Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201903/nhung-phu-nu-het-long-vi-nguoi-dung-842749/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201903/nhung-phu-nu-het-long-vi-nguoi-dung-842749/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những phụ nữ hết lòng vì... người dưng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 08/03/2019, 09:09 [GMT+7]

Những phụ nữ hết lòng vì... người dưng

Tâm niệm của những người phụ nữ này: Sống là cho đi không cần nhận lại.

Có người là nữ doanh nhân đầu tắt mặt tối vì công việc, có người kinh tế chẳng mấy dư dả, tài sản vỏn vẹn chỉ có căn nhà xập xệ và mảnh vườn nho nhỏ, thế nhưng những phụ nữ này vẫn miệt mài đóng góp, vận động kinh phí mở phòng khám, xây cầu, cất nhà, mở điểm dạy nghề, tập bơi miễn phí cho người nghèo và trẻ em vùng lũ. Đối với họ, sống là cho đi không cần nhận lại.

DẠY NGHỀ MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Năm 1968, khi còn đi học, bà Lê Thị Hồng Hoa (64 tuổi, ngụ phường Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) được dạy nghề đan, móc len. Sau mỗi buổi học, bà tự thực hành và tìm hiểu thêm từ sách vở để nâng cao tay nghề.

Bà Hoa hướng dẫn các thành viên khuyết tật đan, móc len
Bà Hoa hướng dẫn các thành viên khuyết tật đan, móc len
Đến khi lập gia đình, kinh tế dần ổn định, bà bắt đầu thực hiện ước nguyện. Tình cờ gặp những người khuyết tật phải đi xin ăn, khốn khó mưu sinh ngoài đường, bà nảy ra ý tưởng mới.

Bà Hoa xin vào làm giáo viên dạy nghề tại Trường Dạy trẻ khuyết tật của TP.Cần Thơ. Trong suốt 2 năm làm việc, bà luôn trăn trở làm thế nào để người khuyết tật sau khi học xong có môi trường làm việc ổn định và nguồn thu nhập khá để trang trải cuộc sống, tránh sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Năm 2005, do trường không còn nhu cầu dạy nghề đan, móc len nữa, bà Hoa thành lập cơ sở tại nhà, mở lớp đào tạo miễn phí cho người khuyết tật.

Trong quá trình gắn bó với học viên, bà thấu hiểu được khó khăn nên mang vật liệu đến nhà, trực tiếp đào tạo rồi đem sản phẩm học viên làm ra đi tiêu thụ. Còn những người bị khiếm thính sẽ đến cơ sở, bà trao đổi thông qua giấy viết, lựa chọn những ngôn ngữ dễ hiểu để truyền tải kiến thức.

Bà Hoa cho biết, khó khăn là vậy, nhưng bù lại người khuyết tật vận động thì có đôi mắt rất nhanh nhẹn, người khiếm thính có đôi bàn tay rất khéo léo. “Khi mới nhận dạy nghề, tôi cũng có nhiều lo lắng. Nhưng sau nhiều ngày làm quen, thấy họ rất ham học và rất có nghị lực để vượt lên nghịch cảnh” - bà Hoa bộc bạch.

Hiện tại, cơ sở của bà có hơn chục lao động, đều là người khuyết tật. Bà Hoa còn đào tạo chuyên sâu để các em này trở thành giáo viên dạy nghề, tiếp nối ước mơ truyền dạy cho những người khác có cùng cảnh ngộ.

Để tạo thu nhập cho người khuyết tật, bà đem bán các sản phẩm do họ làm ra cho người tiêu dùng hoặc qua các phiên hội chợ, liên kết với công ty du lịch. Trung bình mỗi ngày, các em có nguồn thu nhập từ 30 - 50 ngàn đồng.

Gắn bó với cơ sở đã hơn 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (23 tuổi; bị khiếm thính) nắn nót viết những suy nghĩ của mình lên giấy: “Cô Hoa đã dạy nghề, tạo công ăn việc làm và giúp tôi hiểu thêm về những giá trị cuộc sống”. Không chỉ tạo việc làm, cơ sở của bà Hoa còn giúp nhiều cặp cùng hoàn cảnh nên duyên vợ chồng.

