Xuất phát từ nhu cầu thực tế, thời gian gần đây, dịch vụ cấp cứu, khám chữa bệnh tại nhà ở TP HCM đã từng bước trở nên quen thuộc, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người, nhất là những người già yếu bị bệnh nặng, khó khăn trong đi lại… Tuy nhiên, xung quanh dịch vụ này còn khá nhiều điều cần phải xem xét thêm.
Dịch vụ mang nhiều ý nghĩa nhân văn và tiện lợi
Hiện nay, khi mắc bệnh, tai nạn, người dân thường tự đến bệnh viện (BV), phòng khám để được chữa trị. Giải pháp nội viện đã và đang đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng cũng đã dẫn đến tình trạng quá tải với những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng hơn.
Từ đó, dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Có thể nói đây là dịch vụ mang nhiều ý nghĩa nhân văn và tiện lợi đang cần được khuyến khích phát triển.
Theo tìm hiểu tại TP Hồ Chí Minh, một số BV công lập đã thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà, từ BV tuyến quận huyện như BV quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp… đến các BV chuyên khoa tuyến cuối như BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, BV Thống Nhất…
Bên cạnh đó là nhiều BV, phòng khám tư nhân cũng đã mở dịch vụ cấp cứu, bác sĩ khám chữa bệnh tận nhà… Theo đó, nói chung khi sử dụng dịch vụ này, bác sĩ sẽ đến tận nhà thăm khám, đo huyết áp, siêu âm, đo điện tim, lấy mẫu máu, nước tiểu để xét nghiệm, nghe tim phổi, thăm hỏi tiền sử bệnh tật, các loại thuốc dùng trước đó...
Dĩ nhiên, tùy vào điều kiện và các trang thiết bị cũng như danh tiếng thì mỗi BV hay phòng khám có mức phí thực hiện khác nhau, nhưng đa phần đều gấp đôi đến gấp ba mức phí mà người bệnh đến BV khám nên người sử dụng dịch vụ cần hỏi cặn kẽ.
Chẳng hạn, tại BV đa khoa Vạn Hạnh, mức phí được tính như sau: siêu âm 1.000.000 đồng/người/lần, nghe tim phổi 200.000 đồng/người/lần, đo huyết áp 200.000 đồng/người/lần...
Dịch vụ cấp cứu, khám chữa bệnh tại nhà đang từng bước trở nên quen thuộc, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người |
Ngoài ra, tiền khám của bác sĩ được tính riêng là 1.000.000 đồng/người/lần và chi phí xe cấp cứu mang theo dụng cụ khám, siêu âm của bác sĩ là 1.000.000 đồng/người...
Nếu khám người thứ hai trở lên thì tiền khám, siêu âm... sẽ được nhân lên. Sau đó, người bệnh được giữ liên lạc với bác sĩ để trao đổi và theo dõi sức khỏe lâu dài.
Tuy nhiên, tất cả bác sĩ đến nhà khám đều là những bác sĩ khoa nội tổng quát nên chỉ có thể khám, điều trị tại gia những bệnh nhẹ. Và bệnh nhân được tư vấn đến khám ở chuyên khoa phù hợp tại BV nếu có bệnh nặng.
Dù giá cả khám chữa tại gia khá cao như kể trên, nhưng các BV cho rằng, khi thực hiện dịch vụ này thì bệnh nhân là người được hưởng lợi nhiều nhất vì không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi khám bệnh và tránh được những nguy cơ nhiễm khuẩn chéo trong BV.
Đặc biệt, những trường hợp người già không đi lại được hoặc trẻ em còn nhỏ tuổi việc đi lại đến BV sẽ tốn nhiều nhân lực của gia đình. Trong khi mọi người đều bận nhiều công việc, sử dụng dịch vụ khám bệnh tại nhà là một giải pháp tối ưu.Dịch vụ này cũng góp phần làm giảm tải cho BV, đồng thời giúp làm hài lòng người bệnh.
