Con bạn năm nay 6 tuổi và sẽ dự lễ khai giảng đầu tiên trong đời, bạn sẽ chuẩn bị những thứ gì? Chắc chắn là rất nhiều bởi bạn luôn muốn dành cho con một cách trọn vẹn nhất cho sự kiện đặc biệt này. Thậm chí, cả đêm hôm trước, bạn hầu như không ngủ được, mong trời mau sáng để đưa con tới trường.
Và rồi ngày đó cũng tới. Khắp các ngả đường tràn ngập sự rộn rã, vui tươi và đầy màu sắc. Con bạn sẽ hỏi bạn những câu hỏi ngô nghê nhất, đáng yêu nhất về thầy cô, trường lớp và cả những lo âu của nó cho những ngày sắp tới. Tất nhiên, bạn sẽ động viên con và cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với nó suốt quãng đời cắp sách. Chỉ đến khi con bạn bước qua cổng trường, bạn mới thật sự yên tâm.
Trẻ em vùng cao gặp nhiều khó khăn trong việc học. |
Đó là không khí khai giảng tại những thành phố lớn, các khu đô thị. Còn nếu bạn lướt qua một phóng sự ảnh ghi lại ngày khai giảng tại một điểm trường ở vùng núi Tây Bắc, chắc hẳn bạn sẽ nghẹn lòng. Đường tới trường lầy lội vì cơn mưa đêm hôm trước. Các con suối nước dâng cao. Những bàn chân nhỏ xíu lấm lem bùn đất cố đến trường cho kịp lễ khai giảng. Rồi có cả ảnh một thầy giáo cõng học sinh đi qua con suối, trên đầu, mây xám vần vũ…
Bao năm rồi vẫn vậy, cuộc sống của bà con vùng sâu, vùng xa vẫn không thay đổi là bao. Khi cái ăn, cái mặc còn là nỗi lo thường trực thì cái học cũng đâu được chú trọng nhiều. Song, thật đáng khâm phục những thầy cô từ miền xuôi lên cắm bản. Họ chấp nhận sống vô cùng khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh những tháng năm tươi đẹp nhất để đến với các em nhỏ vùng cao. Nếu họ toan tính, nếu họ không có tình yêu với trường lớp, tôi tin nhiều người đã bỏ cuộc.
Cách đây không lâu, tôi có dịp đến một bản heo hút ở Lai Châu, bản Hua Bum ở Mường Tè. Xa lắm, đi từ sáng sớm mà tối mịt mới tới dù quãng đường từ thị trấn huyện xuống chưa đến 50km. Hôm đó trời rất lạnh, cái lạnh như ngấm vào máu thịt. Đến hôm nay, tôi còn nhớ rõ cảm giác khi đứng tại khoảng sân rộng của một lớp tiểu học lưng chừng núi. Gió thốc ù ù qua tai, bầu trời nặng trĩu và những dáng người nhỏ bé liêu xiêu gùi đồ ngược dốc.
Và trong khoảnh khắc đó, tôi thấy vang lên tiếng giảng bài của một cô giáo trẻ. Lớp học chỉ có gần chục em, những khuôn mặt tái đi vì lạnh vẫn ngước lên bảng, lắng nghe cô giảng bài. Sau này, cô bảo, những ngày lạnh thế này, cô phải dậy từ lúc tối mịt, gõ cửa từng nhà để đưa học sinh tới lớp. Niềm vui của cô bình dị lắm, chỉ là được nhìn thấy đầy đủ các em tới lớp mỗi ngày.
Còn nơi phồn hoa, rực rỡ ánh đèn thành phố, hàng ngày chúng ta vẫn phải nghe, phải chứng kiến những câu chuyện buồn về lòng tham hay sự độc ác của con người. Với họ, không bao giờ có khái niệm đủ mà chỉ có hơn hoặc hơn nữa. Không ít người lợi dụng vị trí đảm nhiệm để trục lợi, đục khoét. Có người còn gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mà vẫn vô can, thậm chí còn được cất nhắc lên những vị trí công tác cao hơn.
Với số tiền thất thoát đó, tôi nghĩ chắc chắn sẽ xóa đói, giảm nghèo cho hàng nghìn người và ở nơi rừng xanh núi đỏ kia, các em học sinh hẳn sẽ có những lớp học khang trang hơn, mùa đông không bị những làn gió buốt lạnh luồn qua khe cửa và con đường đến trường của các em sẽ bằng phẳng hơn, đẹp đẽ hơn.
