Trong giai đoạn đầu đời, thể chất của trẻ sơ sinh còn rất yếu nên nếu mắc phải những căn bệnh bẩm sinh nào cũng đều có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của trẻ. Tình trạng bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh cũng là một căn bệnh dễ mắc phải và rất nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho bé về sau.
Nếu biết bệnh của trẻ ngay từ trong bào thai thì sẽ cứu được bệnh nhân sau sinh, còn nếu không được chẩn đoán từ trong thai thì đứa trẻ có nguy cơ tử vong rất cao đặc biệt là với những bé mắc bệnh tim bẩm sinh phụ thuộc ống động mạch khi ống động mạch đóng lại mà không được cấp cứu kịp thời.
Các bé được chăm sóc đặc biệt tại Phòng Hồi sức Tích cực. |
Chúng tôi có mặt tại Phòng Hồi sức tích cực, Khoa Nhi, Bệnh viện Tim Hà Nội trong một ngày đầu tuần làm việc. Sau khi đã tuân thủ mọi quy định nghiêm khắc của các y, bác sĩ nơi đây về y phục, khử trùng… Bởi bên trong là nơi chăm sóc, điều trị đặc biệt cho những trẻ sơ sinh vừa được các bác sỹ mổ can thiệp bệnh tim bẩm sinh.
Nhìn những ánh mắt của các ông bố, bà mẹ và người nhà bệnh nhân dõi theo các "thiên thần nhỏ" của mình qua một lớp kính ngăn cách, tôi thấy thật tội nghiệp. Họ chỉ biết đặt trọn niềm tin vào trình độ, sự tận tình chăm sóc của các y, bác sĩ cũng như các máy móc, trang thiết bị hiện đại nơi đây sẽ giúp những em bé sớm khỏe mạnh để trở về với gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: "Tôi cùng êkip vừa can thiệp thành công bệnh tim bẩm sinh phức tạp cho bệnh nhân là trẻ sơ sinh Nguyễn Thuỳ Linh (quận Long Biên - Hà Nội). Khi sinh ra, Nguyễn Thùy Linh chỉ nặng 1,6kg, được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đến Viện Tim Hà Nội với chẩn đoán tim bẩm sinh.
Bệnh nhân là con sinh đôi, sinh thiếu tháng (30 tuần thai) và làm thụ tinh nhân tạo. Qua chẩn đoán, các bác sĩ xác định là teo van động mạch phổi - thông liên thất còn ống động mạch.
Đây là bệnh tim bẩm sinh phức tạp, có tuần hoàn phổi phụ thuộc ống động mạch, bệnh nhân sẽ tử vong nếu ống động mạch đóng. Hơn nữa, thời điểm làm can thiệp, Thùy Linh cân nặng chỉ có 1,7kg nên rất khó thực hiện phẫu thuật mổ mở. Vì thế, chúng tôi quyết định can thiệp qua động mạch.
Tuy nhiên, cũng là thách thức lớn khi trẻ quá nhẹ cân. Việc đưa dụng cụ từ động mạch đùi tới động mạch chủ lên để qua ống động mạch rất khó khăn do động mạch của bé quá nhỏ, mỗi động tác đều phải rất nhẹ nhàng và chính xác tránh gây tổn thương mạch cho bé, vì khi tổn thương mạch lớn rất dễ tử vong.
Chỉ sau khi Stent được bung ra, các dụng cụ được rút ra, da bé hồng hào lên, cả êkíp mới thở phào nhẹ nhõm. Thật tuyệt vời ca mổ can thiệp đã thành công và sau hơn một ngày đã rút được máy thở. Hiện tại, sức khỏe của Thùy Linh đã ổn định, không còn tím tái và bé đã ăn nhẹ được".
Tình cờ chúng tôi gặp anh Nguyễn Trường Nam là bố của cháu Thùy Linh khi anh vào thăm con. Qua lời tâm sự, chúng tôi thật xúc động với tình cảm của anh dành cho vợ và các con.
Anh Nam cùng vợ là chị Hoàng Thị Yến, anh chị đã có một cậu con trai 4 tuổi, ngày sinh cháu bé đầu cũng bị sinh non (29 tuần) và được 1,5kg, phải nằm ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương 40 ngày, khi về nhà được 10 ngày lại phải đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện vì phổi quá yếu. Bệnh thuyên giảm, anh chị cho cháu về nhà được đúng một ngày lại quay lại bệnh viện để cấp cứu tiếp thêm một tháng nữa.
Có những lúc tưởng chừng không cứu được cháu, con sinh non bị bệnh võng mạc nên cần theo dõi rất sát, tuy nhiên, do bệnh phổi của bé quá nặng, vì thế việc theo dõi khám mắt cho bé không kịp thời dẫn đến cháu bé bị một bên mắt bong võng mạc, thị lực rất kém, chỉ còn 1/10.
Khi cháu bé được sáu tháng tuổi, anh đã cho cháu đi khám ở nhiều bệnh viện trong nước nhưng không khắc phục được. Qua tìm hiểu trên mạng Internet, anh quyết định cho cháu sang Bệnh viện Sain Petersburg của nước Nga để mổ mắt.
