Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201701/ve-vung-nuoi-ga-chin-cua-doc-nhat-vo-nhi-720716/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201701/ve-vung-nuoi-ga-chin-cua-doc-nhat-vo-nhi-720716/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Về vùng nuôi gà chín cựa 'độc nhất vô nhị' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 27/01/2017, 08:25 [GMT+7]

Về vùng nuôi gà chín cựa 'độc nhất vô nhị'

Vào một ngày giáp Tết, chúng tôi đến huyện Tân Sơn (Phú Thọ) để tìm hiểu về giống gà chín cựa xuất hiện trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Gà chín cựa được người dân Tân Sơn nuôi ở Vườn quốc gia Xuân Sơn và các xã vùng đệm.
 
Tân Sơn được biết đến là vùng đất cội nguồn của giống gà chín cựa quý hiếm. Chính quyền và người dân nơi đây đang xây dựng thương hiệu cho giống gà "độc nhất vô nhị" trên toàn quốc. 
Một con gà trống nhiều cựa ở Tân Sơn
Một con gà trống nhiều cựa ở Tân Sơn
Gà "độc nhất vô nhị"
 
"Gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" là sính vật được Sơn Tinh dâng lên Vua Hùng trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Tưởng rằng giống gà quý này chỉ xuất hiện trong truyền thuyết, nhưng khi đến Tân Sơn chúng tôi khá ngạc nhiên được biết rằng, gà chín cựa ở đây nhiều vô kể.
 
Ông Phan Minh Đức, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn giải thích: "Từ khi sinh ra, người dân Tân Sơn đã thấy gà nhiều cựa giống như mọi người nhìn thấy gà ta. Không biết gà nhiều cựa có tự bao giờ, nhưng có thể nói đây chính là nơi xuất phát của giống gà chín cựa".
 
Theo ông Đức thì Tân Sơn là nơi duy nhất nuôi gà nhiều cựa trên toàn quốc. Một số nơi cũng đã nhân giống về nuôi nhưng không nơi nào gà nhiều cựa lại ngon và đẹp như Tân Sơn. Bởi gà nhiều cựa cần yếu tố môi trường tự nhiên để tồn tại mà chỉ có Vườn quốc gia Xuân Sơn là nơi thích hợp nhất.
 
Vì sao gà nhiều cựa ở Tân Sơn lại trở thành "độc nhất vô nhị"? Người dân ở đây cho biết, nghe cha ông mình kể lại, thì tổ tiên của họ đã nuôi gà chín cựa và đến ngày nay nó trở thành vật nuôi gắn bó thân thiết với cuộc sống thường ngày. Gà nhiều cựa xuất hiện đầu tiên ở xóm Cỏi, xã Xuân Sơn, nơi tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình.
 
Xóm Cỏi nằm ở vùng lõi của vườn quốc gia, 100% là người dân tộc Dao sinh sống. Đây là khu vực có khí hậu mát mẻ về mùa hè (thấp hơn 2 độ C so với các xã ở dưới chân vườn quốc gia) nên vô cùng thích hợp để gà nhiều cựa phát triển. Đặc điểm của gà nhiều cựa là sống hoang dã nên không thể ăn thức ăn công nghiệp.
 
Giống gà này chỉ thích hợp với môi trường mát mẻ nên vùng lõi vườn quốc gia là mảnh đất màu mỡ để gà khỏe mạnh. Bà Lý Thị Chải, năm nay 70 tuổi, sống ở xóm Cỏi cho biết: "Từ lúc sinh ra đến giờ, tôi chỉ biết tới giống gà nhiều cựa, ngay cả giống gà ta mà mọi người thường nhắc tôi cũng chưa biết tới".
 
Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, một cán bộ của Phòng Nông nghiệp giải thích: "Nếu như ở dưới xuôi thường quen với giống gà ta thì người dân sống ở vùng lõi vườn quốc gia lại chỉ biết đến gà nhiều cựa. Người ta ít ra ngoài tiếp xúc nên không biết gà ta trông như thế nào". Chính vì lẽ này mà gà nhiều cựa nuôi ở môi trường công nghiệp vùng đồng bằng thì rất khó sống.
Bao quanh vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn là các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Tân Sơn, Đồng Sơn đều nuôi gà nhiều cựa. Giải thích với chúng tôi về cụm từ "gà nhiều cựa", ông Phan Minh Đức cười tươi cho biết: "Gà chín cựa có lẽ chỉ còn trong truyền thuyết, trải qua bao nhiêu năm, gà chín cựa cũng bị mai một, lâu rồi người dân ở đây không nhìn thấy gà chín cựa mà chỉ có gà nhiều cựa".
 
Theo lời ông Đức thì giống gà nhiều cựa ở Tân Sơn là mỗi bên chân có từ hai đến ba, thậm chí là bốn cựa nhưng cả hai chân thì không có đến chín cựa mà chỉ từ bảy đến tám cựa.
 
Bà Lý Thị Tần, một hộ dân nuôi gà nhiều cựa ở xã Xuân Đài kể: "Giống gà này khả năng leo núi cực kỳ tốt. Chính vì đặc tính tự bấu vào đất, rễ cây mà đi nên mới sinh ra chân có cựa". Không chỉ trèo leo giỏi mà thịt gà nhiều cựa đều chắc, ngọt, thơm, gà mái chỉ cân nặng từ 1,2 đến 1,6kg, gà trống to nhất cũng chỉ tới 2-2,2kg.
 
Đặc điểm khác biệt của gà nhiều cựa không chỉ chân chồi lên cựa mà chúng còn bay rất tài. Cả Xuân Đài hộ nào cũng nuôi gà nhiều cựa nên có thể coi đây là vùng đất chuyên gà cựa của huyện Tân Sơn.
 
Chỉ vào những con gà nhiều cựa đang lon ton bới thức ăn, ông Phan Minh Đức nói: "Bao đời nay chúng tôi vẫn nuôi giống gà này mà có biết nó quý hiếm đâu. Mãi đến năm 2002 có đoàn khảo sát của Hội liên hiệp chăn nuôi tỉnh Phú Thọ và Bộ NN&TPNT về so sánh, đánh giá và công nhận gà nhiều cựa có nguồn gen quý hiếm cần bảo tồn, lúc bấy giờ dân ở Tân Sơn mới chú ý, quan tâm và tăng gia nuôi".

 

Nuôi gà nhiều cựa đem lại kinh tế cao cho nông dân huyện Tân Sơn
Nuôi gà nhiều cựa đem lại kinh tế cao cho nông dân huyện Tân Sơn
Trên thực tế, gà nhiều cựa ở Tân Sơn đã được một số thương nhân mua về lai tạo nhưng không thành công. Ông Đức đánh giá: "Gà lai nhiều cựa của Tân Sơn thường có lông mượt đẹp, đa dạng màu, trọng lượng lớn và không bay được như gà nguyên bản.
 
Đặc biệt, thịt của gà lai nhiều cựa không dai và thơm ngon như gà nguyên bản. Do vậy, gà nhiều cựa Tân Sơn vẫn là giống gà có giá thành cao vì nó là "độc nhất vô nhị".
 
Làm giàu từ gà nhiều cựa
 
Chúng tôi tìm về xã Xuân Đài, nơi có nhiều hộ nuôi gà nhiều nhất ở Tân Sơn. Xuân Đài nằm dưới chân vùng đệm của vườn quốc gia, đất đai phì nhiêu, khí hậu mát mẻ. Kể từ khi gà nhiều cựa ở Tân Sơn được công nhận là giống gà quý hiếm, người dân ở đây ngoài niềm vui còn bắt đầu tăng gia nuôi gà làm giàu.
Gà nhiều cựa Tân Sơn kể từ đó mới được người dân cả nước biết đến, sản xuất không đủ cung cho thị trường. Anh Hà Văn Tâm, cán bộ khuyến nông của xã tự hào khoe: "Cả xã có 1.300 hộ thì hộ nào cũng nuôi gà nhiều cựa, hộ nuôi quy mô lớn lên tới vài trăm con, nhiều nhà làm giàu từ giống gà này".
 
