Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201507/gap-vua-do-co-o-sai-thanh-620436/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201507/gap-vua-do-co-o-sai-thanh-620436/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gặp 'Vua đồ cổ' ở Sài Thành - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 04/07/2015, 16:22 [GMT+7]

Gặp 'Vua đồ cổ' ở Sài Thành

(Congannghean.vn)-Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông bỏ nhà đi bụi từ năm lên 10 tuổi, nhưng lại trở thành triệu phú năm 16 tuổi rồi do thời cuộc và cơ duyên ông "chuyển nghề" làm phóng viên chiến trường cho hãng thông tấn UPI (Mỹ)… Cuộc đời của ông như một cuốn truyện với nhiều thăng trầm và cả những khúc ngoặt "không thể tin nổi", để bây giờ nhiều người gọi ông là "Vua đồ cổ"…
 
Từ trẻ bụi đời trở thành triệu phú
 
Quả thật, tôi rất ấn tượng và có chút tò mò vì danh hiệu "Vua đồ cổ" của ông và nhất là giá trị "khủng" kho cổ vật mà ông đang sở hữu (với trên 2.000 cổ vật quý hiếm) khi có thông tin nhận định rằng chúng có thể lên tới khoảng 70 triệu đô la Mỹ.
 
Lần đầu tiên tìm đến địa chỉ nhà ông ở đường Đông Du, quận 1, quan sát từ bên ngoài đã thấy một tấm biển hiệu sơn son thếp vàng được treo ngay trước ban công tầng 2 mang dáng dấp cổ xưa ghi tên ông - Hoàng Văn Cường. Năm nay 67 tuổi, nhưng ông bảo rằng căn nhà này ông đã ở 40 năm nay. Vừa lên hết cầu thang vào tầng 2 căn nhà, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi những món cổ vật được trưng bày, sắp đặt dày đặc khắp ba tầng lầu…
 
Với chất giọng Huế đặc trưng, ông chậm rãi kể về cuộc đời mình. Gia đình ông gốc Huế, cho đến nay đã có 4 đời theo nghề sưu tầm cổ vật, từ ông nội ông tới đời con ông bây giờ. Cha mẹ ông có tất cả 5 người con nhưng chỉ có ông là con trai. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó vì cha mẹ ông chủ yếu chỉ bán hàng gạo cơm mắm muối nhỏ ngay đầu hẻm nhà, thu nhập chỉ giúp cho nhu cầu tối thiểu.
 
Với hoàn cảnh như vậy nên mới 10 tuổi ông đã bỏ nhà đi bụi vào Đà Nẵng với mong muốn thay đổi số phận. Tại đây ông lăn lộn làm đủ nghề như bán báo, đánh giày, ai thuê gì làm nấy. Trong một lần đánh giày cho khách, ông đã gặp một viên sĩ quan Mỹ. Và cuộc gặp định mệnh này đã thay đổi cuộc đời ông.
 
Thấy ông nghèo khó, nhưng trung thực, ngoan ngoãn và tận mắt chứng kiến hoàn cảnh ông sống trong một ống cống bên lề đường, viên sĩ quan này đã đưa ông về doanh trại cho ăn uống… Tại đây với con mắt nhanh nhạy, ông thấy tình trạng quần áo quân trang của một số lính Mỹ trong phòng dơ bẩn nhưng không có người lo liệu nên đã đề nghị mang đi thuê người dân giặt giũ sạch sẽ. Sau đó, quen việc ông đã "bao thầu" việc giặt quần áo cho lính Mỹ…
Hàng ngàn cổ vật lớn nhỏ được
Hàng ngàn cổ vật lớn nhỏ được "Vua đồ cổ" trưng bày khắp căn nhà của mình.
Tiếp đó ông thầu luôn việc cung cấp thực phẩm tươi cho nhiều doanh trại lính Mỹ (sau đó là gần như khắp miền Nam), thu gom phế liệu đạn dược bán cho nước ngoài... Thời đó chưa có nhà máy tái chế phế liệu nên công việc của ông khá nhiều lợi nhuận. Khi có nhiều tiền ông tiếp tục mở một trạm xăng dầu… Điều đáng nói tất cả những việc này ông làm khi chỉ mới 14-15 tuổi và khi 16 tuổi ông bảo rằng mình đã có hàng trăm ngàn đô la, thậm chí cả triệu đô la trong tay (?)
 
"Lúc đó, cứ có căn cứ Mỹ ở đâu là tôi tìm tới, bao thầu giặt đồ, thu gom phế liệu buôn bán… Tôi làm nghề này gần 6 năm trời và giàu lên trông thấy. Nói không quá chứ lúc đó tiền tôi đem về cân ký thôi chứ không cần phải đếm nữa. Cuộc đời tôi gần như thay đổi hoàn toàn từ đó", ông vui vẻ chia sẻ.
 