Nhưng kết quả chỉ giữ được mắt không bị teo và vẻ ngoại quan còn thị lực thì vẫn rất kém. Sau ba năm anh chị quyết định sinh thêm em bé thì chị Yến lại có thai ngoài dạ con, phải phẫu thuật cắt ống dẫn trứng. Anh chị đi làm thụ tinh nhân tạo, được thai đôi.
Thai được sáu tháng tuổi, chị Yến bị viêm phổi và từ đó chị nghỉ việc ở nhà dưỡng thai cho tới khi sinh một trai một gái. Anh Nam tâm sự: "Đứa con đầu của bọn mình đã thiệt thòi do đẻ non và bị thị lực yếu. Lần này, hai vợ chồng mình rất cẩn thận, chăm lo chế độ dinh dưỡng cho vợ và đi chụp chiếu…
Nhưng thật buồn là đến tuần thứ 16 của thai kỳ, mình đưa vợ đi siêu âm tim thai thì phát hiện thai nhi nữ bị bệnh tim bẩm sinh. Cũng may mà phát hiện sớm nên cũng có phương pháp điều trị kịp thời". Hiện anh Nam đang làm việc trong một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.
Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Tim Hà Nội. |
Nhìn người đàn ông có dáng vẻ thư sinh, tôi không biết bằng cách nào mà anh vừa lo việc ở cơ quan, vừa chăm con gái Thùy Linh trong bệnh viện, lại vừa chăm vợ và một bé sơ sinh ở nhà. Anh chia sẻ: "Vì vợ và các con, tôi có thể làm tất cả mọi việc không ngại khó, cũng may lãnh đạo đơn vị biết hoàn cảnh gia đình nên cũng tạo điều kiện cho tôi.
Còn cháu Thùy Linh đang điều trị tại Bệnh viện Tim Hà Nội, sức khỏe của cháu ngày một khá lên. Các y, bác sĩ ở đây rất nhiệt tình và trách nhiệm nên tôi cũng yên tâm nhiều".
Với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn về tim mạch và nhi khoa. Khoa Nhi Bệnh viện Tim Hà Nội gồm 6 bác sĩ, trong đó có 3 bác sĩ nội trú chuyên khoa nhi đã được đào tạo chuyên sâu về tim mạch nhi, 1 thạc sĩ nhi khoa, 2 bác sĩ chuyên khoa tim mạch và nhi khoa, 14 điều dưỡng chuyên khoa nhi có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân tim bẩm sinh và các bệnh tim mạch khác, nhằm hướng tới chăm sóc một cách toàn diện cho bệnh nhân.
Hiện tại, mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận trung bình 8-10 bệnh nhân nhập viện, phẫu thuật 4-6 ca và can thiệp 3-4 ca/ngày. Bệnh nhân can thiệp nằm viện trung bình 2-3 ngày, can thiệp sau khi nhập viện 24 giờ. Bệnh nhân phẫu thuật được xếp lịch sớm, thủ tục thuận tiện.
Những bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, can thiệp cấp cứu luôn được tạo điều kiện thực hiện sớm nhất với sự phối hợp chặt chẽ của các khoa liên quan trong bệnh viện để đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Tim Hà Nội khuyến cáo về chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh từ bào thai có thể thực hiện được từ tuần 15-16 của thai kỳ. Việc chẩn đoán tim thai có nhiều lợi ích.
Có nhiều bệnh tim bẩm sinh nặng, phức tạp cần hồi sức cấp cứu ngay sau khi đứa trẻ sinh ra. Vì vậy, việc biết trước bệnh từ trong thai giúp bác sĩ chủ động trong hồi sức và cứu được trẻ.
Mổ can thiệp bệnh tim bẩm sinh phức tạp cho bệnh nhân là trẻ sơ sinh |
Với những bệnh tim bẩm sinh không cần cấp cứu ngay sau khi sinh thì việc chẩn đoán trước sinh cũng giúp các bác sĩ có sự tư vấn cho người nhà bệnh nhân giai đoạn cần can thiệp hay phẫu thuật phù hợp nhất để gia đình người bệnh có sự chuẩn bị về tâm lý.
Đặt Stent ống động mạch là một kỹ thuật can thiệp khó, càng khó hơn khi bệnh nhân nhỏ, nhẹ cân do các dụng cụ dùng trong can thiệp có thể gây tổn thương tim và mạch máu của bệnh nhân nếu như bác sĩ không có kỹ năng và kinh nghiệm.
Việc gây mê và hồi sức sau can thiệp cũng khó khăn vì trẻ sinh non, nhẹ cân, ngoài vấn đề về tim mạch còn nhiều vấn đề khác như: Hô hấp, thần kinh, tiêu hóa do các cơ quan phát triển chưa đầy đủ và hoàn thiện.
Vì vậy, nếu không biết bệnh từ trong bào thai thì có thể bệnh nhân sẽ tử vong khi ống động mạch đóng mà gia đình không biết. Stent ống động mạch nhằm giữ cho ống động mạch mở một thời gian để cải thiện tình trạng tím và tăng kích thước động mạch phổi tạo điều kiện cho phẫu thuật sau này.