Gần 3 năm bị chuốc thuốc mê đưa sang bên kia biên giới và làm vợ người ta, Hương luôn bứt rứt, luôn khao khát được giải thoát, được trở về quê hương. Cô bé muốn kháng cự, không muốn “gần gũi” Lin. Nhưng vì lời đe dọa của những kẻ buôn người, Hương chỉ còn biết ôm mặt khóc. Có lần quá buồn khổ, Hương dùng dao cắt mạch máu ở cổ tay và mơ được về nhà trong cơn ngất lịm...
Nước da trắng trẻo, nụ cười hồn nhiên, nhưng sâu trong đáy mắt cô gái trẻ phảng phất nỗi buồn. Có lẽ đó là nỗi buồn của đứa trẻ từ nhỏ đã phải thiếu thốn tình cảm của mẹ, lại vừa trải qua một biến cố không ai muốn.
Hương không biết mình là kết quả của một tình yêu ngang trái, hay phút lạc lòng của ba, một người đàn ông đã có vợ con. Vì lý do riêng, mẹ ruột của Hương đành để ba Hương đón về nuôi. Đến tuổi trăng tròn, cái tuổi bắt đầu mộng mơ và dễ có tâm lý “nổi loạn”, Hương bắt đầu nghỉ học vì giận dỗi gia đình.
Hương- nạn nhân của vụ buôn người. |
16 tuổi, cô bé một mình rời ngôi nhà nhỏ ở Duy Xuyên, Quảng Nam ra Hà Nội tìm việc làm theo lời rủ rê. Hương thuê phòng trọ tại một ngõ nhỏ, phụ việc tại quán ăn.
Trong dãy phòng trọ của Hương có một người phụ nữ tên Hiền, người lúc nào cũng đon đả với các cô gái trong dãy trọ. Thỉnh thoảng, Hiền rủ Hương sang phòng chơi, cho Hương vài quả ô mai, sấu dầm, chỉ Hương chỗ làm tóc hoặc rủ đi chợ chung.
Có lần, một người đàn ông tên Bình ghé thăm Hiền. Người đàn bà này nói với Hương đó là người anh trên Lạng Sơn vẫn thường hay gửi cho chị ta áo quần, mỹ phẩm. Rồi Hiền kể về những khu chợ hàng hóa ê hề, giá rẻ như cho trên vùng cửa khẩu. Thấy Hương háo hức, Hiền liền rủ lên Lạng Sơn chơi cho biết.
Một ngày cuối năm 2014, Hiền bắt xe khách đưa Hương cùng lên Lạng Sơn. Trong lúc lơ mơ vì say xe, Hương loáng thoáng nghe Hiền điện thoại bảo Bình đón.
Qua những lời ngọt ngào, ỡm ờ của Hiền, cô cười thầm khi nhận ra ông Bình là tình nhân chứ không phải chỉ là “ông anh” đơn thuần như Hiền từng nói. Xe đến Lạng Sơn vào buổi trưa, Hiền dẫn Hương vào một quán ăn. Tại đây, Bình đón sẵn và đưa cả hai vào nghỉ ngơi.
Trong lúc ăn trưa, Bình khui bia, đề nghị Hương và Hiền uống một ly “chào mừng đến Lạng Sơn”. Thấy Hương do dự, xin uống nước ngọt, Hiền uống ực cạn ly của mình rồi cầm ly của Hương đưa lên tận miệng cô.
“Anh Bình nhiệt tình chuẩn bị cả xe để đưa hai chị em đi chơi, em nể ảnh thì uống một ly, không say đâu mà sợ”- Hiền thúc ép. Nghe vậy, Hương nhắm mắt, cố uống hết ly bia đắng. Chỉ một lúc sau, Hương thấy mắt nặng trĩu và ngủ mê man lúc nào không hay...
Hình ảnh định vị cho thấy Hương đang ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. |
Một bàn tay thô ráp mò mẫm làm Hương hồi tỉnh. Cô cố đẩy ra như một phản ứng tự nhiên trong lúc cố mở mắt và nhận ra mình gần như lõa thể với Bình trong một căn phòng ẩm mốc. Cô vùng ngồi dậy, vừa chống đỡ, vừa la hét kêu cứu và dọa sẽ “tố” với Hiền nếu Bình hãm hiếp.
Nghe vậy, Bình chửi thề và đứng lên, đi ra khỏi phòng và đóng cửa lại. Hương sửa lại quần áo rồi lao tới cửa phòng, nhưng cánh cửa đã bị khóa bên ngoài. Hương đập cửa, gào khóc hồi lâu vẫn không ai lên tiếng. Kiệt sức, Hương gục xuống và bàng hoàng nghĩ tới những câu chuyện từng được nghe về các cô gái cả tin, nhẹ dạ bị lừa bán.