10 NĂM PHỤC VỤ... NGƯỜI DƯNG!

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Thất Sơn, chị Nguyễn Thị Tuyết Vân (44 tuổi, ngụ TT.Tri Tôn, H.Tri Tôn, An Giang) đã gặp nhiều cảnh đời éo le. Từ đó, chị tự nhủ lòng sẽ góp sức để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.

Chị kể, chị theo chân bà ngoại làm từ thiện từ lúc còn bé, tinh thần ấy hun đúc bản thân cho đến tận bây giờ. Thương cảm cuộc sống nghèo khó, chị không ngần ngại bỏ tiền túi, vận động các Mạnh Thường Quân gần xa ủng hộ kinh phí để thực hiện nhiều hoạt động từ thiện có ý nghĩa.

Chị Tuyết Vân trao tiền hỗ trợ cho học sinh mồ côi
Chị Tuyết Vân trao tiền hỗ trợ cho học sinh mồ côi
Năm 2005, thấy nhiều người cao tuổi bị tai biến không có điều kiện đến các cơ sở y tế để chăm sóc, chị Vân rủ vài người bạn thành lập nhóm từ thiện Hoa Sen Trắng, mở phòng khám nhân đạo tại xã Cô Tô. Tiếp đến, chứng kiến nhiều gia đình sống trong ngôi nhà dột nát, chị đứng ra vận động cây gỗ, tole, vật tư và góp tiền túi vào giúp bà con dựng lại nhà.

Nhờ việc làm ý nghĩa nên nhiều người tình nguyện tham gia, rồi lập nên Đội cất nhà tình thương. Từ 5 thành viên ban đầu, đến nay Đội đã tăng lên vài chục người. Mỗi năm, nhóm này cất được hơn 20 căn nhà cho các gia đình nghèo khổ.

Chị Vân còn tham gia và góp tiền vào “cửa hàng 0 đồng”, với cương vị là Cửa hàng trưởng. Cửa hàng được thành lập với khẩu hiệu: “thừa thì cho, thiếu thì nhận”.

Thời gian gần đây, chị Vân cùng một số thành viên đi vận động kinh phí để duy trì hoạt động của xe chuyển bệnh từ thiện, hỗ trợ chi phí cho các trường hợp bị tai nạn giao thông, bệnh hiểm nghèo, chương trình ươm mầm cho trẻ mồ côi, phát bún chay hàng tháng. Những việc làm ý nghĩa của chị đã duy trì gần 10 năm nay.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết nhận xét: “Nhiều trường hợp khó khăn tìm đến, nhưng bà Vân chưa từng từ chối một hoàn cảnh nào”.

KHÔNG ĐỂ TRẺ EM ĐUỐI NƯỚC

Hiểu được nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước do không biết bơi, nên khi chính quyền địa phương triển khai kế hoạch phổ cập học bơi, bà Trần Thị Kim Thia (tự Sáu Thia, 61 tuổi, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) đồng ý làm “huấn luyện viên”.

Bà tự nguyện dạy vì yêu quý trẻ con. Mỗi đầu khóa huấn luyện, người phụ nữ nghèo này phải đến từng gia đình vận động cho các em tham gia.

Thời điểm đầu, mỗi khóa học bơi được bà Thia huấn luyện chỉ tập trung ở 1-2 ấp, lượng học viên dao động ở mức 70 - 80 em. Sau một thời gian, nhiều phụ huynh thấy bà dạy hiệu quả nên đưa con đến học ngày càng nhiều. Nay đã mở rộng ra 5 ấp, số học sinh tham gia gần 200 em/đợt.

Bà Sáu Thia dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở Đồng Tháp
Bà Sáu Thia dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở Đồng Tháp
Việc dạy bơi chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè và chuẩn bị tâm thế cho các em đi học an toàn trong mùa lũ. Mỗi buổi học diễn ra khoảng một tiếng rưỡi/ngày, khóa học kéo dài trong 10-15 ngày. Địa điểm học là những kênh, sông trên địa bàn 5 ấp.

