Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201807/dau-tranh-ngan-chan-khai-thac-cat-trai-phep-can-lam-su-chung-tay-805401/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201807/dau-tranh-ngan-chan-khai-thac-cat-trai-phep-can-lam-su-chung-tay-805401/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần lắm sự chung tay! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 22/07/2018, 10:09 [GMT+7]
Đấu tranh ngăn chặn khai thác cát trái phép

Cần lắm sự chung tay!

>>Kỳ 1: Liên tiếp phá thành công các chuyên án

>>Kỳ 2: Nỗi niềm “cát tặc”

>>Kỳ 3: Không thể buông lơi!

(Congannghean.vn)-Kiên trì, miệt mài dọc các tuyến sông Lam, sông Hiếu, CBCS Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an Nghệ An đã không quản ngại thời tiết khắc nghiệt giữa những ngày hè nóng bức, kiên quyết đấu tranh với hành vi khai thác cát, sỏi trái phép. Những chiến công thầm lặng của các anh đã góp phần quan trọng ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép; bảo vệ sự bình yên trên mọi miền sông nước xứ Nghệ.

Kỳ 4: Cần lắm sự chung tay

Giải quyết tận gốc rễ vấn đề của vấn nạn “cát tặc” luôn là trăn trở của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Nhất là trước bối cảnh việc khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép đang uy hiếp nghiêm trọng đến dòng chảy, tài nguyên môi trường, ảnh hưởng ANTT trên địa bàn. Tìm ra nguyên nhân cơ bản chính là cơ sở quan trọng để các cấp, ngành, chính quyền địa phương chung tay đẩy lùi, tiến tới hạn chế, xóa bỏ nạn khai thác cát trái phép ở Nghệ An.

Những bãi sông cần được trả lại sự bình yên vốn có
Những bãi sông cần được trả lại sự bình yên vốn có

Giải quyết “bài toán” an cư

Hưng Nguyên là 1 trong 4 địa phương của tỉnh luôn tiềm ẩn tình trạng khai thác cát trái phép. Dù Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để hạn chế, đẩy lùi nạn “cát tặc”, song trên thực tế, tình hình vi phạm vẫn đang là thách thức không nhỏ với chính quyền nơi đây.

Ông Hoàng Văn Phi, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Chấp hành nghiêm chỉ thị, yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên đã triển khai toàn diện nhiều kế hoạch, văn bản để giải quyết thực trạng trên. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh Quyết định 1956 về việc đào tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đây được xem là mấu chốt vấn đề để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Điều này vừa góp phần giải quyết an cư, vừa từng bước chuyển đổi nghề nghiệp cho các lao động sông nước.

Cùng với Hưng Nguyên, các địa phương khác cũng đang đẩy nhanh thực hiện Kế hoạch 1956 về đào tạo lao động nông thôn. Trên thực tế, nếu không chuyển đổi nghề nghiệp thành công cho các lao động sống bằng nghề sông nước, thực trạng “cát tặc” sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp. 

Hiện nay, nhiều lao động chấp nhận đánh đổi tương lai, cuộc sống vào “canh bạc” khai thác cát trái phép. Bởi trước đây, có nhiều hợp tác xã vận tải, một số lượng lớn tàu thuyền và nhiều hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh doanh vận tải đường sông.

Sau này, kinh tế phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều phương tiện vận tải khác, có tốc độ nhanh hơn, chi phí thấp hơn, đã dần thay thế các phương tiện vận tải đường sông. Điều đó đã tạo nên sự dư thừa cả nghìn lao động. Trong khi đó, nguồn tài nguyên về tôm, cá cũng ngày càng khan hiếm, vì thế, rất nhiều lao động nay làm việc này mai làm việc khác, ai thuê gì làm nấy.

Cũng như Hưng Nguyên, Thanh Chương đã quan tâm chú trọng đến việc đào tạo việc làm cho các lao động vùng sông nước theo Quyết định 1956, đưa mục tiêu chuyển đổi nghề nghiệp tại các vùng nông thôn đến gần hơn với thực tế.

Đấu tranh với tình trạng khai thác cát là hoạt động lâu dài, bền bỉ, không thể buông lơi. Đồ họa: B.N
Đấu tranh với tình trạng khai thác cát là hoạt động lâu dài, bền bỉ, không thể buông lơi. Đồ họa: B.N

Tuy vậy, kết quả đặt ra tại các địa phương hầu như không đáng kể. Chủ yếu lao động sông nước do khó khăn về kinh tế nên hầu như trình độ dân trí thấp. Đa phần nhiều người đều không biết chữ. Vì thế, trước khi tính đến “bài toán” việc làm, công tác phổ cập giáo dục mới được xem là biện pháp quan trọng nhất lúc này.

