(Congannghean.vn)-Nhắc đến công việc của những người lính làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), người ta vẫn thường nói đó là nghề mà người khác chạy ra thì lính cứu hỏa lại chạy vào - chạy vào trong biển lửa để cứu những cái còn trong cái mất. Chừng ấy thôi cũng đủ để hình dung một cách chân thực nhất về những vất vả, hiểm nguy mà những người lính cứu hỏa đang phải đối mặt.
CBCS Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 1 tham gia chữa cháy xưởng sản xuất, chế biến gỗ ở TP Vinh |
Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng nhớ lại giây phút bị ngất đi do ngạt khói trong khi tham gia chữa cháy tại chung cư Tân Thịnh (phường Vinh Tân, TP Vinh), Trung úy Hồ Đình Khánh không khỏi rùng mình. 8 năm vào ngành, 3 năm công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Nghệ An, Trung úy Khánh đã tham gia chữa cháy hàng trăm vụ cháy, giải cứu hàng chục người thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng đó là lần đầu tiên đồng chí Khánh giải cứu nhiều người như thế. Đã có 12 người, trong đó có 4 cháu nhỏ được anh giải cứu từ các tầng 7 đến tầng 13 ra khỏi hiện trường.
Vụ cháy chung cư Tân Thịnh xảy ra vào rạng sáng 6/11/2019 khiến hàng trăm người hoảng loạn, tháo chạy trong đêm. Rất nhiều nạn nhân sinh sống từ tầng 7 trở lên, nhất là những gia đình có người già, trẻ nhỏ mắc kẹt không thể ra khỏi hiện trường. Chỉ đến khi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt, họ mới được giải cứu một cách an toàn.
Trong số những lính cứu hỏa làm nhiệm vụ hôm đó, Trung úy Hồ Đình Khánh bị ngạt khói khi đang làm nhiệm vụ. Do quá trình di chuyển liên tục, hít nhiều khói độc giữa các tầng, đồng chí Khánh đã bị ngất. Rất may, đồng chí được lực lượng y tế và đồng đội kịp thời sơ cứu và đưa vào bệnh viện thở oxy nên đã nhanh chóng hồi phục.
“Sau khi lên tầng 7, phát hiện phòng 710 có 1 người già và 2 mẹ con, tôi hướng dẫn mẹ cháu bé nhúng khăn ướt để trùm cho cháu, sau đó tôi bế cháu nhỏ và hướng dẫn người nhà ra ngoài. Sau khi đưa được 3 người xuống dưới an toàn, tôi tiếp tục lên tầng 9 và tầng 13 giải cứu các trường hợp khác. Tuy nhiên, khi đến tầng 12, do khói quá nhiều không nhìn thấy đường, bình khí hết nhiên liệu nên tôi phải dùng khăn ướt, bịt mũi tìm cách di chuyển lên tầng theo hướng khác. Lúc này trên tầng 13 có 5 người bị mắc kẹt, tôi bế 2 cháu nhỏ 2 bên rồi đi xuống. Đến tầng 9, chiếc khăn ướt bị rơi, lúc này phần vì bị kiệt sức, phần vì hít nhiều khói độc nên vừa bàn giao 2 cháu nhỏ cho đồng đội thì tôi không biết gì nữa”, đồng chí Khánh chia sẻ.
Chứng kiến đồng chí Khánh cõng trên lưng bình khí 12 kg, trên tay bế các em nhỏ lần lượt chạy xuống rồi lại chạy lên mười mấy tầng, mồ hôi nhễ nhại, cố gắng trao tận tay 2 đứa bé cho đồng đội, chúng tôi không khỏi xúc động. Người chiến sỹ trẻ lao vào trong biển lửa để cứu người, dẫu biết sẽ gặp nguy hiểm, sẽ bị thương nhưng sinh mạng của những người dân khiến anh không được phép do dự.