Có lẽ triển khai sớm nhất là BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, bởi ngay từ tháng 9-2011, BV đã thực hiện việc khám, chăm sóc giảm nhẹ cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại nhà.
Mới đầu số bệnh nhân đăng ký còn ít, đến nay có ngày BV nhận được hàng chục yêu cầu đến khám bệnh tại nhà nhưng BV chưa thể đáp ứng hết.
Trung bình mỗi ngày, êkip của BV đến khám tại nhà khoảng 5 - 6 bệnh nhân. Ngoài chi phí phải trả cho êkip khám chữa bệnh tại nhà, bệnh nhân vẫn được hưởng mọi quyền lợi về bảo hiểm y tế (BHYT) như khi đến khám tại BV.
Từ tháng 11-2014, khi BV quận Gò Vấp triển khai dịch vụ khám bệnh tại nhà, người dân có thể lên BV nộp sổ đăng ký khám bệnh tại nhà cho người thân của mình.
Giống như BV Ung bướu, ngoài đóng thêm phí dịch vụ khám bệnh tại nhà, người bệnh vẫn được hưởng BHYT giống như bệnh nhân đến BV khám. Sau khi khám bệnh tại nhà xong, bác sĩ sẽ về BVkê toa thuốc, còn người nhà bệnh nhân đến BV nhận toa, lãnh thuốc.
Ngoài ra, BV quận Gò Vấp cũng đã xin phép Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thành lập phòng khám bác sĩ gia đình, trong đó êkip y bác sĩ đến nhà bệnh nhân khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng nếu bệnh nhân có nhu cầu.
Triển khai sau BV quận Gò Vấp, BV Thống Nhất cũng có dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà từ tháng 4-2015. Hiện số người đăng ký dịch vụ này ngày càng tăng…
Mới đây nhất, vào sáng 16-12-2016, BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Vạn Khang SOS đã tổ chức lễ ký kết hợp tác toàn diện cung cấp cho người dân TP Hồ Chí Minh, hệ thống dịch vụ "Cấp cứu tại chỗ, chữa bệnh tại nhà".
Tại buổi lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, mặc dù giải pháp chăm sóc người bệnh tại nhà của BV này đã có cách đây 15 năm (2001), nhưng vẫn không đáp ứng được áp lực quá tải của việc khám chữa bệnh, khó đáp ứng mong chờ của người bệnh trong nội viện.
Việc kết hợp với Vạn Khang SOS là một mô hình mới, kết hợp với công nghệ thông tin sẽ thêm một giải pháp ngoại viện của BV; giúp người bệnh được cấp cứu tại chỗ, chữa bệnh tại nhà; giảm bớt áp lực nội viện.
Trong khi đó, theo TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vạn Khang SOS, công ty có hệ thống công nghệ cao, có khả năng tự động kết nối với khách hàng toàn thành phố khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ cấp cứu và chữa bệnh tại nhà.
Các dịch vụ cung ứng cho người dân thành phố hiện nay bao gồm: Cấp cứu tại chỗ: Người có yêu cầu cấp cứu chỉ cần bấm nút SOS trên thiết bị chuyên dùng hoặc trên điện thoại di động đã cài đặt ứng dụng VK-SOS. Tổng đài tự động sẽ định vị khách hàng và điều động xe cấp cứu gần nhất thực hiện nhiệm vụ.
Chữa bệnh tại nhà: Khám bệnh, tư vấn, kê đơn điều trị, chăm sóc y tế, vật lý trị liệu, y học cổ truyền, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân nặng, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối… Bên cạnh đó, còn có các dịch vụ như lấy bệnh phẩm xét nghiệm, vận chuyển bệnh nhân.
Trước đó, Công ty Vạn Khang SOS cũng đã cung cấp dịch vụ Cấp cứu tại gia bằng xe gắn máy. Đây là dịch vụ mới xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 5 trạm cấp cứu đặt tại 5 quận là 1, 3, 5, 10 và Phú Nhuận. Đại diện Vạn Khang SOS cho biết, trong thời gian tới sẽ phủ sóng ở các quận khác, kể cả các huyện Củ Chi và Nhà Bè.
