Họ đặt ra câu hỏi, khi còn nhiều chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh chưa được lắp đặt camera bên trong thang máy, hoặc có trang bị nhưng tác dụng chưa cao thì cần xử lý ra sao...
Chung cư, cao ốc còn thiếu camera
Tại chung cư Ehome 2 Đông Sài Gòn, phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh, người dân vẫn bàn tán xôn xao về kẻ biến thái khi có hành vi sàm sỡ một bé gái tại quận 4. Chung cư này của Tập đoàn Nam Long làm chủ đầu tư, đưa vào khai thác năm 2010, giá hiện nay chừng 1,2 tỷ đồng một căn hộ.
Thang máy tại 5 block ở đây đều không có trang bị camera bên trong, không có thẻ từ để "quẹt" trong thang máy. Bên ngoài thang máy tại các "lốc" tòa nhà chỉ có bảo vệ ngồi giám sát. Điều này dấy lên lo ngại về tính an toàn của các em gái khi đi một mình trong thang máy bởi không có camera theo dõi nếu các cháu xảy ra sự cố bị "tấn công".
Cách vài trăm mét, chung cư Fuji Residence cũng của Tập đoàn Nam Long, giá khoảng hai tỷ đồng một căn hộ tùy theo diện tích, hiện đại hơn chung cư Ehome 2 khi có thêm hồ bơi, được đưa vào sử dụng ba năm nay. Thang máy của chung cư này phải có thẻ từ mới vào được. Tuy nhiên, bên trong thang máy cũng không thấy gắn camera quan sát. Sau vụ việc tại quận 4 mới đây, nhiều phụ huynh có con gái nhỏ rất lo lắng khi các cháu đi một mình trong thang máy.
Trên nhóm "chát" của cư dân tại chung cư Fuji Residence (đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9), do Tập đoàn Nam Long làm chủ đầu tư, một cư dân chia sẻ chuyện đi thang máy tại một chung cư tại quận Bình Thạnh bị kẹt cứng, may mà thoát chết. Nguyên nhân là chung cư nọ thiếu camera bên trong thang máy khi mọi người di chuyển.
Trở lại thang máy của chung cư đang sống, cư dân này bộc bạch: "Nên hôm nay mọi người đi thang máy nhớ dòm xem có cái camera không nhé? Nếu chưa thì chúng ta phải kiến nghị thôi, vì sự an toàn của mình và người thân. Mình mong chung cư Fuji sẽ không xảy ra điều gì đáng tiếc như những "câu chuyện thang máy" gần đây rồi chúng ta mới hành động".
Camera gắn trong thang máy ở chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). |
Tại quận 2 khi đang nở rộ chung cư "như nấm sau mưa" dọc đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống… thì nhiều chung cư cũng không có "mắt thần" trong camrera chung cư. Chẳng hạn, chung cư Đức Khải không có màn hình bên trong thang máy, và cả hành lang các căn hộ, nên kẻ gian còn cuỗm luôn cả giày dép của cư dân đặt phía trước căn hộ mình ở.
Trong khi đó, thang máy tại nhiều tòa cao ốc, trung tâm thương mại cho đến đường bộ thoát hiểm tại quận 1, quận 3… mà chúng tôi khảo sát vẫn đều thiếu camera bên trong. Đây là kẽ hở để kẻ xấu làm liều.
Một số chung cư có camera bố trí trong một phòng dưới tầng hầm, cạnh bãi giữ xe của cư dân. Họ quan sát được bên trong thang máy. Tuy nhiên, chỉ đến khi phát hiện ra "sự cố", họ mới dùng bộ đàm gọi cho nhân viên bảo vệ đi thang máy đến các tầng.
Theo nhiều cư dân thì khi đó "sự cố" đã xảy ra mất rồi, không còn tính răn đe hay phòng ngừa. Lẽ ra, ngoài màn hình camera phía trước thang máy, bảo vệ phải ngồi trực tại đó thì mới ứng cứu kịp thời.
Chúng tôi đã liên hệ với đại diện các chủ đầu tư là một số công ty bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, nhằm tìm hiểu về việc vì sao vẫn chưa lắp đặt camera an ninh bên trong thang máy sau các sự cố "bên trong thang máy" vừa qua.
Nhiều công ty đã né tránh câu trả lời nhưng mấu chốt vấn đề là họ muốn tiết giảm chi phí, không muốn tăng tiền lắp ráp thiết bị vào giá thành căn hộ để cạnh tranh với nhau. Có công ty thì đổ lỗi cho ban quản lý chung cư khi họ đã bàn giao căn hộ cho khách vào ở là hết trách nhiệm. Nhưng nói gì thì nói, vấn đề camera phải được tính đến từ khi xây dựng để khi mở bán, khách hàng sẽ yên tâm hơn là cách tiết giảm chi phí, tránh né trách nhiệm như hiện nay.
