Phóng sự
Chuyện cảm động về những người lính chiến đấu chống 'giặc lửa'
Trực 24/24 giờ, luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường diệt "giặc lửa" là nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ PC66, Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Hà Tĩnh.
Nhiều khi đón giao thừa trên đường, "bơi" mình trong biển lửa vào thời khắc thiêng liêng của năm mới là chuyện không có gì xa lạ với các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi đây. Khẩu hiệu "giữ cái còn trong cái mất" đã trở thành tuyên ngôn với mỗi người lính phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ PC66.
Nhìn vào cứ tưởng lính phòng cháy và cứu nạn cứu hộ rất nhàn, bởi khi không xảy ra cháy hoặc phải cứu nạn, cứu hộ họ thường chỉ ngồi không ở phòng để trực máy. Thế nhưng nhiều người không biết rằng họ có thể phải lên đường bất cứ lúc nào: giữa trưa nắng gắt, nửa đêm, đang ăn cơm cũng phải bỏ bát, đang tắm có khi trên người còn đầy bọt xà phòng cũng phải vơ vội quần áo để lên đường cho kịp.
Khẩn trương cứu nạn cứu hộ trong vụ sập giàn giáo Fomosa năm 2015. |
Với đặc thù khi vào ca trực, "lính cháy" phải trực 24/24h nên nhiều lúc họ cũng gặp phải những tình huống dở khóc dở cười. Có những chiến sĩ chưa vợ, nhiều khi hẹn hò với người yêu cũng phải hẹn ngay ở một quán trà đá cạnh cổng cơ quan để nếu có còi hiệu là có thể tập trung ngay lập tức. Với những người có gia đình sự khó khăn ấy còn nhân lên gấp bội. Nhiều đồng chí nhà ngay cạnh cơ quan, nhưng vào ngày trực vẫn phải ở lại đơn vị 24/24, vợ đẻ, làm nhà cũng đành "đứng ngoài cuộc". Những người lính trẻ vẫn thường đùa nhau rằng, cứ thế này chắc họ ế vợ mất thôi.
Phòng PC66 công an Hà Tĩnh được chia thành 4 đội, trong đó có 3 đội chữa cháy. Thượng tá Hoàng Văn Long, phó trưởng phòng PC66 chia sẻ: "Đặc thù của lính phòng cháy là luôn trong tư thế bị động, bởi không ai có thể biết trước ngày nào, giờ nào, địa điểm nào sẽ xảy ra cháy. Nó khác hẳn với các đơn vị khác như: hình sự, ma túy… họ đều có kế hoạch, lập chuyên án. Nhiều khi có một cuộc gọi vào máy 114, nếu mình không bốc máy kịp thời người dân có thể ngay lập tức sẽ điện thoại phản ánh lên Giám đốc, lên Chủ tịch tỉnh. Vẫn biết rằng đó là tâm lý rất bình thường của những người khi phải chứng kiến đám cháy bốc lên ngùn ngụt mà chưa thấy lực lượng phòng cháy chữa cháy tới. Trong tâm lý ấy, việc phải chờ đợi 2 phút có khi dài như 20 phút".
Vì thế, chuyện những người lính chữa cháy bị chửi cũng là chuyện "thường ngày ở huyện". Thường sẽ là những câu, "các ông mần chi mà giờ này mới đến?" Hoặc khi nghe điện thoại báo cháy các chiến sĩ thường phải xử lý thông tin như hỏi lại người báo là cháy ở đâu, cháy cái gì, chất cháy là gì... Khi xác định được vật cháy thì sẽ mang theo những vật dụng chữa cháy cần thiết. Chữa cháy nhà cao tầng lại khác với chữa cháy nhà thấp tầng… Với từng đó câu hỏi mà người trực máy bắt buộc phải hỏi người báo cháy đôi khi cũng bị mắng rằng không lo chữa cháy, hỏi chi mà hỏi nhiều.
Khi xảy ra cháy, những người lính cứu hỏa lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Với họ "giành lại cái còn trong cái mất" đã trở thành nhiệm vụ thiêng liêng, được đặt lên hàng đầu. Hành động quả cảm ấy cũng đồng nghĩa với việc lính cứu hỏa sẽ phải đương đầu với biết bao hiểm nguy để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và của cho nhân dân. Để được trở thành người lính cứu hỏa không hề đơn giản: phải có sức khỏe, phải yêu nghề và giàu lòng can đảm, phản xạ nhanh nhẹn, thông minh trong các trường hợp. Vì vậy, các chiến sĩ phải thường xuyên tập luyện, dựng những vụ cháy giả để diễn tập nhằm ứng phó nhanh trong thực tế chiến đấu với "giặc lửa" có sức nóng lên đến hàng trăm độ C...
Còn nhớ đầu năm 2016 này, trong ca trực 3 ngày của mình, Thượng tá Hoàng Văn Long đã phải tham gia chữa cháy tới 8 vụ. Vụ thứ nhất xảy ra vào 9h 30 phút sáng mồng 1 Tết, chưa kịp bắt tay chúc mừng năm mới anh em, đồng chí thì họ nhận được tin báo cháy tại số nhà 6, ngõ 336, tổ dân phố số 3, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh. Ngay lập tức các cán bộ, chiến sĩ lại hỏa tốc lên đường làm nhiệm vụ.