Khi đã đến tuổi quân dịch, ông có ý hướng không muốn trở thành một người lính ra trận bắn giết đồng bào mình. Và đúng như thỏa nguyện, năm 1966, số phận đưa đẩy ông "bỗng dưng" trở thành một phóng viên chiến trường của hãng thông tấn UPI. "Tôi thường gặp những cơ duyên và chính những cơ duyên đó đã thay đổi cuộc đời tôi". Việc trở thành một phóng viên chiến trường cũng vậy.
 
Trong một lần một phóng viên người Nhật đang làm việc ở chiến trường miền Nam vào quán nhà ông mua phim để chụp ảnh. Ngồi nói chuyện thấy ông mê chuyện chụp hình, thế là ông này đưa cho ông hai cuộn phim và cho mượn cả máy chụp hình rồi bảo ông cứ đi chụp bất cứ cái gì mình thích rồi mang về cho ông này xem…
 
Qua đó thấy ông có năng khiếu, nhà báo này đã chỉ bảo thêm cho ông và ông cũng học tập thêm một số lớp nhiếp ảnh. Rồi đúng lúc hãng thông tấn UPI tuyển phóng viên, qua nhà báo này, ông nộp đơn thi tuyển. Trong hàng trăm ứng viên, ông là một trong hai người được tuyển dụng (năm ấy ông mới 18 tuổi) và từ đó (từ năm 1968 đến 1978) ông đã đi nhiều chiến trường tác nghiệp.
 
"Cuộc đời tôi có hai điều tự hào, đó là trở thành phóng viên chiến trường của một tờ báo quốc tế nổi tiếng và sưu tầm cổ vật. Tôi chính là phóng viên quốc tế chứng kiến chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong ngày lịch sử 30/4/1975. Những sử gia của Mỹ gọi tôi là chứng nhân lịch sử, họ còn làm phim tài liệu về tôi. Tôi rất tự hào về nghề báo…", ông tỏ ý hãnh diện.
 
Chính trong những năm tháng cầm máy ảnh đi tác nghiệp ở nhiều nơi, ông Cường có dịp tiếp cận với nhiều món đồ cổ quý hiếm. Sẵn có "máu sưu tầm cổ vật gia truyền", từ đó ông tìm tòi, học hỏi và sưu tầm cổ vật với mong muốn giữ lại những cổ vật của cha ông cho các thế hệ sau.
 
Ông quan niệm, những món đồ cổ như một gia sản mà nếu bán, nhiều khả năng sẽ bị đưa ra nước ngoài, làm thất thoát tài sản quốc gia, nên ông thấy mình có trách nhiệm phải giữ gìn. Và cứ thế hơn 40 năm qua, ông luôn đau đáu với tâm niệm của mình, và ông chỉ đi khắp nơi thu thập, sưu tầm mà chưa hề bán đi một cổ vật nào.
 
Những cổ vật có giá trị hàng triệu đô
 
Ngày qua ngày, khối gia sản cổ vật của ông cứ lớn dần và căn nhà ở đường Ðông Du, quận 1 đã trở nên quá chật chội. Hiện tại ngoài căn nhà này, ông có một căn nhà ở quận Thủ Đức chứa hàng ngàn cổ vật, niên đại sớm nhất có từ thời Ðông Sơn và muộn nhất là triều Nguyễn. Ngoài ra, ông còn xây dựng thêm một căn nhà khá đồ sộ ở quận 12 cũng chủ yếu dùng để lưu giữ, trưng bày cổ vật…
 
Với cả ba nơi này, "vua đồ cổ" gần như chung sống, ăn ở với đồ cổ. Chỉ tính trong căn nhà ở đường Đông Du, quận 1 (đây cũng là nơi sinh sống chính của gia đình ông gồm mẹ ông, vợ chồng ông cùng hai đứa con trai đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định), đã có vô số cổ vật có giá trị lên tới hàng triệu đô la Mỹ.
 
Đầu tiên phải kể đến chiếc sập ba thành có tuổi đời hơn 300 năm và nguồn gốc từ Trung Quốc, được một viên quan triều đình Huế mua về dùng để hút thuốc. Chiếc sập này được làm nguyên miếng bằng gỗ lệ chi (cây vải), được chạm khắc rất tinh xảo với hình con rồng đang ôm quả địa cầu.
 
Hiện chiếc sập được giới chơi đồ cổ đánh giá là có một không hai. Theo ông cho biết ông đã mua chiếc sập này vào năm 1976 ở tận Hà Tiên với giá 5 cây vàng. Nhưng cách đây mấy năm đã có người trả ông 2 triệu USD (tức là hơn 40 tỷ đồng) nhưng ông không bán.
Chiếc sập ba thành có tuổi đời hơn 300 năm được làm nguyên miếng bằng gỗ lệ chi, đã có người trả giá 2 triệu USD.
Chiếc sập ba thành có tuổi đời hơn 300 năm được làm nguyên miếng bằng gỗ lệ chi, đã có người trả giá 2 triệu USD.
Tiếp đó là chiếc bàn thờ bằng gỗ hoàng hoa lý (gỗ sưa) được chạm khắc rất tinh xảo với nhiều hình rồng uốn lượn. Theo ông thì bàn thờ này có từ thời vua Khải Định, được vua dùng để cúng, tế trời, cầu an mưa thuận gió hòa. Hay bộ bàn ghế bằng gỗ trắc được đóng từ thế kỷ XVI được ông trưng bày nổi bật giữa sảnh của tầng 2 căn nhà. Đặc biệt cũng tại đây ông trưng bày một cục trầm lớn được chạm khắc những đường nét tinh xảo mà theo lời ông chưa biết định giá nó bao nhiêu.
 