Chung cư tại quận 9 không có camera trong thang máy. |
Chi phí không cao
Một số chung cư cũ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cũng mới được gắn camera từ năm 2018. Chung cư Cửu Long (phường 13, quận Bình Thạnh) đã trang bị camera và có bộ phận bảo vệ quan sát mỗi ngày. Trong khi đó, "già nua" như chung cư Miếu Nổi (đường Vũ Huy Tấn, phường 3, quận Bình Thạnh), có 5 tầng dành cho tái định cư, cao 18 tầng đã gắn camera bên trong thang máy từ tháng 9-2018.
Ông Phạm Phương - Trưởng ban Quản lí chung cư Miếu Nổi cho biết, tại đây có ba lô A, B, C, mỗi lô có hai thang máy và đều có camera bên trong. Trước cửa thang máy đều có bảo vệ ngồi trực, quan sát hệ thống camera bên trong từng thang máy, dọc hành lang các tầng…
Khi xảy ra sự cố, bên trong thang máy có thể nói chuyện với bảo vệ bên ngoài. Việc đặt bảo vệ ngồi "gác" trước thang máy, quan sát camera bên ngoài còn có ý nghĩa là răn đe, phòng ngừa tội phạm, hoặc các kẻ biến thái không để chúng có "đất diễn".
Anh Đặng Văn Nghĩa (SN 1963), Tổ trưởng bảo vệ tại chung cư này tiết lộ, một số bậc phụ huynh thường nhờ bảo vệ ba tòa nhà quan sát giúp các cháu gái khi đi thang máy một mình và lên căn hộ ở các tầng lầu.
Bảo vệ chỉ cần nhìn vào camera phóng to là thấy tình hình bên trong thang máy. Tổ bảo vệ ở đây gồm sáu người, chia làm hai ca trực trong ngày nên chưa để xảy ra sự cố nào. Ngoài cư dân đã quá quen mặt, khách lạ vào thang máy đều được ghi lại số CMND, hoặc có người nhà đưa lên bằng thẻ từ.
Trong khi đó, một số căn hộ của Novoland tại quận Phú Nhuận như: Garden Gate (8 đường Hoàng Minh Giám), Golden Mansion (119 đường Phổ Quang)… đều trang bị camera bên trong thang máy. Đại diện công ty này cho biết, không chỉ tại quận Phú Nhuận, mà dự án đang xây dựng hoặc đi vào khai thác tại các quận khác trong thành phố thì yếu tố đầu tiên là phải trang bị camera bên trong thang máy vì điều đó sẽ bảo vệ cho chính con em của cư dân, hoặc giám sát khách vãng lai tới các chung cư này.
Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại kỹ thuật Việt Nét (đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP Hồ Chí Minh), là nhà phân phối chính thức sản phẩm camera mang thương hiệu Wisenet của Hanwha Techwin (Hàn Quốc), sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh cho biết, giá của một camera trang bị trong thang máy của chung cư chỉ 2,4 triệu đồng.
Tiền cáp tải đặt trong thang máy là 10 triệu đồng, thêm tiền trang bị đầu "ghi", mở được trên 10 màn hình là 16 triệu đồng. Như vậy, thiết bị camera trang bị trong thang máy tại các chung cư chỉ trên 28 triệu đồng cho một camera. Khi đặt nhiều "mắt" camera thì chi phí tiền cáp, đầu "ghi"…. sẽ giảm xuống. Đây là điều mà các chủ đầu tư, ban quản lý các chung cư nên tính đến vì giá thành không còn cao nữa, mà lại hiệu quả.
Nhiều thang máy còn chưa gắn "mắt thần". |
Ứng phó với kẻ sàm sỡ
TS Đoàn Văn Báu - Chuyên gia tâm lý tội phạm tại TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, để hạn chế các vụ dâm ô, sàm sỡ trong thang máy hoặc nơi vắng, có năm cách chính sau đây. Thứ nhất, hạn chế để trẻ đi một mình ở nơi vắng vẻ.
Thứ hai, không những chỉ dạy trẻ cảnh giác với người lạ, mà còn kể cả người thân quen, trừ cha mẹ, ông bà, anh chị ruột thịt. Thứ ba, tập cho trẻ thói quen xin phép trước khi đi đâu với ai, cho dù là người quen, khi trẻ về phải biết cách gợi hỏi để trẻ kể lại quá trình đó.
Thứ tư, thị phạm cho trẻ cách xử lí khi phải đi một mình ở những địa điểm thiếu an toàn bằng tình huống thực tế. Thứ năm, nếu có điều kiện nên trang bị cho trẻ thiết bị định vị, báo động để kịp thời ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Đó cũng là trăn trở của nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ, nhất là bé gái khi đi vào thang máy không chỉ ở chung cư, mà còn tại các cao ốc, trung tâm thương mại khi cha mẹ không có điều kiện đi cùng. Do đó, việc lắp đặt camera với chi phí không cao, cắt cử nhân viên bảo vệ ứng trực thường xuyên tại các nơi này phải được các chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà quan tâm đúng mức. Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".