Bộ Tài chính vừa chuyển Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018 này. Dự thảo mới đã có chỉnh sửa, bổ sung, giải trình thêm một số nội dung sau khi Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, chuyên gia và người dân. Vẫn không có gì thay đổi, Bộ Tài chính tiếp tục trình dự thảo tăng thuế nội địa.
|
Không còn cách nào khác, buộc phải tăng thuế. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại tôi cho rằng đó là việc làm vội vàng.
1. Tháng 8 - 2017, khi Bộ Tài chính trình dự thảo tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% và các khoản tăng khác, đã có hàng loạt phản ứng vì lo ngại việc tăng thuế giá trị gia tăng đột ngột sẽ kéo theo sự hụt hơi của phát triển.
Đầu năm 2018 này, Bộ Tài chính tiếp tục trình dự thảo tăng thuế giá trị gia tăng theo hướng tăng 1%/năm cho đến lúc bằng 12% như ban đầu, bên cạnh đó là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt; đánh thuế thu nhập với lãi suất tiền gửi tiết kiệm; phân chia khung thuế thu nhập cá nhân… Loại thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này cũng như thuế lãi suất tiết kiệm từng bị phản đối dữ dội.
Ngoài ra, mức áp thuế thu nhập cá nhân cũng được tính lũy tiến theo mức rất cao. Cụ thể có hai phương án mà Bộ Tài chính đã trình.
Minh họa: Lê Phương. |
Phương án thứ nhất: Thu 5% đối với cá nhân thu nhập mỗi tháng đến 10 triệu đồng. Thu 15% cho cá nhân thu nhập trên 10 đến 30 triệu đồng. Thu 25% đối với cá nhân thu nhập trên 30 đến 50 triệu đồng. Thu 30% đối với cá nhân thu nhập trên 50 đến 80 triệu đồng. Thu 35% đối với cá nhân thu nhập trên 80 triệu đồng.
Phương án thứ hai: Thu 5% đối với cá nhân thu nhập mỗi tháng đến 5 triệu đồng. 10% cho cá nhân trên 5 đến 10 triệu đồng. 20% cho cá nhân thu nhập trên 10 đến 40 triệu đồng. 30% cho cá nhân thu nhập trên 40 đến 80 triệu đồng. 35% cho cá nhân thu nhập trên 80 triệu đồng.
Một tờ báo giật title đầy đau đớn, “Đề xuất tăng thuế: Nhiều sửa đổi theo hướng tận thu”.
Song song với đề xuất tăng thuế này của Bộ Tài chính, TP.HCM cũng đang sốt sắng với hàng loạt khoản thu thuế thí điểm. TP.HCM thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí nằm trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Những thông tin dồn dập tăng thuế phí ấy, chắc chắn sẽ tạo ra năng lượng tiêu cực không chỉ trong nhân dân mà ngay cả đối với nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.
2. Cần phải tỉnh táo để nhìn nhận rằng, việc trình dự thảo tăng thuế không phải là việc riêng của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính trình tăng thuế nhằm phục vụ cho hoạt động của Nhà nước, Chính phủ sau khi đã cân đối những khoản thu chi.
Có điều, tiến trình khôi phục niềm tin của nhân dân thông qua công cuộc chấn chỉnh công tác cán bộ, loại trừ cán bộ thoái hóa biến chất, chống tham nhũng đang thu được nhiều tín hiệu khả quan thì việc Bộ Tài chính trình dự thảo này e rằng “lợi bất cập hại”.
Một thông tin rất đáng lưu ý, “Chưa có số liệu của 2017, đến hết năm 2016, theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế 12.504 tỉ đồng.
Trong đó, Vinalines lỗ lũy kế 5.040 tỉ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ 1.348 tỉ đồng. Tính riêng năm 2016, có 4 tập đoàn, tổng công ty ghi nhận khoản lỗ phát sinh là 1,3 triệu tỉ đồng. Quá quắt hơn, có những doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ đến độ phải xin Chính phủ trả nợ thay”, (Báo cáo của Bộ Tài chính, trích dẫn Báo Người Lao Động).
Đó là chưa kể đến Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu hình sự sang Bộ Công an của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý tổng số tiền gần 15.000 tỷ đồng và 6,7 triệu m2 nhà, đất sai phạm tại TKV.
Một tờ báo giật title, “”Quả đấm thép” đấm thủng ngân sách”, một cái title không thể chính xác hơn.
Song song với các khoản thất thoát thua lỗ của những tập đoàn Nhà nước, là tình trạng bộ máy cán bộ phình ra quá nhanh, thậm chí “phình cả lãnh đạo”, nhìn đâu cũng thấy lãnh đạo, có nơi số lượng lãnh đạo nhiều hơn số lượng nhân viên.
3. Thuế phí tăng, thu nhiều. Nhưng điều hết sức bất ngờ là nhân dân vẫn chưa được thụ hưởng tương thích những điều kiện an sinh. Cần phải sòng phẳng, phần nhiều thuế phí là để bù đắp cho sự hụt hơi bởi công tác quản lý.
Có lẽ vì vậy, Bộ Tài chính cần cân nhắc thời điểm tăng thuế phí như Dự thảo, tránh gây thêm sự xáo trộn trong nhân dân. Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ về những kế hoạch thắt lưng buộc bụng, về giải pháp tiết kiệm chi hiệu quả, về huy động nguồn vốn trong nhân dân, giám sát những tập đoàn, ngăn chặn xử lý tình trạng xà xẻo chia chác ngân sách, tham nhũng…
Phải làm sao để nhân dân tin và hy vọng về một tương lai tốt đẹp đang cận kề, về quyết tâm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong các vấn đề quốc kế dân sinh, lấy sứ mệnh phục vụ nhân dân, phục vụ quốc gia là tối thượng.
Gắn kết được nhân dân với các chủ trương, giải pháp lớn sẽ phát huy được sức mạnh tập thể để bật dậy và phát triển.
Đó mới là việc cần làm ngay, cần làm quyết liệt và kiên trì, chứ không chỉ đơn thuần chọn cách dễ dàng nhất là tăng thuế. Bởi cứ hụt chi là tăng thuế thì ai làm cũng được, ai thực hiện cũng được mà không cần đến chuyên gia, đến ban bệ làm gì?