Xem xong clip dài hơn một phút có tên gọi "Cánh đồng hoa hướng dương thất thủ trong ngày đầu lễ hội" khiến chúng ta không khỏi xót xa, buồn phiền.
Hàng trăm người len lỏi, chen chúc trên các lối đi giữa cánh đồng hoa, những cánh hoa nở dưới nắng đã bắt đầu rũ xuống, những đứa trẻ phải du lịch bất đắc dĩ cùng người lớn với vẻ mặt mệt mỏi…
Có thể nói, Nghệ An đã rất sáng kiến khi tổ chức Ngày hội hoa hướng dương và Đêm hội sắc xuân miền Tây cách đây không lâu.
Đây là dịp để Nghệ An kết nối, giới thiệu, quảng bá hình ảnh và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đến với bạn bè trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.
Ý tưởng là tốt, là hay, nhưng các nhà tổ chức không thể lường hết được những gì diễn ra trong 3 ngày hội.
Ngay đầu clip là cảnh một chú bé vít một bông hoa hướng dương xuống, giật từng cánh hoa đến khi bông hoa tơi tả. Tiếp đến là hình ảnh người đàn ông ăn sữa chua rồi vứt vỏ hộp xuống một gốc cây, người mẹ trẻ và đứa con chén xúc xích nướng xong cũng ném ngay hộp xốp xuống đất...
Liền sau đó là một bãi rác dọc lối đi và buồn nhất là những cây hoa hướng dương ngạo nghễ dưới ánh mặt trời bị bẻ gãy, nằm rạp trên mặt đất.
Chưa hết, ngay cạnh cánh đồng hoa vàng rực là các hàng ăn uống với cảnh người ta chen chúc mua như ong vỡ tổ. Thú thật, tôi rất khó chịu khi đến những điểm tham quan mà cạnh đó người ta bày bán đồ ăn uống.
Giữa một không gian đẹp đẽ, thoáng đãng mà phải ngửi các loại mùi thức ăn thì còn gì là thư giãn, mơ mộng nữa? Đó là chưa kể đến việc hậu ăn uống là rác vứt bừa bãi quanh chỗ những người vừa ăn. Một hình ảnh thật phản cảm.
Phải thừa nhận những năm gần đây, đời sống người dân được cải thiện rất nhiều. Nhu cầu giải trí, thư giãn những ngày cuối tuần tăng cao và các địa phương đều khai thác tối đa các sản phẩm du lịch của mình.
Không nhất thiết phải là những địa danh nổi tiếng mà giờ đây, chỉ là những thảm hoa nở theo mùa cũng trở thành một điểm đến hấp dẫn như lên Hà Giang với ngày hội hoa tam giác mạch; đến Mộc Châu với hoa cải, hoa ban trắng muốt; vào Nghệ An với lễ hội hoa hướng dương vàng rực…
Tất cả những khung cảnh đó đều được khách quay clip hoặc chụp ảnh rồi đưa lên mạng như một trào lưu cuốn hút nhiều người. Song, điều đáng buồn là sau tất cả những tấp nập, ồn ào của du khách là những cánh đồng hoa bị xéo nát, phá phách đến tan hoang. Cùng với hình ảnh thê thảm đó là những bãi rác mà các vị khách thiếu ý thức xả ra.
Rõ ràng đây là một thói quen xấu, rất xấu xảy ra ở hầu hết các điểm du lịch. Tôi thường nghĩ, du khách thường là những người có đời sống tinh thần phong phú, thích khám phá và tất nhiên, đa phần là có văn hóa, hiểu biết xã hội.
Thậm chí, trong số những du khách đó, khá nhiều bạn trẻ là sinh viên đang học các trường cao đẳng, đại học đi picnic cùng bạn bè cuối tuần. Vậy mà, những thói quen xấu đó vẫn bộc lộ, không ngượng ngập khiến nhiều vị khách nước ngoài tận mắt chứng kiến chỉ biết lắc đầu cười.
Những thảm hoa rực rỡ đó không phải tự nhiên mà có. Tất cả đều do bàn tay con người tạo ra. Từ lúc gieo hạt nảy mầm đến khi cây vươn cao, trổ hoa là cả một quá trình vất vả, một nắng hai sương của người lao động. Nhìn những cây hoa bị dập nát, héo rũ bởi bàn chân vô ý thức của con người cảm thấy thật xót xa.
Minh họa của Ngô Xuân Khôi |
Coi thường thành quả, sức lao động của người khác là điều không bao giờ chấp nhận được trong xã hội văn minh. Càng không thể chấp nhận được khi có những hành động mất mỹ quan, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng.
Ở một đất nước cách chúng ta hơn một giờ bay - Singapore, nếu ai vứt rác ra đường, hành động đó sẽ trở nên lạc lõng bởi ở đây, việc xả rác không chỉ bị phạt tiền mà còn được người dân chấp hành một cách tuyệt đối.
Những thói quen tốt đẹp đó hình thành nên nhân cách sống và rõ ràng việc xây dựng một xã hội văn minh, kỷ cương được bắt đầu từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt đó.
.