Quảng bá sản phẩm với những lời “có cánh”, một trung tâm mỹ phẩm đã khiến nhiều khách hàng sập bẫy khi kí vào cam kết mua sản phẩm. Để rồi sau đó, họ bỗng phát hiện mình đã trở thành con nợ của ngân hàng với một khoản nợ lớn từ trên trời rơi xuống.
Hoang mang tột độ, nhiều người đã phải tìm cách cầu cứu ở nhiều nơi khác nhau và lên tiếng cảnh báo cho hình thức mời chào chăm sóc da mặt miễn phí này…
Chiêu trò miễn phí
Sử dụng một chiêu trò cũ đó là miễn phí sử dụng sản phẩm, trung tâm chăm sóc sắc đẹp của Spa Deaura đã khiến nhiều người sập bẫy khi bị mời mọc mua gói sản phẩm giảm giá tới 50% cùng với sự bảo trợ của ngân hàng. Nếu khách hàng chưa kí được hợp đồng tín dụng thì các nhân viên này còn chèo kéo, gọi điện chào mời đến khi nào khách mua sản phẩm thì thôi.
Theo chị Trung Thị Hoa (huyện Hoài Đức, Hà Nội), vào ngày 13-4-2017, chị được một nhân viên tư vấn của Spa Deaura gọi điện tư vấn và đặt lịch chăm sóc da mặt miễn phí. Do đã đọc thông tin trên mạng, nghi ngờ lừa đảo nhưng đến khi nhân viên này cho biết công ty này không phải bán hàng đa cấp, cũng không ép mua sản phẩm nên chị Hoa lại đồng ý.
Theo như lịch hẹn, ngày hôm sau chị Hoa đến địa điểm spa mà nhân viên hướng dẫn để chăm sóc da mặt. Sau khi chăm sóc, chị Hoa cũng thấy được hiệu quả đó là da sáng hơn trước. Lúc này, nhân viên mới bắt đầu tư vấn bộ chăm sóc da mặt giá 46 triệu đồng này, tuy nhiên do đang có khuyến mãi nên chị Hoa sẽ chỉ mất 37 triệu đồng.
Thấy giá quá cao, chị Hoa cho biết kinh tế của mình không cho phép thì nhân viên tư vấn trả góp mức 50 ngàn đồng/ngày. Nghe số tiền trả góp cũng hợp lý, chị Hoa chủ quan kí một loạt hợp đồng mà nhân viên đưa cho mà không đọc.
Sau khi kí kết hợp đồng, nhân viên đưa cho chị một bộ sản phẩm gồm một máy massage cầm tay và một số sản phẩm như: Gel dưỡng da và duy trì độ ẩm; dung dịch dưỡng da dạng tinh chất; kem đắp mặt nạ dưỡng aarml thìa nhựa lấy mỹ phẩm… tất cả đều mang nhãn hiệu Deaura. Tổng cộng chị Hoa nhận được 14 sản phẩm.
Một nạn nhân lỡ mua bộ sản phẩm. |
Khi về đến nhà, chị Hoa mới kiểm tra lại số sản phẩm nói trên và biết rằng số tiền phải trả quá lớn. Chị đã nghiên cứu một số sản phẩm tương tự trên thị trường thì thấy mình đã bị mua đắt.
Ngoài ra, chị Hoa còn biết một số thông tin cho thấy những người sử dụng sản phẩm này có dấu hiệu bị dị ứng. Vì vậy, chị Hoa không dám động đến mà gọi cho trung tâm Spa để trả lại sản phẩm.
Nhân viên tư vấn tên Trung đồng ý và hẹn mang sản phẩm đến phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) để trả. Đến sáng ngày 18-4, khi mang sản phẩm đến như lịch hẹn thì nhân viên cho biết hợp đồng đã kí và công ty không cho phép trả lại.
Theo như chị Hoa cho biết, khi đến trả, chị cũng thấy 5-6 người khác lâm vào hoàn cảnh như mình nhưng tất cả đều không trả được. Có người mua với mức 25 triệu đồng, 28 triệu đồng và có người mua với giá tận 46 triệu đồng. Chỉ duy nhất có một người do nhờ người thân can thiệp nên trả lại được nhưng chịu mức phạt 3 triệu đồng.
