Tôi vừa có dịp được chứng kiến gần 300 trí thức Việt Nam đến Paris từ nhiều nước trên thế giới để cùng bàn về một việc: Làm sao đóng góp cho đất nước được hiệu quả hơn – nâng tầm cho thương hiệu Việt.
Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu” (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF) lần đầu tiên được tổ chức ở Paris - Pháp vào hai ngày 30 và 31-3 vừa rồi, với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho thấy một dấu hiệu thực sự tích cực trong chiến lược thu hút nhân tài, một chiến lược lâu dài của Việt Nam suốt nhiều năm qua. Đánh giá đúng vai trò của người Việt ở hải ngoại, trân trọng tài năng và đóng góp của họ cho thế giới là một bước mở để nhân tài nhận ra rằng Chính phủ đang trọng vọng họ thế nào. |
Với cá nhân tôi, việc bàn đến thương hiệu Việt có vẻ đã cũ. Cũ vì chúng ta đã bàn từ nhiều năm. Bàn rồi, nói đến nhiều giải pháp và phương hướng có vẻ khả thi rồi. Vậy đem ra bàn lại, mà không có gì mới, thì đành phải gọi là cũ.
Tuy thế, điều khiến tôi ngạc nhiên là số lượng người đến tham gia khá đông dù ban tổ chức không thể tài trợ. Nhiều người đến tự túc. Tự lo vé máy bay, thậm chí cả ăn ở. Điều này chỉ ra rằng, việc đóng góp trí tuệ và mong muốn được nhìn thấy quê hương phát triển thực sự là tha thiết trong nhiều người.
Cách đây không lâu, tôi đọc một bài báo viết về một Việt kiều sinh sống tại Mỹ, sau khi đã thành công, ông chọn quay lại quê hương để nghiên cứu và giúp bà con nông dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhiều doanh nghiệp của ông đã được gây dựng và thành công. Tôi không muốn nhắc tên ông – vì tôi nghĩ ông chỉ là một trong những trí thức yêu nước. Có thể tâm huyết hơn, thành công hơn và may mắn hơn. Nhưng tôi không thấy ông là duy nhất.
Ngược lại dòng lịch sử của Việt Nam, trong bất cứ giai đoạn nào, ta cũng thấy mong muốn được cống hiến cho đất nước là nỗi niềm của tầng lớp trí thức. Vậy để đáp lại những điều tâm huyết ấy, chúng ta có thể làm gì để tận dụng hết nguồn năng lực ?
Có một điều tôi nghĩ rất dễ để nhận ra là người Việt có tinh thần dân tộc rất mạnh. Nó thể hiện ở nhiều trạng thái, tích cực có, tiêu cực có, nhưng tinh thần ấy đã từng là điểm tựa cho nhiều thế hệ, giờ đây cũng không khác.
Trong buổi gặp mặt của những trí thức Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, tôi có hỏi nhiều bạn là sao tha thiết với việc đóng góp cho đất nước thế mà không về ? Vì vật chất ở nước ngoài tốt hơn, hay vì điều gì khác ? Câu trả lời hầu như đều là không thích ứng được với cơ chế, với những phức tạp của các thủ tục ngoài chuyên môn, những điều khiến người ta mệt mỏi.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi |
Tôi cũng lấy ví dụ về những trí thức đã về, đã tái lập nghiệp hoặc bán thời gian dành cho các dự án trong nước. Câu trả lời vẫn là cần phải có thời gian để thích ứng được với cơ chế hoặc chờ đợi cơ chế thoáng hơn chút nữa.
Hài nhỉ ?
Cơ chế là con ngáo gì mà khiến người ta sợ hãi thế?
Có một điều có thể thấy rõ rằng những trí thức đã trở về, nếu làm việc độc lập, tự gây dựng sự nghiệp, đều dễ dàng thành công hơn những người đứng trong bộ máy nhà nước.
Tôi không nghĩ là chúng ta không trọng người tài, bằng chứng là việc mở cửa và chào đón các nguồn nhân lực trí tuệ là có. Chỉ có điều chúng ta chưa tự cởi những nút ràng buộc khiến ngay cả việc chào đón rồi cũng dễ vấp phải những khó khăn khiến đầu voi đuôi chuột.
Riêng nước Pháp có gần 45 ngàn người Việt Nam sinh sống, trong số đó rất nhiều các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành là người gốc Việt. Người viết văn cũng viết về xã hội và những số phận người Việt tại Pháp.
Hoạ sĩ cũng vẽ về những câu chuyện trong lịch sử Việt Nam, nhạc sĩ nổi tiếng cũng viết nhạc trên chất liệu dân tộc, người nghiên cứu xã hội cũng nghiên cứu về những trang sử của Việt Nam... nhiều lắm. Điều này càng cho tôi thấy rằng bản sắc và nỗi niềm tha thiết với nơi mà người ta sinh ra là rất khó xoá.
Liệu có hay không một tầng lớp trí thức lấy tình yêu nước làm điểm tựa để vượt qua những nỗi e ngại về cơ chế? Tôi nghĩ là có. Bằng chứng là càng ngày càng nhiều người trở về để tham gia vào những dự án trong nước. Bằng chứng cũng là nhiều người đã đến để gặp nhau tại Paris, nói về những nỗi niềm mà họ đau đáu và mong muốn tìm được một phương hướng.
Việc còn lại là làm gì, để bầu nhiệt huyết ấy luôn được ấm nóng, không nguội dần do gặp phải những gáo nước lạnh từ cơ chế ?
Điều này, tôi nghĩ là mấu chốt của nhiếu vấn đề khúc mắc mà bắt buộc phải trả lời và tìm ra được cách giải quyết. Lực lượng trí thức người Việt ở nước ngoài ngày một đông, có lẽ nào chúng ta chịu để chảy máu hết chất xám?
Tôi biết, tôi cũng lại nói một điều đã cũ, chẳng có gì mới. Chỉ hy vọng là nó sẽ khác, chắc chắn phải thay đổi.