thành kính đặt những bó hoa tươi thắm lên vị trí trang trọng của Quảng trường để thể hiện tình cảm yêu quý đối với Bác Hồ và tình hữu nghị Việt - Nga. Bà Ê-mi-na, một cư dân sống trong khu vực cạnh Quảng trường Hồ Chí Minh tham dự buổi lễ đã vui mừng bày tỏ cảm nghĩ của mình về sự kiện trọng đại này: “Buổi lễ được tổ chức thật trang trọng và tuyệt vời. Tôi đã sống ở con phố này từ lâu và rất vui mừng vì tại đây xuất hiện tượng đài của một con người kiệt xuất của dân tộc Việt Nam”.
Lễ khánh thành Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh năm 2017 là một sự kiện có ý nghĩa chính trị - văn hóa vô cùng to lớn và sâu sắc. Ông Xe-rờ-gây Mô-dô-rốp, Thống đốc tỉnh U-li-a-nốp đã dự và có bài phát biểu quan trọng. Mở đầu bài phát biểu về sự kiện này, ông nói: “Hôm nay tại một trong những địa điểm đẹp nhất của U-li-a-nốp, trong bầu không khí long trọng và vui tươi của buổi lễ, chúng ta khai trương tượng đài người con huyền thoại của dân tộc Việt Nam, một con người kiệt xuất trong thế kỷ XX, vị Chủ tịch đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hồ Chí Minh”. Ông Xe-rờ-gây Mô-dô-rốp đánh giá quan hệ hợp tác giữa Nga và Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời khẳng định: “Việc khánh thành Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh sẽ trở thành một sự kiện không thể nào quên trong lịch sử tỉnh U-li-a-nốp năm 2017; đây là món quà vô giá mà tỉnh Nghệ An đã dành cho tỉnh U-li-a-nốp”.
PV: Thưa đồng chí, vậy việc xây dựng tượng đài V.I. Lê-nin tại trung tâm TP Vinh có ý nghĩa như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn: Từ những năm 90 của thế kỷ XX, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tỉnh U-li-a-nốp, quê hương của Lãnh tụ V.I. Lê-nin đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị hợp tác. Gần 30 năm qua, dù cách xa về mặt địa lý nhưng hai tỉnh thường xuyên tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác hữu nghị. Để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đó, tỉnh U-li-a-nốp mong muốn tặng tỉnh Nghệ An bức tượng của Lãnh tụ V.I. Lê-nin.
Phối cảnh các góc nhìn công trình Tượng đài V.I. Lê-nin tại TP Vinh |
Trên cơ sở đề nghị của Chính quyền tỉnh U-li-a-nốp và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã lãnh đạo triển khai các bước theo qui định (họp bàn thống nhất chủ trương, có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương…), trực tiếp báo cáo và được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng Tượng đài V.I. Lê-nin tại Thành phố Vinh. Hiện công trình đang được triển khai tại vườn hoa nằm ở điểm đầu Đại lộ V.I. Lê-nin, giao với đường Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh, đây là địa điểm trang trọng, phù hợp cảnh quan của thành phố.
Việc tỉnh U-li-a-nốp, quê hương của V.I. Lê-nin, tặng tượng Lãnh tụ V.I. Lê-nin cho tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nghĩa cử cao đẹp nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai tỉnh và góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.
Công trình Tượng đài V.I. Lê-nin tại thành phố Vinh là biểu trưng của tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Nga, đồng thời là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật, thể hiện tình cảm thiêng liêng của nhân dân hai tỉnh dành cho nhau; là “địa chỉ đỏ” đối với du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến thành phố Vinh. Hơn thế nữa, từ những hoạt động ngoại giao văn hóa này, hai tỉnh sẽ gắn kết hơn trong các hoạt động hợp tác song phương như: kết nối tuyến du lịch hành trình đỏ U-li-a-nốp - Xanh-pê-téc-bua - Mát-xcơ-va - Hà Nội - Nghệ An - TP. Hồ Chí Minh, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về đầu tư, thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo…
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Bình Minh (thực hiện)