Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201608/khi-can-bo-biet-xau-ho-694009/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201608/khi-can-bo-biet-xau-ho-694009/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khi cán bộ biết xấu hổ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 16/08/2016, 09:32 [GMT+7]

Khi cán bộ biết xấu hổ

Một lời xin lỗi nhân dân, xin lỗi cộng đồng của cán bộ có khó không? Sẽ là rất khó nếu như người cán bộ không nhận thức được rằng mình là công bộc của dân, mình xuất thân từ nhân dân mà ra, được dân nuôi bằng tiền thuế của dân, vì nhân dân mà phục vụ.

Người cán bộ biết nói lời xin lỗi nhân dân là người đã nhận thức được trách nhiệm của mình trước việc làm chưa đúng. Không chỉ thế nó còn thể hiện cốt cách và trình độ văn hóa cũng như lòng tự trọng, biết xấu hổ trước việc làm sai cũng như thái độ ứng xử của mình đối với quần chúng.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về cán bộ người đã chỉ ra rằng: "Người đời ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu", "ai cũng có khuyết điểm", " có làm việc thì có sai lầm". "Chúng ta không sợ sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu sữa chữa sai lầm và khuyết điểm". Trên thực tế đã có rất nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ… đã nhiều lần công khai xin lỗi nhân dân về những việc làm chưa đúng của cá nhân cũng như của cơ quan nhà nước, của cán bộ thuộc quyền. Điều đó thể hiện tầm văn hóa cũng như thái độ trách nhiệm của người lãnh đạo.

Ngày nay trình độ dân trí đã cao, công nghệ thông tin phát triển tin tức cập nhật đa chiều. Vì vậy mọi việc lớn nhỏ hàng ngày của các cơ quan Nhà nước, của cán bộ công chức đều khó có thể qua mắt quần chúng nhân dân. Chính vì vậy ngoài việc công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước thì thái độ trách nhiệm và văn hóa ứng xử của cán bộ công chức phải được coi trọng. Nhân dân rất khắt khe nhưng cũng rất độ lượng một khi họ cảm thấy được tôn trọng.

Minh họa Lê Tâm.
Minh họa Lê Tâm.


Nhân dân bất bình khi ông Vũ Kim Cự, người trực tiếp đề xuất với Chính phủ đồng thời trực tiếp ký quyết định cho phép Formosa hoạt động tại Hà Tĩnh dẫn đến vụ việc xả thải gây ô nhiễm động trời. Trong lúc hàng triệu người dân lao đao khốn khổ, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng thì ông Cự hoàn toàn im lặng như một kẻ vô can, một sự im lặng giống hành động chạy trốn hèn nhát.

Chỉ đến khi áp lực của dư luận và Chủ tịch Quốc Hội nhắc nhở mới chịu tiếp xúc và trả lời báo chí. Người cán bộ như ông Cự sẽ có gương mặt đẹp hơn trong mắt nhân dân, nếu ông nhận thức được trách nhiệm của mình mà sớm đưa ra lời xin lỗi. Điều đó cho thấy ông là một người cán bộ, người lãnh đạo thiếu tầm nhìn, thiếu văn hóa và thiếu luôn cả lương tâm.

Làm lãnh đạo mà không đủ bản lĩnh để nhận trách nhiệm của mình, không động lòng trắc ẩn với dân chúng thì đó là một nỗi đau và người dân cảm thấy cay đắng, khi họ đã cầm lá phiếu gửi niềm tin của mình vào người lãnh đạo.

Liệu hình ảnh và uy tín người cán bộ nhà nước có còn niềm tin và thiện cảm trong mắt nhân dân không khi mà việc làm tốt của dân không những không được coi trọng, được ghi nhận và động viên mà còn bị truy hỏi và trách móc như vụ dân vá ổ gà trên QL70? Hay như hành vi công kênh nhau ngậm vú tượng Biang của cán bộ huyện ở Hà Tĩnh, đã là một hành vi thiếu văn hóa lại còn tự tung lên mạng khiến cho dư luận kinh hãi… Ai cũng hiểu, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ thông qua thái độ trách nhiệm và hành vi ứng xử của cơ quan và đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước.