Chủ nhân của ngôi nhà đang bốc cháy hôm ấy là anh Đào Quang Ánh và chị Trần Thị Hà. Khi cảnh sát PCCC đến thì ngôi nhà đã chìm trong biển lửa. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã tiếp cận đám cháy và tìm cách dập lửa. Một chiến sĩ đã được giao nhiệm vụ xông vào biển lửa cứu anh Ánh đang ốm nặng nằm trong nhà.
Chứng kiến cảnh huống đó, nhiều người dân đã nín thở hồi hộp. Nhiều người đã nghĩ rất có thể anh Ánh không những không thể cứu mà chiến sĩ gan dạ kia cũng rất có thể phải bỏ mạng. Giây phút người lính cứu hỏa đưa được gia chủ ra ngoài an toàn đã khiến nhiều người dân vỡ òa sung sướng.
Dịp Tết nguyên đán 2016, số vụ cháy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tăng lên đột biến. Chỉ tính trong 9 ngày đầu năm mới đã có tới 10 vụ cháy. Tất cả các vụ cháy ấy đều được những người lính của PC66, công an Hà Tĩnh có mặt kịp thời, chữa cháy hiệu quả. Vì thế thiệt hại về người và của được giảm thiểu một cách đáng kể.
Đại tá Lương Hữu Phùng, Trường phòng PC66 công an Hà Tĩnh chia sẻ: "Đối với lực lượng cảnh sát PCCC yêu cầu thường trực chiến đấu rất cao, nhất là vào các dịp lễ, tết, hội hè. Thời điểm người ta nghỉ ngơi thì cán bộ, chiến sĩ PC66 thường phải trực 100% quân số. Bởi những dịp như thế khả năng xảy ra cháy nổ là rất cao".
Vất vả và hiểm nguy là thế nhưng sau mỗi lần chữa cháy thành công, cứu nguy được tính mạng và tài sản cho người dân các cán bộ, chiến sĩ PCCC PC66 lại cảm thấy có thêm động lực để yêu hơn cái nghề của mình. Những bức thư cảm ơn của người dân chính là món quà khích lệ họ cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
Không chỉ làm công tác phòng cháy chữa cháy mà các cán bộ, chiến sĩ PC66, công an Hà Tĩnh còn phải đảm đương cả nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Còn nhớ vụ cháy sập giàn giáo tại công trường dự án Formosa thuộc khu kinh tế Vũng Áng hồi tháng 3/2015.
Vào khoảng 20h ngày 25/3/2015, PC66 công an Hà Tĩnh nhận được tin báo của Công an huyện Kỳ Anh về việc xảy ra vụ sập giàn giáo ở khu kinh tế Vũng Áng. Ngay lập tức, PC66 công an Hà Tĩnh đã xuất 4 xe (một xe cứu nạn, cứu hộ, 2 xe chữa cháy và 1 xe chỉ huy) do Đại tá Lương Hữu Phùng - trưởng phòng PC66 chỉ huy cùng 50 cán bộ chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường.
Qua nắm tình hình, sự việc xảy ra khi hàng chục công nhân của nhà thầu tập đoàn SamSung đang lắp giàn giáo LAM2 thi công đúc giếng chìm để làm đê, chắn sóng ở cảng Sơn Dương thì giàn giáo bị sập. Giàn giáo LAM2 có diện tích 1200m2, chiều cao 30 mét, dài 40 mét, dày 6 mét và nặng hàng chục tấn. Lúc xảy ra sự cố, tại công trường có tới 54 công nhân đang làm việc.
Nhận định đây là vụ tai nạn nghiêm trọng đe dọa tới tính mạng hàng chục người nên phải có phương án cứu nạn, cứu hộ hợp lý. Tại hiện trường, PC66 Công an Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức trinh sát, đồng thời phối hợp với Cảnh sát cơ động, công an huyện Kỳ Anh, chính quyền địa phương và các đơn vị thi công sử dụng kìm cộng lực, máy banh cắt bằng thủy lực và các phương tiện khoan cắt, đồng thời sử dụng cần cẩu của xe cứu nạn cứu hộ di chuyển khối sắt, thép ra ngoài để cứu nạn nhân.
Vụ cháy xảy ra vào thời điểm ban đêm, điều kiện thời tiết mưa gió, khối lượng sắt thép lại lớn. Khi ấy nhiều cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu kiệt sức vì phải thức thâu đêm và lại chỉ ăn bánh mì, lương khô cầm hơi. Dù vậy, nhiều cán bộ chiến sĩ đã dũng cảm, không ngại khó khăn để khẩn trương đưa các nạn nhân ra ngoài. Góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số người bị chết, bị thương và rút ngắn thời gian cứu hộ, cứu nạn. Sự dũng cảm và nỗ lực không ngừng của các cán bộ, chiến sĩ PC66 trong vụ sập giàn giáo đã được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen.
Với những thành tích đã đạt được, PC66 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã vinh dự được Bộ công an 2 lần tặng cờ Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua "Vì an ninh tổ quốc" cấp cơ sở. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng"…
Nguồn: Cand.com.vn