Sau đó không lâu, chúng tôi nhận được thông tin của chị Trần Thịnh Đức (trú tại số 67, tổ 14 phố Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, vào ngày 24-8-2017, chị nhận được điện thoại tự xưng là tư vấn viên của trung tâm Spa Deaura tại Nguyễn Đình Thi (Hà Nội). Tư vấn viên tên Vân này cho biết rằng có được số của chị Đức qua một người bạn đã từng đến trung tâm này chăm sóc da miễn phí.
Qua một hồi quảng cáo, nghe có vẻ bùi tai, chị Đức đến trung tâm này theo như lời hẹn để trải nghiệm chăm sóc da. Thế nhưng, chị không biết rằng mình sắp trở thành một con nợ qua buổi chăm sóc da đó.
Sau khi trải nghiệm, chị Đức được hai tư vấn viên giới thiệu một bộ sản phẩm chăm sóc da và một số liệu trình chăm sóc khác với giá 76 triệu đồng. Hai nhân viên này cho biết, trung tâm đang khuyến mãi nên chị chỉ mất 43 triệu đồng để hưởng trọn bộ sản phẩm này. Một nhân viên tên Huyền còn tư vấn thêm, do liên kết với ngân hàng VPBank nên chị Đức có thể trả góp với 2 khung 18 và 24 tháng.
Trước khi tới trung tâm này, chị Đức đã tự nhủ chỉ đến kiểm tra thực trạng da chứ không hề có ý định mua gì. Tuy nhiên, sau khi từ chối mua sản phẩm, nhân viên đã mượn chị Đức thẻ căn cước và giữ lại với lý do “đối chiếu thông tin”.
Tiếp đó, chị Đức phải ký vào một bản hợp đồng tín dụng, kiêm đơn đề nghị vay vốn, phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế vào lúc 21 giờ ngày 25-8 thì chị mới lấy lại được thẻ căn cước. Cho đến nay, toàn bộ văn bản, hợp đồng này vẫn chưa được trao trả cho chị.
Sau đó, chị Đức nhận được một văn bản xác nhận giao dịch của VPBank do bà Phạm Thị Thanh Phương là kiểm soát viên kí. Tuy nhiên, sau khi xem kĩ lại, tại phần hợp đồng tín dụng, bên cho vay và phát hành thẻ là Công ty Tài chính MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPB FC) chứ không phải là VPBank theo như lời của tư vấn viên trước đó.
Bộ sản phẩm của Deaura. |
Muôn kiểu lừa lọc
Ngoài những trường hợp nói trên, nhiều khách hàng cũng là nạn nhân của trung tâm này, trở thành con nợ bất đắc dĩ. Chiêu trò của trung tâm này là đều hẹn khách hàng đến trải nghiệm vào buổi tối hoặc gần trưa, với lý do khách quá đông.
Nhiều khách hàng sau khi “mê man” trước những lời tư vấn ngọt ngào, có cánh của nhân viên rồi đặt bút kí vào hợp đồng, khi ra đến cửa thì nhận ra và quay lại yêu cầu trả sản phẩm nhưng đều bị từ chối.
Theo chị Tống Thị Thương Thương (Hưng Yên) cho biết, ngay từ lần đầu tiên đến trải nghiệm tại Trung tâm Spa Deaura, chị đã “buộc” phải ký vào hợp đồng tín dụng, các nhân viên ở đây trong quá trình giới thiệu sản phẩm còn “ép” khi biết ý định của chị không sử dụng sản phẩm này.
Còn hợp đồng tín dụng kiêm rất nhiều nội dung khác được in với kích thước chữ rất nhỏ và được ép ký ngay vào khoảng thời gian rất muộn, đó là hoàn cảnh chung của rất nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm Deaura.
Trong một trường hợp khác của chị Hoàng Thu Hường (trú tại ngõ 66, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), sau khi chăm sóc da như lời mời, chị Hường được tư vấn mua bộ sản phẩm với tổng số tiền là 43 triệu đồng.