Chiều tối, Bình lại xuất hiện với một hộp cơm và bảo ăn, Hương hất hộp cơm và định chạy khỏi phòng. Lúc này, Bình hiện rõ là một tên lưu manh. Hắn gầm lên đòi đánh Hương và cho biết đây là đất Trung Quốc, bên ngoài nhà có người canh giữ, cô muốn trốn cũng không thể thoát được. Nghe vậy, cô bé run rẩy ngồi khép nép ở một góc phòng cho đến khi mệt quá, ngủ thiếp đi.
Những ngày sau đó, Hương bị chuyển bằng ôtô đi nhiều nơi. Trên xe còn có một số cô gái khác bị áp giải bởi những gã ma cô xăm trổ đầy mình, nói tiếng lộ khộ Hương nghe không hiểu. Chúng cũng cấm các cô gái nói chuyện với nhau, nhưng ai cũng hiểu họ đang cùng hoạn nạn, đang là món hàng hóa trong tay bọn buôn người.
Các cô có thể bị chúng đánh đập, hành hạ, thậm chí giết chết vùi thây mà cha mẹ, người thân ở nhà không hề hay biết. Nghĩ vậy, các cô gái trẻ càng run sợ, không dám có ý nghĩ phản kháng.
Khoảng một tuần sau khi bị lừa sang Trung Quốc, Hương được đưa đến một ngôi nhà hẻo lánh, vắng vẻ. Nhiều người đã đến “xem mặt” cô và ngã giá với bọn buôn người. Sau đó, một gia đình đã đồng ý trả tiền để mua cô về làm vợ cho cậu con trai tên là Lin.
Trước khi bị ép “về nhà chồng”, các cô gái luôn bị đám ma cô đe dọa rằng các kháng cự hay bỏ trốn thì sẽ bị bắt bán làm vợ những người tàn tật, thậm chí bán làm “nô lệ tình dục”.
Cũng như nhiều nạn nhân khác, Hương sợ hãi, co rúm người khi bị lôi lên xe để đưa đến nhà “chồng” với tâm trạng vô cùng hoang mang, lo lắng, không biết những ngày sắp tới sẽ ra sao...
Lin sinh năm 1991, ở với cha mẹ cùng một người anh trai, một cô em gái trong ngôi nhà đúc một tầng kín cổng cao tường và có khoảng sân rộng. Gia đình Lin làm nông, còn Lin thì lên thành phố, cách xa nhà hàng trăm kilômét làm thuê. Khi Hương được cha mẹ mua về, Lin nghỉ ở nhà mấy tháng liền để “giữ vợ”.
Dù Lin có vẻ thích và quan tâm, nhưng cũng không làm nguôi nỗi ấm ức bị bắt cóc, bị ép làm vợ một người xa lạ, chưa hề yêu thương. Những khi đi vắng, gia đình Lin khóa chặt cổng ngõ.
Còn lại một mình, Hương nhìn ra khoảng sân thấy những con thỏ đi lại mà khao khát tự do, mà nhớ về gia đình, về ngôi làng thân thương ở vùng quê Quảng Nam. Sống giữa những người xa lạ, ban đầu chưa thể giao tiếp do không hiểu tiếng Trung, Hương càng thấy mình lẻ loi, buồn tủi.
Một ngày nọ, cả nhà đi làm ruộng, Hương ở nhà nghĩ quẩn, dùng dao cắt vào cổ tay mình để tìm sự giải thoát. Trong lúc cô đang ngất lịm vì mất nhiều máu thì bỗng dưng Lin trở về.
Được cấp cứu kịp thời, Hương giữ được mạng sống. Bước qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, Hương có những chuyển biến trong suy nghĩ. Cô không thu mình nữa mà cố gắng hòa nhập với gia đình Lin. Cô bắt đầu chú ý, lắng nghe để hiểu và giao tiếp bằng tiếng Trung, rồi cô cũng ra ruộng, lên nương lao động như những thành viên khác trong gia đình.
Sự chuyển biến ấy đã diễn ra sau gần một năm Hương đến nhà Lin. Thấy vậy, Lin cũng yên tâm tiếp tục ra thành phố để lao động, vài tháng mới về một lần. Thời gian đưa thoi, Hương đã nghe và nói được tiếng Trung rất khá.
Gia đình Lin không còn quá lo lắng về việc cô bỏ trốn, dù vẫn thường xuyên để mắt đến Hương. Tuy vậy, cô vẫn chưa sinh con như mong muốn của Lin và trong lòng vẫn không nguôi nhớ về quê hương, gia đình.
Mãi sau này, Lin mới sắm cho Hương một chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Tuy nhiên, cô không nhớ số, cũng không biết cách để gọi điện thoại về cho gia đình ở Việt Nam.