Tháng 9, ngày khai giảng mở đầu cho một năm học mới cũng là lúc đón nhận một tin nóng: Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định đổi mới trong việc thi cử cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017. Tất nhiên, có nhiều nội dung đổi mới nhưng những người trong cuộc đặc biệt quan tâm tới việc thi trắc nghiệm môn Toán.
Nếu như cách đây 2 năm, việc gộp 2 kỳ thi thành một đã khiến nhiều người choáng váng, cả xã hội nháo nhào bất an trong cuộc chơi chứng khoán bất đắc dĩ thì đến năm nay, mọi việc có vẻ êm hơn khi việc nộp hồ sơ xét tuyển đã được đơn giản và khắc phục những hạn chế của năm trước.
Cũng tưởng mọi việc dừng lại, tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi năm sau diễn ra tốt hơn thì đùng một cái, sự bất ngờ lại xuất hiện với tên gọi đổi mới khiến những người trong cuộc lại cảm thấy bất an. Vẫn biết đổi mới là cần thiết, là động lực cho sự phát triển nhưng nguyên tắc cao nhất của đổi mới là sự kế thừa và phù hợp. Còn mỗi năm một kiểu đổi mới rõ ràng khiến người ta cảm thấy thật sự hoang mang.
Quan điểm của Hội Toán học Việt Nam trong cuộc họp báo mới đây khiến nhiều người quan tâm. Trước đó, Ban chấp hành Hội Toán học đã có nhiều cuộc họp và thống nhất sẽ có một kiến nghị bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc này.
Hội Toán học cho rằng, quyết định chuyển đổi hình thức thi môn Toán sang hình thức trắc nghiệm là một quyết định gấp gáp khiến học sinh, giáo viên chưa có sự chuẩn bị cần thiết và hoàn toàn chưa chứng minh được ưu điểm về chuyên môn của phương thức thi này. Đã vậy, việc đổi mới không có sự tham khảo của các nhà chuyên môn, những người trong cuộc nên chưa mang tính thuyệt phục cao.
Một đại diện Hội Toán học Việt Nam khẳng định: Mục tiêu của môn Toán không phải chỉ dạy cho học sinh kỹ năng cụ thể mà quan trọng nhất là dạy cho học sinh phương pháp tư duy. Điều này không phải chỉ dành cho toán học mà dành để học nhiều môn học khác sau khi thi học sinh có thể quên một số kiến thức cụ thể. Còn phương pháp tư duy sẽ được phát triển để ứng dụng vào các môn học khác. Nếu áp dụng phương thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT đối với môn Toán sẽ phá hủy hoàn toàn mục tiêu đó.
Một đất nước rất gần gũi và có nhiều đặc điểm giống với nước ta, đó là Hàn Quốc. Từ lâu, Hàn Quốc đã có truyền thống đề cao vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục, coi đây là một phương tiện cơ bản để hoàn thiện con người và là động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Ngay sau khi Nhà nước Đại Hàn dân quốc được thành lập (năm 1948), Chính phủ bắt đầu xây dựng hệ thống giáo dục hiện đại, và từ đó và đến nay, đã tiến hành 7 lần cải cách giáo dục, lần đầu vào năm 1955 và lần gần đây nhất là năm 1977 với mô hình giáo dục gần như Nhật Bản.
Sau nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ dân số biết chữ cao nhất thế giới. Chính trình độ học vấn cao của người Hàn Quốc là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh và đưa đất nước này nhanh chóng trở thành một trong những “con rồng” trong nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới của Đông Á.
Thời điểm hiện tại, Hàn Quốc vẫn đang tiến hành cải cách hệ thống giáo dục. Hoạt động cải cách giáo dục được thực hiện sâu rộng, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân. Cải cách giáo dục không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Giáo dục và Phát triển nhân lực mà là của cả bộ máy chính phủ, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi gia đình.
Trông người lại ngẫm đến ta. Chúng ta cũng có ngần ấy năm để xây dựng và cải cách giáo dục qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ, song hiệu quả thu được thì còn nhiều hạn chế. Một giáo sư người Pháp khi sang giảng dạy tại Việt Nam đã nói một cách hài hước rằng: Giáo dục đại học ở Việt Nam chậm hơn so với các nước trên thế giới… 60 năm.
Học hỏi các nước tiên tiến rồi áp dụng vào điều kiện thực tế Việt Nam, thiết nghĩ, đó là con đường ngắn nhất mà hiệu quả nhất để chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Chứ như những lần đổi mới gần đây rõ ràng là để lại những hệ quả xấu và rất khó thúc đẩy giáo dục lên những tầm cao mới.