Cần một hành lang pháp lý
Tuy vậy, do mô hình khám bệnh tại nhà còn mới, đến nay ngành y tế vẫn chưa có những quy định chung cho mô hình này nên các BV tự triển khai cho phù hợp với điều kiện của từng BV.
Hơn nữa, việc chưa có quy định cụ thể như về trách nhiệm pháp lý của bác sĩ và người bệnh cũng như các dịch vụ kỹ thuật y khoa nào được thực hiện tại nhà… đã khiến nhiều BVcông lập dù rất quan tâm nhưng vẫn khá e dè với dịch vụ này.
Trong Luật Khám chữa bệnh hiện vẫn chưa quy định về loại hình khám chữa bệnh tại nhà. Hình thức tổ chức các cơ sở khám chữa bệnh chỉ bao gồm: BV, cơ sở giám định y khoa, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, bác sĩ gia đình, phòng chẩn trị y học cổ truyền, trạm y tế cấp xã… Chưa có quy định cụ thể nào về dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà cho các cơ sở y tế công lập.
Để có thể tiếp tục thực hiện dịch vụ này mà không bị xem là sai luật, một số BV sử dụng lực lượng bác sĩ gia đình để khám chữa bệnh tại nhà.Tuy vậy, không phải BV nào cũng có lực lượng bác sĩ gia đình để thực hiện khám chữa bệnh tại nhà. Một số BV hiện nay vẫn chưa được BHXH thành phố đồng ý thanh toán cho dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà.
Những rào cản này khiến các BV chưa dám thực hiện hoặc chưa mạnh dạn mở rộng đối tượng bệnh nhân. Trong khi đó, các BV cho biết, lượng bệnh nhân đăng ký thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà càng lúc càng nhiều.
Do đó, đến nay mới chỉ có một số BV trong thành phố có dịch vụ khám bệnh tại nhà. Nhưng cũng có một lý do khác khá tế nhị đó là theo giám đốc một BV, sở dĩ nhiều BV ít mặn mà với việc này dù nhu cầu thực tế khá cao vì việc khám chữa bệnh tại BV và khám chữa tại gia cho ra hiệu quả khá khác biệt về nhiều mặt.
Chẳng hạn như một bác sĩ khi khám tại BV có thể khám được tới 40-50 bệnh nhân trong một buổi, nhưng đến khám bệnh tại nhà chỉ khám được cho hai bệnh nhân. Với chi phí 150.000 - 500.000 đồng/lượt khám tại nhà cũng không nhiều so với kinh phí BV phải bỏ ra cho một bác sĩ, một điều dưỡng, tiền xăng xe...
Chưa kể, trong khi khám bệnh tại nhà, nếu xảy ra những chuyện ngoài ý muốn như bệnh nhân già yếu, bệnh nặng có thể mất đột ngột thân nhân trong lúc đau buồn, không hiểu bệnh trạng của người thân, rất có thể xảy ra xích mích, tranh chấp giữa thân nhân bệnh nhân và nhân viên y tế… Điều này cũng không phải chuyện đơn giản khi giải quyết.
Theo BS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình này, các BV chăm sóc cho người bệnh là chính, còn can thiệp điều trị xâm lấn thì Sở chưa cho phép.
Trước mắt là ưu tiên cho người già, những người khó khăn trong đi lại… Ông cho biết thêm: Sẽ có những kiến nghị gửi Bộ Y tế để tháo gỡ khó khăn cho các BV sau khi dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà đạt được những hiệu quả nhất định.
Trong điều kiện hiện nay, khi mà người dân thực sự có nhu cầu về khám chữa bệnh tại nhà, có thể thấy dịch vụ này có đầy đủ ý nghĩa để tồn tại. Vấn đề ở đây là cần một hành lang pháp lý để quản lý loại hình dịch vụ này, đảm bảo quyền lợi cho cả BV lẫn bệnh nhân.
.