Xin thưa ngay từ đầu, chúng tôi thực hiện chuyên đề này hoàn toàn không dám bày tỏ ý định dạy khôn đồng nghiệp hoặc các trí thức, người sử dụng mạng xã hội facebook. Chúng tôi chỉ lạm bàn vấn đề về trách nhiệm thông tin với mục đích không gây hoang mang dư luận, không gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như không làm biến động xã hội vì thông tin đưa chưa đúng hoặc đưa thiếu so với bản chất mà thông tin muốn hướng đến. |
Những gì cô chia sẻ liên quan đến câu chuyện ồn ào xoay quanh cái gọi là công nghệ giáo dục. Và tôi phải nhấc máy để nói chuyện điện thoại với cô, để trấn an cô rằng không có chuyện Bộ Giáo dục sẽ thống nhất 3 chữ cái C, K, Q thành 1 chữ C như cô và nhiều người lầm tưởng.
Ngay sau đó, cô giáo xoá dòng trạng thái đã chia sẻ. Tôi cũng dặn cô rằng “cô có nhiều học trò nên tầm ảnh hưởng là rất lớn, vì thế cô nên thận trọng khi sẻ chia một thông tin nào đó mà chưa được kiểm chứng”.
Nhưng tôi chỉ có thể nói chuyện được với cô giáo mình chứ không thể nói chuyện với tất cả những người quen biết của mình đang cùng có thái độ hoang mang về vụ sách giáo khoa tiểu học kia.
Minh họa: Hùng Dingo. |
Cách làm của tôi, duy nhất, là tự đưa một dòng trạng thái nói về việc trước khi nhận xét về vụ việc đó, mỗi người hãy tự mua (hoặc mượn) bộ sách giáo khoa về xem thử xem thực sự giáo trình dạy cái gì, và song song đó là tham khảo ý kiến của vài giáo viên tiểu học xem trường của họ có áp dụng giáo trình đó hay không.
Và tôi cũng nhận được sự đồng tình của số ít. Hoá ra, người tin vào thông tin đang loang ra đầy hoang mang kia quá đông, và họ tin một cách quá dễ dàng.
Tìm hiểu kỹ, tôi cảm nhận được thông tin này có vẻ được tung ra rất lớp lang. Tại sao, thay vì phỏng vấn một nhà giáo, một nhà khoa học, một giáo sư nào khác, một cơ quan truyền thông chính thống lại phỏng vấn Giáo sư Bùi Hiền, người vừa mang tai tiếng về chuyện “cải cách chữ viết”?
Sự đồng tình của ông Bùi Hiền đã dẫn đến việc khiến người ta dễ tin rằng sẽ có cải cách chữ viết ở cấp tiểu học. Rõ ràng, cách đánh lạc hướng này vô cùng nguy hiểm, nó dẫn dắt một bộ phận dư luận tin rằng đang có sự phá hoại gốc gác văn hoá, chữ viết của người Việt. Từ đó, sự phẫn nộ bùng nổ, lây lan một cách vô tội vạ.
Giữa thời đại tin giả này, chúng ta không chỉ trách những kẻ rắp tâm tạo ra tin giả bơm vào dư luận một cách đơn thuần mà phải nghiêm túc nhìn lại chính đội ngũ làm nghề truyền thông.
Nghề báo, vốn dĩ tôn trọng tuyệt đối sự thật, dường như đang biến mình thành công cụ vụ lợi của những thế lực trong các cuộc đua tranh ngầm với nhau?
Và nhất là khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi, sự dẫn dụ của báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi một bài báo nào đó trở thành công cụ vụ lợi của ai đó, lại được khai thác theo hướng dân túy, nó có thể là độc dược đối với cộng đồng.
Những nghiên cứu quốc tế cho thấy thực sự hậu quả lớn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, mà biểu tượng của sụp đổ là cú sập của Lehman Brothers, chính là sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa dân túy. Và một thập niên thu nhập giảm sút cùng với việc phải thắt lưng buộc bụng đã khiến dân túy càng có đất sống hơn. Khi dân túy có đất sống, được hỗ trợ đắc lực thêm nữa bởi truyền thông mạng xã hội thì tin giả nảy sinh.
Thậm chí, có những thông tin là “thật”, với dữ kiện có thật, nhưng lại được định hướng theo chiều hướng trái sự thật thì cũng là tin giả. Bởi thế, trong mục “từ vựng của năm” của Từ điển Oxford năm 2016, từ post-truth đã được lựa chọn. Post-truth, tạm dịch là “hậu sự thật”, ám chỉ những gì thực sự ở phía sau cái gọi là “dữ kiện” mà truyền thông đưa ra.
Ví dụ như chuyện Brexit ở Anh chẳng hạn. Dữ kiện là số người trưng cầu dân ý rời khỏi EU là “truth”, tức là sự thật. Nhưng post-truth là cái ẩn chứa phía sau nó, là những hoảng loạn được những kẻ theo chủ nghĩa dân túy tạo ra từ tin giả dẫn tới ám ảnh của người Anh đối với người nhập cư. Vậy thì quay lại chuyện ở nước ta, vụ sách giáo khoa vừa rồi là dữ kiện có thật nhưng đằng sau cái sự thật ấy là gì? Có phải là tin giả?
Ở đây, trách nhiệm xã hội của từng cá thể trong việc chia sẻ thông tin là rất cụ thể. Trách nhiệm đó còn lớn hơn nữa nếu người đưa tin lại sử dụng công cụ chính thống như báo chí, truyền hình, truyền thanh.
Kinh khủng hơn nữa, nếu như việc đưa tin được tổ chức thành một chiến dịch để nhằm mục đích vụ lợi thì trách nhiệm còn lớn hơn nữa. Chúng ta từng trải qua cuộc khủng hoảng nước mắm cách đây chưa lâu và chúng ta hiểu rõ tác động xã hội của những chiến dịch truyền thông bẩn kiểu đó là như thế nào rồi.
Năm ngoái, ở cuộc bầu cử Pháp, facebook đã buộc phải gỡ bỏ hơn 30 ngàn tài khoản ảo vì đã lan truyền thông tin sai sự thật. Trong khi đó, ở 3 tháng chung cuộc của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, 20 tin giả hàng đầu đã được chia sẻ trên facebook tới hàng triệu lần.
Những con số đó cho chúng ta thấy rằng mức độ truyền tin ở thời đại này kinh hoảng như thế nào. Và chống lại nó, không có cách nào hữu hiệu hơn chính mỗi cá nhân phải tự thiết lập cơ chế đối chứng, cơ chế kiểm duyệt tự thân mình.
Nhưng như đã nói ở trên, giữa thời đại chủ nghĩa dân túy ngóc đầu lên ngôi, muốn để người dân bớt tin vào những đồn đoán nhảm, những hoang tin, việc đầu tiên phải làm chính là tạo dựng một đời sống xã hội đáng tin cậy, bình ổn, an toàn và chất lượng. Chỉ có một xã hội lành mạnh thì mới có thể chống lại được một “xã hội mạng” nhiễu nhương mà thôi.
Đơn giản, người ta sẽ tin vào điều mà họ muốn tin. Và bởi thế, quay lại câu chuyện sách giáo khoa kể trên, nếu nền giáo dục của Việt Nam tạo được niềm tin mạnh mẽ của các bậc phụ huynh, họ sẽ không hoảng loạn chỉ vì một nguồn tin chưa được kiểm chứng.