Chưa bao giờ niềm tin trong nhân dân về quyết tâm của Đảng đối với công cuộc chống tham nhũng lại dâng cao như vậy, đặc biệt là khi ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt giữ vào ngày 8-12-2017. Một ngày mà chúng tôi tin rằng nhiều năm sau vẫn được nhắc về, ngày mà hoàn toàn không còn vùng cấm nào trong công tác đấu tranh với cái tiêu cực, cái sai, cái xấu đang còn tồn tại, ẩn nấp trong hệ thống chính quyền. |
Đó là trường hợp Phó Chủ tịch Thanh Hóa - ông Ngô Văn Tuấn bị đề nghị kỷ luật vì “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Theo UBKTTƯ thì từ tháng 10-2010 – 11-2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá, ông Tuấn - Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ.
Với trách nhiệm là Giám đốc Sở Xây dựng, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, ông Tuấn đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước như: Tiếp nhận, điều động Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở; việc kết nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng.
Kế đến là chuyện nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam - ông Lê Phước Thanh có dấu hiệu “vun vén cho gia đình”.
Ông Thanh - Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 bị xác định là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai) giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện...
Minh họa: Lê Phương. |
Không chỉ vậy, những cán bộ liên quan đến hai vụ việc “nâng đỡ không trong sáng” và “vun vén cho gia đình” này cũng bị UBKTTƯ quyết định tiến hành quy trình xử lý kỷ luật.
Và cũng ngay trong kỳ họp thứ 20 diễn ra trong hai ngày 11 và 12-12 vừa qua, Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đã đề nghị kỷ luật đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, còn nguyên Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông bị cảnh cáo.
Trong thời điểm vừa qua, đã có không ít quan chức nhà nước, quan chức các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tài chính ngân hàng lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật tước hết các chức vụ. Tất cả điều đó cho thấy Đảng quyết tâm đi đúng hướng đề ra trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là: không nể nang, không “vùng cấm”.
Qua công tác kiểm tra, xử lý cán bộ vừa qua cho thấy, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu hơn, quyết liệt hơn, đã trở thành một phong trào huy động được sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc. Điều này đã dần lấy lại niềm tin của người dân đối với Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, nếu như trước đây người ta hay nói đến từ “hạ cánh an toàn” thì nay khái niệm đó hoàn toàn đã bị phá bỏ. Ở những vụ xử lý vi phạm thời gian qua, ta dễ dàng thấy rằng, không chỉ đối với những cán bộ là đương chức mà ngay cả những người đã “hạ cánh” cũng không thể được an toàn nếu có liên quan đến những tiêu cực, sai phạm. Trách nhiệm của từng cá nhân đến đâu trong vụ việc đều được làm rõ để xử lý, công - tội được phân minh.
Có thể nói, UBKTTƯ - cơ quan tham mưu giúp cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban là cơ quan nổi bật nhất phía sau những kết quả tích cực vừa qua. Từ Đại hội XII của Đảng đến nay, UBKTTƯ đã tiến hành tổng cộng tới 20 kỳ họp.
Mỗi một kết luận của UBKTTƯ phát đi sau mỗi kỳ họp đã tạo được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Và sau những kết luận đó, bao nhiều người dân đã được giải tỏa những bức xúc bấy lâu của họ về những tiêu cực của cán bộ, công chức liên quan đến các việc như: “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm thần tốc”, “bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn”, “vun vén cho gia đình”, rồi những “biệt phủ”, những vụ lợi ích nhóm rút ruột ngân sách Nhà nước...
Có thể nói, những kết quả kiểm tra và xử lý những vụ tham nhũng, những sai phạm của một bộ phận cán bộ công chức, cán bộ cấp cao thời gian qua của Đảng đã mang đến một luồng gió mới cho tâm trạng xã hội.
Sự quyết liệt của Đảng là điều mà dân chúng vẫn hằng đau đáu mong chờ. Và phải thừa nhận rằng, đã từng có một thời gian dài, sự nể nang và những “vùng cấm” đã khiến cho tham nhũng, tiêu cực có đất mà nảy ra như ung nhọt và sau đó là để lại hậu quả hết sức nặng nề cho xã hội. Như bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên UBKTTƯ đã cho rằng, có nhiều cán bộ cấp cao tham nhũng “nhưng không thấy ngượng và trơ quá".
Cũng chính vì thế, sự hân hoan có phần quá khích của dân chúng về những vụ tham nhũng, tiêu cực, sai phạm của cán bộ, công chức bị đưa ra ánh sáng, bị xử lý cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Công chúng chưa bao giờ thôi kỳ vọng vào tâm huyết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong công cuộc phát triển của đất nước. Họ từng nuôi những kỳ vọng đó trước những lời tuyên bố để rồi tâm trạng như vỡ òa trước sự quyết liệt và nghiêm khắc của Đảng.
Có lẽ, ai nấy cũng đều rất hân hoan trước lời phát biểu như một tuyên bố đanh thép của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Và với tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực “không vùng cấm” đó, nhân dân hoàn toàn có thể tin rằng ở một tương lai không xa nữa, đất nước sẽ có những bước chuyển mình đầy mạnh mẽ. Nói đến điều này lại liên tưởng đến mùa xuân của đất trời, vạn vật đều khoác lên mình sự tươi mới, thăng hoa.
Và giờ, chúng ta cũng đang bước vào mùa Xuân năm 2018 với nhiều hy vọng mới!