Thời gian qua, cơ quan Công an đã tích cực tổ chức đăng ký xe máy điện nhằm siết chặt quản lý các loại xe này, qua đó tăng cường đảm bảo an toàn giao thông. Thế nhưng hiện nay, trên đường phố lại xuất hiện những chiếc xe đạp điện được độ lại với màu sắc sặc sỡ, nâng tốc độ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Đặc biệt hơn, những chiếc xe đạp điện tự chế từ xe đạp thường cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Với giá thành rẻ, dễ làm những chiếc xe tự chế này ngày càng trở nên phổ biến.
Xe đạp điện cũng có thể trở thành "xe điên"
Chỉ cần lướt một vòng trên các tuyến phố có các trường học đủ thấy nhiều học sinh lựa chọn phương tiện xe đạp điện thế nào. Không những vậy người cao tuổi cũng sử dụng rất nhiều loại xe này. Đặc biệt những người sử dụng xe đạp điện đa phần không đội mũ bảo hiểm, đeo tai nghe, phóng nhanh, vượt ẩu, chở 3 người...
Ngoài ý thức sử dụng xe đạp điện thì một vấn đề đang diễn ra cần được báo động đó là nhiều "quái xế" đã tự ý "nâng đời", "chế", "độ" thay đổi kết cấu, đặc biệt là nâng tốc độ lên 40 -45 km/h. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn của phương tiện và thậm chí sẽ biến chiếc xe trở thành "xe điên".
Em Nguyễn Thành M (một học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội) cho biết: "Thực ra chúng em thích đi xe máy hơn đi xe đạp điện vì tốc độ cao hơn. Bố mẹ không cho đi xe máy vì sợ nguy hiểm, chính vì thế mấy năm nay em toàn đi xe đạp điện. Nghe thấy bạn bè nói là có thể nâng tốc độ xe lên tới 40km/h, em thích quá liền mang xe đi làm. Rồi nhân tiện làm luôn mấy thứ nhìn cho đẹp mắt. Bố mẹ em ở nhà không biết mình đã đi nâng tốc độ xe đâu, vì nhìn bề ngoài không thể nhận ra được".
Chúng tôi hỏi em học sinh này có sợ khi nâng tốc độ sẽ nguy hiểm khi tham gia giao thông không? Em M trả lời tỉnh bơ: "Em nghĩ là không sao, vì đi xe máy còn chạy cả 70- 80km/giờ cơ mà. Mà bạn bè em cũng rất nhiều đứa như vậy, thỉnh thoảng bị ngã lặt vặt thôi, không đáng ngại".
Để thực hư chuyện nâng tốc độ cho xe đạp điện, chúng tôi gặp gỡ anh Tiến Huy (quận Hà Đông, Hà Nội) một tay độ xe có tiếng. Anh này cho biết, đã nhiều lần nâng tốc độ cho xe đạp điện, khách hàng chủ yếu là các em học sinh THPT. Chi phí cho việc thay thế này không quá cao, đặc biệt là rất khó phát hiện nếu không có chuyên môn.
"Việc độ, chế xe đạp điện không quá tốn kém nhưng hơi mạo hiểm, tuy nhiên sẽ làm cho chiếc xe mạnh mẽ hơn, khác lạ hơn. Gần đây có nhiều bạn trẻ đến nhờ tôi tăng tốc độ cho xe đạp điện, vì thế tôi phải gỡ bỏ một số bộ phận không cần thiết trên xe, thay thế nguồn cung cấp điện cho xe từ ắc quy lên pin Lithium để giảm bớt trọng lượng cho xe"- anh Huy nói.
Một cán bộ Đội CSGT số 10 - Công an Hà Nội cho hay, việc tăng tốc độ cho xe đạp điện là phá vỡ độ an toàn của xe. Chính vì thế sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cả những người liên quan. Những chiếc xe đạp điện chạy với tốc độ cao, lại đi rất êm nên rất dễ gây tai nạn, trở thành "xe điên".
Hô biến xe đạp thường thành xe đạp điện
Những chiếc xe đạp điện được nâng tốc độ, thay thế phụ kiện, như đèn, xi nhan... rõ ràng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn họ còn hô biến chiếc xe đạp thường thành xe đạp điện chỉ trong 30 phút. Để sở hữu một chiếc xe đạp điện chính hãng, chất lượng đảm bảo, người dùng phải bỏ ra một số tiền trên 10 triệu đồng. Với nhiều người, đây là số tiền không hề nhỏ, nhất là ở khu vực nông thôn. Chính vì thế, nhiều người đã tự chế ra một chiếc xe đạp điện bằng những dụng cụ thô sơ theo cách của riêng mình.
Chỉ với 2,5 triệu chiếc xe đạp thường được chế thành xe đạp điện. Chúng cũng được chạy ắc quy giống với cơ chế của xe đạp điện, tuy nhiên được chế lại khá đơn giản. Chính vì thế không ít người phải giật mình khi bắt gặp những chiếc xe này lưu thông trên đường.
Chiếc xe đạp điện tự chế đơn giản đến mức bất kỳ ai cũng có thể làm được mà không cần có kiến thức chuyên môn nào. Chỉ cần lên mạng Internet xem các clip hướng dẫn lắp đặt, sau đó đi mua đồ về lắp ráp. Đầu tiên, người chế sẽ chọn một chiếc xe đạp cũ với khung vành, xích líp còn dùng được.