Ngoài ra, ông còn có những chiếc long sàng (giường của vua) vô cùng giá trị như chiếc long sàng vua Chiêm Thành tặng vua Gia Long, hay chiếc long sàng dành cho ấu chúa thời Vua Tự Đức thế kỷ XVIII, chiếc của bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ... Trong bộ sưu tập của ông có rất nhiều đồ ngự dụng của triều đình nhà Nguyễn. Bên cạnh đó là các món đồ gốm sứ có men màu lam, những chỉ dụ của vua hay những cây đèn được chạm khắc cầu kỳ. Chưa kể ông còn sở hữu bộ sưu tập 25 cây súng Nhật được chế tạo từ năm 1600, báng súng làm bằng ngà voi…
 
Có lẽ để có kho cổ vật đồ sộ như hiện nay, ông đã bỏ ra cả một núi tiền. Như lời ông nói thì cứ có tiền và nghe nói ở đâu có cổ vật là ông lại lên đường tìm mua. Vì thế, nhiều lần ông đã bôn ba qua Trung Quốc, Philippines… để mua cổ vật đấu giá của Việt Nam mang về. Điều đáng nói là ông chỉ có mua vào chứ nhất quyết không bán bất cứ cổ vật nào. Dù cho ai đó có ra giá hàng triệu đô và tìm đủ mọi cách để thuyết phục nhưng ông chưa bao giờ xiêu lòng trước bất cứ lời gạ mua nào.
 
Trước câu hỏi, sở hữu rất nhiều cổ vật ở nhiều niên đại khác nhau ông có lo sợ "khí" của chúng sẽ ảnh hưởng xấu lên số mệnh của mình như phong thủy vẫn nói? Ông cười bảo rằng đúng là không phải ai cũng có thể gắn bó với thú chơi cổ vật vì nó lắm công phu và nhất là phải có tâm, không tham vì vạn vật hữu linh. "Ở trong giới đồ cổ, tôi biết nhiều người vì ham sở hữu món cổ vật nào đó hoặc buôn những cổ vật thiêng (tượng, tranh, đồ thờ cúng) đã tán gia bại sản, thậm chí yểu mạng. Phải có duyên, phải hiểu đạo và không tham mới có thể chơi cổ vật. Mỗi cổ vật đều ẩn chứa rất nhiều linh hồn của những người đã từng gắn liền với nó…".
 
Khoảng giữa năm 2014, giới chơi cổ vật đã xôn xao trước việc ông quyết định công bố hiến 70% giá trị khối tài sản cổ vật của mình ủng hộ cho chương trình vì biển đảo quê hương do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh phát động. Theo lời ông thì ông mong muốn được phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá các món đồ cổ mà theo dự kiến giá trị có thể lên tới hàng chục triệu USD.
 
Trong di chúc do ông tự tay viết có đoạn "Toàn bộ tài sản bán ra, 70% hiến cho biển đảo, đồng bào ngư dân nghèo có tâm huyết vì biển đảo; hằng tháng, hằng năm bám biển nếu có sự cố hoặc tai nạn biển sẽ có số tiền ứng phó tiếp sức cho đồng bào ngư dân. 30% cho con cái và dòng họ, nội ngoại hai bên còn nghèo lắm, để xây từ đường hai bên nội ngoại. Đây là thông điệp thay lời di chúc".
 
Với quyết định này, nhiều người sẽ thắc mắc liệu con cái hay người thân của ông có ủng hộ hay không. Ông cười rất tươi chia sẻ rằng chuyện này trong nhà ông đều vui vẻ trước quyết định của ông.
 
"Tôi đã họp tất cả người thân để tuyên bố quyết định của mình. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn, nguy biến, bản thân từng người dân đều muốn đóng góp sức mình cho đất nước. Hơn nữa, số 30% giá trị tài sản, tôi nghĩ vợ con tôi và người thân đã tương đối đủ đầy để sống sung túc. Tiền bạc chỉ là vật ngoại thân, khi chết có mang theo được đâu...".
 
Cho đến nay, ông Cường tiếp tục khẳng định lại việc này và bày tỏ mong muốn sớm được thực hiện ước nguyện. Chỉ có điều trước khi đấu giá, ông đề nghị cơ quan chức năng tổ chức trưng bày tất cả các cổ vật để phục vụ cho công chúng, du khách tham quan miễn phí. Nếu không hoàn thành việc hiến tặng này thì ông sẽ xây dựng một bảo tàng tư nhân để trưng bày các cổ vật của mình cho người dân và du khách tham quan. 
.

Nguồn: Cstc.cand.com.vn

.