Mới đây, qua phần mềm Zalo được cài trên điện thoại, Hương tình cờ được một thanh niên ở Đà Nẵng là anh N. kết bạn. Sau vài lần trò chuyện, cô đã kể cho N. nghe việc bị lừa bán sang Trung Quốc và chia sẻ mong muốn được trở về nhà.
Nghe câu chuyện của Hương, N. vô cùng thương cảm nhưng chưa biết làm thế nào., N. gửi nội dung sự việc theo lời kể của Hương vào tin nhắn trên fanpage “Tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng” nhờ giúp đỡ.
Nhận được tin nhắn, anh Huy, admin của fanpage lập tức liên hệ với N. để tìm hiểu thông tin, đồng thời nhắn tin, điện thoại trực tiếp với Hương theo tài khoản Zalo mà N. để xác nhận.
Sự việc sau đó cũng được báo cáo đến lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng. Tuy Hương không cư trú tại Đà Nẵng và sự việc, đối tượng liên quan đến vụ lừa bán cô gái này diễn ra ở địa phương khác, nhưng với tinh thần hết mình vì nhân dân, Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam xác minh và làm rõ ở thôn xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên có cô gái bị mất tích 3 năm và họ tên, ngày tháng năm sinh, kể cả tên cha mẹ đều phù hợp với thông tin do Hương cung cấp.
Trong quá trình trao đổi, Hương chỉ biết mình ở Trung Quốc chứ không rõ ở tỉnh, thành phố nào. Do Hương chỉ nghe và nói chứ không đọc được chữ Trung, nên anh Huy đề nghị Hương tìm trong nhà Lin, nếu có các giấy tờ giống như hộ khẩu, CMND thì chụp ảnh gửi về.
Huy bày cách giúp Hương định vị trên bản đồ bằng smartphone đang sử dụng và chụp lại màn hình gửi cho Huy cùng với hình ảnh ngôi nhà Hương đang ở. Ngày hôm sau, Hương đã chụp và gửi cho anh Huy như được đề nghị.
Vị trí Hương định vị trùng khớp với thông tin ghi trên hộ khẩu gia đình của Lin. Từ những hình ảnh này, nơi Hương đang cư trú được xác định là thôn Đông Tôn, xã Bạch Đàm, huyện Phù Câu, tỉnh Hà Nam, cách Việt Nam khoảng 1.700km...
Hà Nam là một tỉnh lớn ở miền trung Trung Quốc với dân số xấp xỉ 110 triệu người. Đây cũng là một trung tâm du lịch lớn nhất nhì Trung Quốc mang tầm quốc tế với hàng loạt di sản văn hóa nổi tiếng có niên đại hàng ngàn năm, mỗi năm đón trên nửa tỷ lượt du khách.
Trong lúc chờ đợi sự can thiệp bằng con đường chính thức của các cơ quan chức năng, Hương nóng lòng muốn được về Việt Nam ngay. Ý định bỏ trốn càng thôi thúc khi Hương nghe phong thanh việc vài ngày nữa Lin sẽ về ở nhà hẳn với vợ để làm ruộng, sinh con. Hương quyết tâm bỏ trốn trước khi Lin về nhà.
Cố gái trẻ dự tính chờ lúc mọi người trong nhà đi vắng, Hương sẽ chạy ra khỏi nhà, rồi tìm đường đến bến xe để đón ôtô về Việt Nam. Từ Hà Nam, có nhiều tuyến giao thông đường bộ để đi đến các địa phương khác ở Trung Quốc, qua đó có thể về Việt Nam. Tuy nhiên, Hương không biết bến xe nằm ở đâu, và phải theo lộ trình nào.
Nếu Hương bỏ trốn, rất dễ bị bắt lại, hoặc bị lạc đến một nơi khác và chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Bởi vậy, việc hỗ trợ khẩn cấp nếu Hương bỏ trốn tức tốc được vạch ra. Qua một số đầu mối, cuối cùng có một người bạn Trung Quốc ở Hà Nam nhận lời giúp đỡ....
Khi nhận được điện thoại của Hương cho biết mọi người trong nhà đi vắng, chiếc ôtô của người bạn Trung Quốc đã chạy ngang qua nhà Lin và chạy thẳng về phương Nam. Lên xe, Hương tắt điện thoại, trống ngực đánh thình thịch, lòng rối tung bao xảm xúc. Sau hơn 2 ngày, cô gái lại đặt chân lên mảnh đất Lạng Sơn rồi về lại Hà Nội.
Giữa tháng 9 này, Hương đã về miền Trung thăm quê và gặp gỡ, gửi lời cảm ơn những người đã chung sức giúp mình tự do sau gần 3 năm bị lừa bán, bị ép làm vợ xứ người. Hiện cô đã vào TP Hồ Chí Minh để sống với người thân.
Đã có một số tổ chức xã hội liên hệ, tạo điều kiện để Hương tham gia vào một số lớp học nghề để em có thể tự lực mưu sinh và vươn lên trong cuộc sống.