Những ngày giáp Tết này, người dân ở xã Xuân Đài nói riêng và các xã nuôi gà nhiều cựa nói chung đều phấn khởi khi thương lái ra vào tấp nập để mua gà phục vụ thị trường Tết. Vì gà quý nên không có nhiều để bán rộng rãi ra thị trường, chủ yếu là gà được bán buôn cho chủ thương lái, nhà hàng, thậm chí có khách lẻ tìm về tận nơi để đặt mua làm quà biếu.
 
Anh Tâm cho biết, thị trường của gà nhiều cựa ngoài Phú Thọ còn có Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh phía Bắc, thậm chí có người còn đặt mua mang vào Nam. Nhìn những chú gà nhiều cựa thả rông chạy đầy trong xã, rúc vào bụi cây tránh nắng, trông chúng chẳng khác gà ta là bao, nhưng nhìn xuống chân chúng thì quả là độc nhất vô nhị.
 
 Trang trại gà của gia đình anh Tâm có trên 500 con, nhưng khoảng 300 con bán vào dịp Tết. Anh Tâm cho biết: "Hầu hết gà này có khách đặt mua, nhiều con gà sống trên 2kg lông mượt, chân có từ 6 đến 8 cựa đều được khách đặt hàng hết". Gà nhiều cựa nguyên bản tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với gà ta, nên giá thành của nó cũng cao gấp 3 lần giá gà ta trên thị trường (từ 300.000 -350.000/kg).
 
Vào dịp Tết, giá gà nhiều cựa còn tăng cao hơn, có thể lên tới 400.000 đến 420.000 đ/kg. Là giống gà quý hiếm nên gà nhiều cựa cũng mang ý nghĩa tâm linh, thường được dùng làm quà biếu trong dịp lễ, Tết để đem đến may mắn cho gia chủ. Gà nhiều cựa cũng được nhiều người chọn làm lễ vật dâng lên cúng tổ tiên để đem lại may mắn cho cả năm sung túc.
 
Ở huyện Tân Sơn xuất hiện một số nhà hàng bán "gà nhiều cựa". Theo giải thích của cán bộ huyện thì đó là một trong những phương thức tiếp thị, quảng cáo gà nhiều cựa cho du khách khi họ đến thăm quan Vườn quốc gia Xuân Sơn. Trang trại gà nhiều cựa của bà Lý Thị Tần nằm gần chân núi, mỗi năm thu hoạch 2 đến 3 lứa nhưng cũng không đủ cung ứng cho thị trường.
 
Bà Tần nói: "Gà này nuôi lâu lớn lắm, mà chưa kịp lớn đã có người vào hỏi mua". Toàn bộ gà trong trang trại của bà đã có khách đặt cho Tết này. Chính vì thế mà cái Tết với người dân Xuân Sơn khá xôm do gà được giá, không bị mất đàn vì ít bệnh tật.
 
Do thị trường lớn, nên nuôi gà nhiều cựa là phương án làm giàu cho nông dân Tân Sơn hiện nay. Tuy nhiên, tổng đàn gà nhiều cựa ở Tân Sơn chỉ chiếm 10% trên tổng đàn gia cầm của huyện, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế có một không hai mà thiên nhiên ban phát cho Tân Sơn.
 
Vì vậy, theo ông Phan Minh Đức, huyện Tân Sơn đang triển khai Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Gà nhiều cựa Tân Sơn" nhằm ngăn chặn hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, loại trừ các sản phẩm không đúng nguồn gốc. Khi có thương hiệu, sẽ tiếp tục phát triển giống gà nhiều cựa với quy mô lớn trên toàn huyện, để người dân chăn nuôi, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và làm giầu từ giống gà quý.
 
Một cái Tết đang đến thật gần, người dân Tân Sơn chọn những con gà nhiều cựa đẹp nhất để đêm 30 Tết dâng lên cúng tổ tiên, cầu mong một năm mùa màng tươi tốt. Không khí nhộn nhịp không chỉ bởi họ chuẩn bị đón Tết mà từng xe ôtô rồng rắn mang những chú gà quý hiếm về Hà Nội và các tỉnh, thành cho khách hàng làm quà biếu, quà tặng dâng lên cúng tổ tiên với mong ước cả năm gặp nhiều may mắn.
 
.

Nguồn: Báo CAND

.