“Thế nhưng, học được vài bữa, họ tiếp tục quay lại công việc cũ. Nếp sống khác biệt, không có đất sản xuất đã khiến nhiều hộ dân không thể lên bờ để dựng xây cuộc sống mới”, ông Phi cho biết thêm.

Hiện tại, nhiều làng chài tái định cư như Hưng Hòa (TP Vinh), Hưng Long (Hưng Nguyên), Võ Liệt (Thanh Chương), Đô Lương, Anh Sơn… vẫn đang dở dang hoặc có lên bờ cũng thiếu đất sản xuất nên họ lại quay trở về sông nước làm... “cát tặc”. Vốn không có nên việc họ phải hút cát thuê để kiếm sống qua ngày là điều đang diễn ra. 

Lực lượng Cảnh sát Môi trường tuyên truyền cho người dân về các quy định trong khai thác cát trên sông
Cảnh sát Môi trường - Công an Nghệ An tuyên truyền cho người dân về các quy định trong khai thác cát trên sông

Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp cụ thể để chuyển đổi và giải quyết việc làm cho số lượng lao động này, mới mong chống được “cát tặc” tận gốc.

Trách nhiệm người đứng đầu

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập nhiều đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép. Tuy vậy, nhiều chính quyền cấp cơ sở, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn còn chưa thực sự mặn mà với nhiệm vụ này.

Ông Trịnh Văn Bằng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Thanh Chương khẳng định: Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Thời gian qua, huyện đã nhắc nhở, xử lý nhiều người đứng đầu cấp xã để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.

Nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường công tác quản lý, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường lấy lời khai người vi phạm
Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường lấy lời khai người vi phạm

Mới đây, vào ngày 11/4/2018, UBND tỉnh có Công văn số 2302 về việc xử lý kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động khoáng sản tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh. Trong đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên hoàn thiện hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức thực hiện “hành vi đưa bến thủy nội địa vào hoạt động mà không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”; lập biên bản đình chỉ hoạt động, giao trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân bến cát trên phải chấm dứt hoạt động.

Đối với hành vi để bến kinh doanh cát, sỏi đi vào hoạt động, tái hoạt động sau khi đã bị đình chỉ, niêm phong, chưa được cấp giấy phép hoạt động, UBND tỉnh đề nghị 3 huyện trên tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn liên quan. Lãnh đạo các xã này đã vi phạm Chỉ thị số 04/CT-UBND tỉnh ngày 27/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh, về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

“Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trong thời gian dài hoặc tái diễn thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện”, công văn của UBND tỉnh khẳng định.

 

Phòng Cảnh sát Đường thủy bắt giữ phương tiện khai thác cát, sỏi trái phép
Phòng Cảnh sát Đường thủy bắt giữ phương tiện khai thác cát, sỏi trái phép

Ông Hoàng Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: Huyện ủy, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho Chủ tịch, Trưởng Công an các xã thường xuyên kiểm tra, truy bắt tàu hút cát trái phép. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, Chủ tịch UBND xã đó sẽ bị xử lý kỷ luật. Các bến bãi cát không phép, nếu đơn vị nào cấp sai thì đơn vị đó chịu trách nhiệm.

“Quan điểm của lãnh đạo huyện Thanh Chương cũng rất rõ ràng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Thời gian qua, huyện đã xử lý một số xã để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép”, ông Trịnh Văn Bằng, Trưởng phòng TN-MT huyện Thanh Chương cho biết.

Hành vi khai thác cát sỏi trái phép đang được lực lượng Công an quyết liệt xử lý
Hành vi khai thác cát sỏi trái phép đang được lực lượng Công an quyết liệt xử lý

Có thể thấy, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động sông nước và quyết liệt trong đấu tranh, xử lý các đối tượng cố tình vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh, tập kết cát, sỏi trái phép phải thực hiện đồng thời, song song với nhau. 2 giải pháp trên muốn triển khai hiệu quả, không chỉ trách nhiệm ở chính người đứng đầu, mà còn sự chung tay, nỗ lực của các ban, ngành, cả hệ thống chính trị. Bởi, chỉ khi hợp sức, quyết tâm, xem đây là nhiệm vụ sống còn, thì khi đó, vấn nạn “cát tặc” mới có thể được kiềm chế, đẩy lùi, trả lại sự bình yên vốn có ở các tuyến sông.

Đấu tranh với hành vi khai thác cát sỏi trái phép là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay giữa các lực lượng và chính quyền, người dân các địa phương. Đồ họa: B.N
Đấu tranh với hành vi khai thác cát sỏi trái phép là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay giữa các lực lượng và chính quyền, người dân các địa phương. Đồ họa: B.N

 

.

Mai Hậu

.