Trước mỗi mùa dạy bơi, bà Thia đem lưới cắm và cột dưới sông thành “hồ bơi”, bất chấp những ngày trời lạnh. Mỗi “hồ bơi” có chiều ngang 4m, dài 8m, cao 2m. Hàng ngày, bà phải chạy xe máy từ điểm này qua điểm khác để dạy cho các cháu nhỏ. Tính đến nay đã hơn 15 năm, số học trò được bà Thia dạy bơi miễn phí hơn 2.100 em.

Tự nguyện tham gia công việc phụ nữ ở ấp, bà Thia nhận được phụ cấp 200 ngàn đồng/tháng. Hằng ngày, người phụ nữ này ra đại lý lãnh 70 - 100 tờ vé số đem bán. Những tháng có hạt sen, hạt điều, bà nhận về gia công kiếm thêm thu nhập.

Tinh thần thiện nguyện của bà đã được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen. Năm 2018, bà là một trong 3 cá nhân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vinh dự nhận giải thưởng KOVA (giải thưởng tôn vinh những cá nhân xuất sắc trong nhiều lĩnh vực trên cả nước) ở hạng mục “Sống đẹp”.

BÀ CHỦ TIỆM BÁNH GIÀU NHÂN ÁI

Khởi nghiệp từ chiếc xe đẩy bánh mì từ hơn 50 năm trước, bà Gái (tên thân mật của bà Nguyễn Thị Dậu) đã xây dựng cho mình thương hiệu bánh Như Lan đạt tiêu chuẩn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” được nhiều người biết đến.

Điều mà Như Lan thành công nhất không chỉ là thương hiệu ẩm thực chất lượng “nằm lòng” của người Việt, mà còn trở thành món ăn không thể thiếu đối với nhiều du khách nước ngoài khi đến tham quan TPHCM. Mỗi ngày, tiệm bánh Như Lan tại trung tâm Q1 luôn đón tiếp hàng trăm lượt khách quốc tế ghé qua để thưởng thức.

Bất cứ du khách nào ghé tiệm bánh Như Lan, gặp bà Gái cũng không khỏi ngỡ ngàng, bởi hình ảnh dung dị của một bà chủ giữa phố thị ồn ào. Dù có rất nhiều nhân viên, nhưng mỗi ngày bà Gái vẫn tự mình đứng quầy để phục vụ, đưa từng chiếc bánh mì hay miếng giò, chả đến tay khách hàng.

Bà Gái (thứ tư từ trái qua) luôn đồng hành cùng Báo Công an TPHCM trong việc phát quà, hỗ trợ xây cầu cho bà con vùng sâu, vùng xa
Bà Gái (thứ tư từ trái qua) luôn đồng hành cùng Báo Công an TPHCM trong việc phát quà, hỗ trợ xây cầu cho bà con vùng sâu, vùng xa
Bữa cơm của bà thường rất đơn giản, với chén canh, rau luộc và trái cây. Đây cũng chính là những món ăn, đồ uống phục vụ thực khách mỗi ngày tại tiệm bánh. “Ngày nào không được trực tiếp phục vụ khách hàng là tôi thấy thiếu thiếu điều gì. Chính vì vậy, ngày nào tôi cũng ra quầy để làm cùng các em, các cháu nhân viên” - bà Gái tâm sự.

Thậm chí giữa thời đại 4.0, internet phủ sóng khắp cả nước, bà Gái vẫn không dùng điện thoại, email. Đều đặn mỗi ngày, bà có mặt tại tiệm bánh Như Lan để chào đón từng vị khách hay ngồi đó, cần mẫn tính toán sổ sách. Chính điều này tạo nên hình ảnh một bà chủ dung dị giữa đất Sài Gòn náo nhiệt.

Và trên hết, thời gian qua, bà luôn đồng hành cùng Báo Công an TPHCM trong công tác từ thiện - xã hội, tặng quà cho người nghèo, xây cầu tại các vùng sâu, vùng xa đi lại còn khó khăn.

 

.

Nguồn: Báo CATP HCM