Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201506/nhung-nguoi-am-tham-chong-giac-lua-616015/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201506/nhung-nguoi-am-tham-chong-giac-lua-616015/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những người âm thầm chống giặc lửa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 16/06/2015, 23:24 [GMT+7]

Những người âm thầm chống giặc lửa

(Congannghean.vn)-Gió càng lúc càng quật mạnh, cái ngột ngạt của thời tiết những ngày tháng 6 bỏng rát quyện vào khí nóng của lửa, mịt mù của khói càng khiến bước chân các anh thêm phần vất vả trong hành trình lên đến đỉnh đồi để dập tắt ngọn lửa hung hãn. Bởi trong cuộc chiến chống “giặc lửa” này, muốn cứu sống “lá phổi xanh” bao đời che chở cho bà con, chỉ có một cách, đó là các anh phải tiếp tục vững bước tiến lên.
 
14 giờ ngày 25/5, trực ban đơn vị Lữ đoàn 414 nhận được thông tin, vụ cháy rừng lớn từ xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương đã lan sang các ngọn đồi của huyện Nam Đàn, bao gồm các xã Nam Thái, Vân Diên, Nam Thượng. Ngay khi nhận lệnh, Trung tá Mai Văn Thanh, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 414 đã cùng các CBCS tức tốc lên đường dập tắt đám cháy. 
 
Do sức bùng phá của ngọn lửa quá lớn nên số CBCS được huy động lên tới 400 người. Ngay khi đến ngọn đồi đang bị cháy, Trung tá Mai Văn Thanh phải xác định đường cơ động để các CBCS hành quân, mặt khác lại có thể rút khi bị đám cháy tấn công dữ dội. Theo kinh nghiệm nhiều năm chống “giặc lửa”, Trung tá Thanh phán đoán hướng gió đang thổi theo hướng Tây Nam nên phải “nhanh chóng tận dụng”, nếu không ngọn lửa sẽ lan nhanh hơn nữa.
 
Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 414  trong một đợt chữa cháy rừng tại Nam Đàn
Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 414 trong một đợt chữa cháy rừng tại Nam Đàn
 
Từng tốp CBCS được tản ra làm đường băng cản lửa, một lực lượng trực tiếp chớp thời cơ để dập lửa. Trong khi đó, các tổ trưởng phải thường xuyên quan sát, ứng trực để khi đám cháy tấn công dữ dội thì sẽ mở đường rút lui, tránh nguy hiểm đến tính mạng, đồng thời đảm bảo an toàn cho CBCS. Nỗ lực là thế, nhưng phải đến gần 12 giờ ngày hôm sau, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Lúc này, ai nấy cũng đều mệt nhoài sau trận chiến sinh tử.
 
Đó chỉ là một trong nhiều đám cháy mà Trung tá Thanh và đồng đội cùng tham gia khống chế và dập tắt. Công tác tại Lữ đoàn 414 từ năm 2005 đến nay, Trung tá Thanh không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần tham gia cuộc chiến chống “giặc lửa”. Chỉ biết, có những năm cao điểm như năm 2010, anh đã 17 lần tham gia chỉ huy dập tắt các đám cháy rừng. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần rút ra được những kinh nghiệm và bài học quý báu. 
 
Dập tắt lửa, đảm bảo an toàn tính mạng là yêu cầu hàng đầu của mỗi người khi tham gia chữa cháy rừng. Nhưng trước ngọn lửa hung hãn, những sự việc không mong muốn vẫn cứ xảy ra, nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Trong trận cháy rừng năm 2014, đã có CBCS bị thương, rồi nhiều lượt cán bộ bị ngạt khói.
 
Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 414 tham gia chữa cháy rừng trao đổi với phóng viên
Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 414 tham gia chữa cháy rừng trao đổi với phóng viên
 
Trung úy Nguyễn Cảnh Tuấn, Trung đội 2, Đại đội 6, Tiểu đoàn Công binh vẫn nhớ như in giây phút đối diện với hiểm nguy, khi anh cùng mọi người tham gia dập lửa tại 3 quả đồi ở xã Nam Lộc năm 2007. Do ngọn lửa quá hung hãn, lại phải chữa cháy xuyên đêm, xuyên ngày nên anh bị ngạt khói, người cứ lịm dần đi… Thế nhưng, khi tỉnh lại, câu đầu tiên mà anh hỏi đồng đội lại liên quan đến tình hình dập tắt đám cháy và sự an nguy của mọi người.
 
Hay như trường hợp của Trung sĩ Lê Hoài Anh, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5. Tuy mới nhập ngũ cuối năm 2013 nhưng Trung sĩ Anh đã có 7 lần cùng đồng đội tham gia chữa cháy rừng. Từ các xã Nam Lộc, Khánh Sơn rồi Vân Diên, Nam Thái, bàn chân của chàng trung sĩ trẻ gần như đã “phủ kín” những cánh rừng nơi đây, với những mệnh lệnh chữa cháy ngay giữa đêm khuya. Những dụng cụ chữa cháy thô sơ như máy thổi, máy cưa, dao phát… đã trở thành vật dụng quen thuộc với những người lính trẻ như Trung sĩ Anh.
 
Không phải là nhiệm vụ chính nhưng mỗi khi đến mùa hè bỏng rát, các anh lại canh cánh nỗi lo về những đợt cháy rừng. Vất vả là vậy, hiểm nguy là thế nhưng ai cũng tâm niệm một điều: Phải giữ bằng được “lá phổi xanh” cho quê hương. Chừng nào còn là lính công binh, còn sức khỏe để cống hiến và tham gia chữa cháy là chừng đó, các anh còn tiếp tục cố gắng để bảo vệ sự yên bình cho quê hương.
 
.

Mai Hậu

.