Chỉ cách đó không lâu, trong ngày 16/10/2019, TP Vinh hứng chịu trận mưa lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Mưa lớn khiến giao thông tê liệt hoàn toàn, đường phố biến thành sông, nhiều nơi bị ngập sâu. Trung úy Hồ Đình Khánh đã không ngại hiểm nguy, ngâm mình trong biển nước để cứu 2 mẹ con chị Lê Thị Tuyết mắc kẹt trong nhà. Mưa lớn khiến nhà của chị Tuyết bị ngập sâu, nước dâng cao gần 2 m, nhấn chìm toàn bộ tài sản của gia đình. Lúc này chỉ có chị Tuyết và cháu bé 18 tháng tuổi ở nhà. Chị chỉ còn cách bế cháu lên ngồi trên nóc tủ để lánh nạn. Nhận được tin báo, đồng chí Khánh cùng đồng đội đã dùng dây cứu nạn di chuyển vào nhà kịp thời giải cứu 2 mẹ con.
Trung úy Hồ Đình Khánh giải cứu 2 mẹ con bị mắc kẹt trong trận “đại hồng thủy” ngày 16/10/2019 |
Viết về những người lính cứu hỏa, nhạc sỹ, nghệ sỹ ưu tú Doãn Tiến đã ca ngợi họ là những người lính “cứu được cái còn trong cái mất”. Trong đám cháy nào cũng có những mất mát, thiệt hại về tài sản và cả tính mạng con người. Và để cứu những thứ còn lại trong mất mát đó, những người lính cứu hỏa phải dấn thân, thậm chí có thể hy sinh để làm sao bảo vệ được tính mạng, cứu được nhiều tài sản nhất cho nhân dân. Trên mặt trận không tiếng súng nhưng mỗi lần xung trận là những lần đối diện với hiểm nguy.
Hồi tháng 9/2019, Đội Cảnh sát chữa cháy và CNCH số 7, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhận tin báo có một đối tượng ôm bình gas loại 12 kg cố thủ trong nhà. Rất nhanh chóng, lực lượng PCCC có mặt kịp thời khống chế đối tượng. Khi thấy lực lượng chức năng, đối tượng đã mở van xả khí gas ra ngoài và dọa đốt để đe dọa, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ. Lực lượng PCCC đã phun nước làm giảm nồng độ khí gas, không để xảy ra sự cố cháy, nổ, đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ lẫn người dân sống gần khu vực này. Trong lúc giằng co, khống chế đối tượng, Thiếu tá Nguyễn Hữu Thắng, Đội trưởng đã bị thương ở vai. Dù vết thương chảy máu nhưng anh vẫn nén đau, kiên quyết khống chế, ngăn không để đối tượng đốt cháy bình gas. Chỉ đến khi đối tượng được khống chế hoàn toàn, Thiếu tá Thắng mới được đồng đội đưa đến bệnh viện để xử lý vết thương.
Đâu chỉ có Trung úy Hồ Đình Khánh, Thiếu tá Nguyễn Hữu Thắng, hầu hết các chiến sỹ Cảnh sát PCCC mà tôi gặp đều là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ nhưng luôn mong muốn cống hiến sức mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Tôi còn nhớ trong lễ trao thưởng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH về thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác chữa cháy rừng vào đầu tháng 7, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh đã không giấu được sự xúc động khi nhắc đến sự dũng cảm, gan dạ của những chiến sỹ Cảnh sát PCCC. Đó là những chiến sỹ trẻ nhưng khi vào cuộc chiến lại rất đỗi kiên cường. Đó cũng chính là biểu tượng cao đẹp về người chiến sỹ Công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng khi nói về mình, họ lại hết sức khiêm tốn. Bởi đơn giản với họ, đó là nhiệm vụ, mà đã là nhiệm vụ thì trong hoàn cảnh nào cũng phải hoàn thành một cách tốt nhất. Và đó cũng là cách những người lính thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng Cảnh sát PCCC: “Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ trong bất kỳ tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân”. Lời dặn của Người cũng chính là mệnh lệnh chiến đấu của những chiến sỹ Cảnh sát PCCC. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường để các thế hệ Cảnh sát PCCC nói riêng và CBCS Công an Nghệ An nói chung học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo tấm gương của Người.