Theo giới thiệu của Công ty TNHH Deaura, các sản phẩm chăm sóc da ở đây đã được Bộ Y tế cấp phép và phân phối độc quyền tại các trung tâm. Tuy nhiên, là một người khá “tỉnh táo” trước những lời mời chào, chị Hường tỏ ra phân vân, nghi ngờ khi nghe nhân viên tư vấn rằng khi mua sản phẩm sẽ không phải trả tiền mà được bảo lãnh của ngân hàng VPBank.
Ngân hàng này sẽ cho vay tiêu dùng cá nhân và mở tài khoản tại đây, số tiền vay bằng số tiền sản phẩm mà nhân viên tư vấn mua, thời gian vay bằng với thời gian trị liệu. Số tiền này sẽ được giải ngân vào tài khoản của… Công ty Deaura.
Như vậy, thay vì thanh toán cho mỗi lần dùng dịch vụ và sản phẩm tại trung tâm thì chị Hường buộc phải dùng cho đến hết liệu trình, dù chất lượng trị liệu có hiệu quả hay không. Đương nhiên, chị Hường sẽ trở thành con nợ của ngân hàng dù không dùng sản phẩm nữa.
Cũng giống như chị Hường, chị Hiền (trú tại Nam Từ Liêm), một khách hàng của Deaura cho biết: “Khi tôi đến Trung tâm Deaura ở quận Cầu Giấy, nhân viên tư vấn chăm sóc khách hàng sau khi trao đổi với tôi về gói sản phẩm và liệu trình chăm sóc da đã yêu cầu tôi ký ngay hợp đồng vay tiền cho tiêu dùng với VPBank. Mọi thủ tục hồ sơ thẩm định đối với tôi được thực hiện rất nhanh chóng. Tôi chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân là ngân hàng đã hoàn thiện xong hồ sơ để tôi ký. Thời hạn ngân hàng cho vay là 18 tháng, số tiền vay 43 triệu đồng, ngân hàng sẽ giải ngân vào tài khoản của Công ty Deaura. Tôi có trách nhiệm trả cả gốc và lãi của ngân hàng”.
Sau khi thanh toán số tiền hơn 2 triệu đồng cho Trung tâm Deaura, chị Hiền lại không hề nhận được tin nhắn của ngân hàng báo cho khách hàng về việc thanh toán.
Khi được hỏi, nhân viên của Deaura cho biết, công ty chỉ thu hộ ngân hàng, số tiền khách hàng trả hàng tháng cho mỗi lần đi trị liệu tương đương với số tiền trả cả gốc và lãi cho ngân hàng, và được ngân hàng thông tin lại qua tin nhắn để khách hàng tiện theo dõi khoản đã vay, nhưng khách hàng lại không nhận được tin nhắn này.
Nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ về việc ngân hàng giải ngân vào tài khoản Deaura là có chuẩn xác hay đây chỉ là vỏ bọc để ép buộc khách hàng kí vào bản hợp đồng không rõ thực hư?
Với lượng “nạn nhân” mắc bẫy mua mỹ phẩm nhiều đến như vậy, ai cũng sẽ phải đặt ra câu hỏi về việc có hay không Công ty Deaura liên kết với ngân hàng để ép khách hàng mua sản phẩm rồi mắc khoản nợ “trên trời”. Nếu đã đặt bút kí vào bản hợp đồng đó, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng trở thành con nợ dù có muốn dùng sản phẩm nữa hay không.
Trả lời báo chí, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường cho biết cách, đây hơn một năm, quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phạt Deaura khoản tiền hàng trăm triệu đồng. Thanh tra Sở Y tế cũng đã đến kiểm tra và xác minh hãng có hồ sơ công bố chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ Israel.
"Vấn đề mà khách hàng phàn nàn nhiều là hình thức kinh doanh của hãng, nhưng việc này thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương và quản lý thị trường. Quản lý thị trường thì cũng kiểm tra và xử phạt rồi, nếu người tiêu dùng nào gặp vấn đề về chất lượng sản phẩm cứ báo lên chúng tôi", ông Cường chia sẻ.
.