Khi nói về cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Cán bộ là gốc của mọi công việc" và "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" Như thế đủ hiểu rằng người cán bộ ngoài năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị còn phải có thái độ trách nhiệm và trình độ văn hóa trong thực thi công vụ và ứng xử với tổ chức, với quần chúng nhân dân. Cao hơn nữa cốt cách văn hóa cá nhân sẽ làm nên bản lĩnh lòng tự trọng của người cán bộ, người lãnh đạo.

Cốt cách và trình độ văn hóa sẽ làm cho người cán bộ có lối sống giản dị, lành mạnh trong sáng, có phong cách ứng xử thân thiện quần chúng, gần dân. Người lãnh đạo, cán bộ công chức có chiều sâu văn hóa, có cốt cách và lòng tự trọng cao sẽ có đủ bản lĩnh để tiết chế tham vọng, chế ngự bản thân, biết cách hành xử để giữ gìn uy tín, hình ảnh của mình và hơn nữa là để người dân nể trọng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra mục tiêu chung của công tác cán bộ là: "Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, có tư duy đổi mới, sáng tạo có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể gắn bó với nhân dân dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm…"

Ngoài bản lĩnh chính trị người cán bộ công chức Nhà nước còn phải có cốt cách văn hóa và lòng tự trọng. Cốt cách văn hóa và trình độ nhận thức sẽ là những yếu tố quan trọng để hình thành thái độ trách nhiệm và hành vi ứng xử. Người cán bộ có chiều sâu văn hóa và lòng tự trọng sẽ là người có bản lĩnh đón nhận và bản lĩnh từ chối.

Chúng ta cần ở người cán bộ không chỉ biết dám nhận trách nhiệm về mình, "dám làm dám chịu", dám hy sinh lợi ích cá nhân để vì nhiệm vụ vì tổ chức, vì nhân dân. Người cán bộ còn phải có bản lĩnh và đủ nhận thức để biết khả năng năng lực của mình để không nhận chức quyền, không nhận lợi lộc khi xét thấy không đúng hoặc vượt quá khả năng của mình.

Trong những năm đổi mới, thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng phát triển nên kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chúng ta đã "mất" không ít cán bộ, vì tham vọng quá lớn dẫn đến chạy chức chạy quyền, vì tham nhũng và những hành vi phạm pháp khác. Điều đó cho thấy chiều sâu văn hóa và bản lĩnh của nhiều cán bộ Nhà nước còn chưa đủ để nhận thức bản thân, tiết chế lòng tham cũng như thái độ trách nhiệm và hành vi ứng xử của mình đối với nhà nước, với tổ chức, với nhân dân.

Từ vụ việc luân chuyển bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh và một số vụ bổ nhiệm cán bộ dựa vào mối quan hệ cá nhân của Bộ Công thương vừa qua để thấy rằng việc xây dựng và sử dụng đội ngũ cán bộ phải được làm một cách công tâm minh bạch, công khai dân chủ, có sự lựa chọn, rèn luyện thử thách và đúng qui trình, qui định, đúng đối tượng, không vì lợi ích hay quan hệ mà ưu tiên cất nhắc, thưởng phạt nghiêm minh không bao che hoặc nhẹ tay qua loa trong việc xử lý sai phạm.

Liệu người cán bộ có đủ bản lĩnh để nhận trách nhiệm của mình, để nói lời xin lỗi tổ chức, xin lỗi nhân dân? Liệu cán bộ có đủ bản lĩnh để từ chối phong bì quà cáp và những lợi ích vật chất, có vượt qua được lòng tham mà biết đủ hay là đã quá no  nhưng mời vẫn cố ăn, ăn cho ngày nay, cho ngày mai và cho cả muôn đời sau? Liệu người cán bộ có đủ bản lĩnh và văn hóa để từ chức khi thấy mình làm sai, khi thấy mình non kém?...

Còn nhiều câu hỏi đặt ra, nhưng một câu hỏi lớn nhất đó là: Liệu người dân có tin vào chế độ, tin vào Đảng, Nhà nước hay không? Điều đó tùy thuộc vào thái độ của các cơ quan Nhà nước và quan trọng là thái độ trách nhiệm trong thực thi công vụ, phong cách thân thiện gần dân, vì dân, năng lực công tác và hành vi ứng xử đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước.

.

Nguồn: Báo CAND