Các phần bộ phận cũ thì mua đồ tự thay thế lắp vào. Để chuẩn bị cho phần động cơ di chuyển của xe, người chế mua thêm các bộ phận như: Động cơ, điều tốc, bộ sạc, dây ga và 1 bộ khóa, điện mở bằng chìa, 1 công tơ đo số km, 2 ắc quy MBK 12V 9Ah. Thêm đồ nghề đã có sẵn, một ít dây điện, dây thít là đủ bộ nguyên liệu.
Anh Lương Văn Bằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi thực sự bất ngờ vì hiện nay xuất hiện rất nhiều xe đạp điện tự chế. Người ta cứ vin vào cái cớ là do điều kiện khó khăn, phải chế xe điện để đi nhưng rõ ràng như vậy là không đảm bảo an toàn. Người ta mua xe đạp điện còn phải lựa chọn chính hãng để còn đảm bảo chất lượng, đằng này lại đi tự chế thì thật là nguy hiểm".
Chúng tôi có liên hệ với một người chuyên chế xe đạp điện ở khu vực Hà Đông. Anh này tỏ ra hết sức chủ quan cho rằng, chiếc xe đạp này chủ yếu để cho phụ nữ, trẻ em đi loanh quanh trong làng xóm, xã phường chứ không đi xa nên không có gì đáng lo. Chính vì thế với giá thành chỉ vài ba triệu, không tội gì mà không sắm cho mình lấy một chiếc xe đạp điện tự chế.
"Nói thật, với số tiền như thế này để có một chiếc xe đạp điện là rất hợp lý. Nếu mang số tiền này đi ra thị trường mua chắc chỉ được chiếc xe tàu, xe cũ, đi vài ngày là hỏng. Mình mua các bộ phận, máy móc chất lượng cao về lắp ráp thì là quá tốt" - anh này cho hay.
Chỉ cần một cái click chuột trên mạng có thể ra hàng nghìn kết quả liên quan đến xe đạp điện tự chế. Trang thì rao bán linh kiện lắp ráp, trang thì hướng dẫn lắp ráp kiêm bán luôn linh kiện. Thậm chí có trang mạng còn rao bán công khai những chiếc xe tự chế khá đẹp, giá cả lại mềm. Theo tiết lộ của chủ một trang chuyên bán xe đạp điện tự chế thì mặt hàng này ngày càng được ưa chuộng. Họ có cả một đội chuyên đi săn xe đạp cũ, sau đó về sơn sửa khung cho thật bắt mắt. Sau đó chúng sẽ được lắp những bộ phận cần thiết để trở thành chiếc xe đạp điện.
Trên một Youtube hướng dẫn lắp ráp xe đạp điện tự chế, trước khi dạy lắp đặt người này còn quảng cáo: Các bạn chỉ cần bật khóa điện, sau đó kéo ga là chạy, hết điện thì đạp xe rất nhẹ nhàng vì bánh xe lớn và động cơ điện thiết kế hiện địa nên không bị nặng khi đạp. Giá thì rất rẻ và đặc biệt không cần đăng ký với cơ quan công an. Bên cạnh đó, người này còn rao bán luôn cả đồ để cho khách hàng tự lắp ráp.
Chỉ cần tháo bánh trước ra lắp bánh mới vào, siết ốc, lắp hộp điều khiển lên baga sau vào, vít ga là chạy. Tất cả các thao tác chỉ kéo dài trong 30 phút là người ta có một chiếc xe đạp điện để đi chợ, đi học, đi chơi và dạo phố mà không cần đổ xăng. Những chiếc xe này có thể đi được 40km, tốc độ tối đa lên tới 25km/h.
Một số linh kiện lắp ráp xe đạp thường thành xe đạp điện được bày bán rất nhiều. |
Nói về vấn đề này, TS Trần Văn Thịnh, Trưởng Bộ môn Thiết bị điện - điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, đã là thiết bị, đồ dùng tự chế thì độ an toàn thấp. Còn về vấn đề độ xe đạp điện, thực ra việc này không có, chỉ cần tháo bánh sau ra, lắp bánh mới vào, lắp ắc quy, mạch điều khiển.
Tuy nhiên độ an toàn thì khó nói. Người ta chế chiếc xe bình thường thì bánh xe khác, khung khác, còn chế 1 chiếc xe có động cơ thì phải khác, chưa kể đồ dùng để tự chế chưa được kiểm định. Các phương tiện giao thông phải được kiểm định an toàn mới được lưu thông, chứ không thể tự chế tự đi giống như xe công nông.
PGS.TS Lê Văn Doanh, Chủ nhiệm Khoa Điện & Bảo dưỡng công nghiệp, Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội cho biết:
"Trước tiên phải khẳng định những người chế ra được một chiếc xe như vậy là rất sáng tạo. Nếu họ mua được các linh kiện chính hãng thì sẽ có công suất phù hợp. Chỉ có điều phần kết cấu về mặt cơ khí nếu không được gia công (hàn, cân...) cẩn thận thì khó đảm bảo được độ bền. Ngoài ra, từng cụm chi tiết về điện nếu không phải chính hãng mà mua của các hãng tư nhân Trung Quốc nếu không được thử nghiệm kỹ càng thì độ bền kém. Chính vì thế, giá thành của xe đạp điện chế có thể phù hợp với túi tiền nhưng chưa được đảm bảo về tuổi thọ và độ tin cậy. Với tốc độ 25km/h, lại có phanh đầy đủ nên về cơ bản sẽ không có vấn đề gì quá lo lắng về mặt an toàn giao thông bởi an toàn hay không chủ yếu là do người điều khiển phương tiện''.
.