Con bạn đủ tuổi cắp sách tới trường, bạn có mong muốn gì? Rất nhiều. Bởi những ngày đầu tiên đi học luôn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ là kỷ niệm đẹp nhất trong suốt cuộc đời một con người.
Tất nhiên cũng như tôi, bạn muốn thầy cô giáo có chuyên môn vững vàng, có kỹ năng sư phạm để học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất; bạn mong một mái trường rợp bóng cây xanh để những giờ ra chơi, học sinh được nô đùa thoải mái hay những tiết học thể chất được hít thở khí trời; bạn ước trường đủ rộng để học trò được phát huy tốt nhất những năng khiếu của mình không chỉ là môn thể thao mà còn là các môn nghệ thuật khác…
Tóm lại là bạn mong muốn có một môi trường sư phạm hoàn hảo để những đứa trẻ không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn được phát triển nhân cách một cách hài hòa nhất.
Còn khi về nhà, con bạn sẽ không phải chịu áp lực bài tập quá nhiều, vẫn có thời gian vui chơi với bạn bè, đọc sách, xem tivi rồi đi ngủ sớm. Với các em là vậy, học mà chơi, chơi mà học. Người lớn giám sát để tạo ra sự hợp lý trong sinh hoạt cho trẻ chứ không phải là “gia sư”, tối về tiếp tục nhồi nhét kiến thức vào đầu để con cái không bị thua kém bạn bè.
Minh họa của Lê Tâm. |
Có thể thấy những năm gần đây, giáo dục cũng đã có những thay đổi đáng kể, giúp giáo viên và học sinh không bị áp lực điểm số, thi cử như những năm trước. Học sinh có nhiều thời gian hơn sau giờ học và chiếc cặp đến trường cũng nhẹ đi nhiều.
Song, để hướng tới những mục tiêu tốt đẹp, tạo ra những sản phẩm tốt nhất thì ngành giáo dục-đào tạo còn phải tiếp tục thay đổi nhiều.
Tin vui cho những ngày đầu năm mới. Bộ Giáo dục-Đào tạo đã hoàn thành dự thảo Chương trình các môn học phổ thông mới, sẽ được công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 1-2018. Tất nhiên, dự thảo này có nhiều điểm mới mang tính tích cực như các môn học chính sẽ được giảm tải để tránh học thuộc, học vẹt, tăng tính sáng tạo, định hướng nghề và rèn luyện kỹ năng ứng dụng.
Cụ thể, môn Ngữ văn được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học, nhằm lựa chọn nội dung dạy học. Các yêu cầu cần đạt tới là tập trung vào 4 kỹ năng cơ bản: đọc, viết, nói và nghe.
Chương trình mới bảo đảm nguyên tắc học sinh thể hiện được phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và những suy nghĩ của chính mình, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.
Còn với môn Toán, học sinh sẽ giảm bớt áp lực khi tiêu chí môn Toán học hướng tới là bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại. Nội dung môn Toán phải phản ánh được những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa Toán học. Đồng thời chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu.
Khắc phục tình trạng có học mà không hành như nhiều năm trước đây tại các trường công lập, chương trình các môn học mới sẽ chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Đây được coi là một tiêu chí xếp loại học sinh, giáo viên và nhà trường như kết quả giáo dục trong các môn học.
Cũng liên quan tới giáo dục, mới đây báo Tuổi trẻ đăng bài viết có nhan đề: “Vì sao giáo viên tiểu học Phần Lan đều là thạc sĩ?”
Nhiều người đọc bài này hẳn sẽ cười vì có phần “ngược đời” với giáo dục Việt Nam. Bao nhiêu năm nay, giáo viên tiểu học chỉ có trình độ trung cấp, sau được nâng lên cao đẳng tiểu học, gần đây mới có đại học tiểu học. Còn người có bằng thạc sĩ thì chủ yếu dạy đại học.
Song, giáo dục Phần Lan có triết lý riêng của mình. Giáo viên phổ thông không thể kém quan trọng hơn giáo sư đại học. Nếu như giáo sư đại học là người thầy giúp tạo ra những con người biết “làm việc” và tư duy, thì giáo viên phổ thông tạo ra những cá nhân biết “làm người” và biết cách học. Có thể nói, đó là một triết lý giáo dục đơn giản nhưng thật ý nghĩa và nhân văn.
Đổi mới giáo dục Việt Nam theo cách nào đi nữa thì chúng ta vẫn cần hướng tới những mục tiêu tốt đẹp nhất, những giá trị nhân bản nhất để con người sống với nhau nhân ái hơn, văn minh hơn.
.